“Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long”: Thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và giao lưu văn hóa, trao đổi lao động

20/04/2018 - 05:43

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các địa phương và Đại sứ quán Nhật Bản chụp hình lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: C.Trúc

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các địa phương và Đại sứ quán Nhật Bản chụp hình lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: C.Trúc

Mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng gắn bó, phát triển theo chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là trong hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, liên kết đào tạo, phát triển giáo dục và kỹ năng cho người lao động… Trong bối cảnh tình hữu nghị Việt - Nhật gắn kết sâu rộng đó, hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức là một điểm nhấn, ghi dấu ấn tốt đẹp cho mối quan hệ thân hữu giữa 2 quốc gia, dân tộc, trong đó có Bến Tre.

Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ nguồn vốn ODA lớn nhất, là nhà đầu tư giữ vị thế số 1 về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân tại tỉnh; đồng thời, là đối tác thương mại lớn thứ tư tại Việt Nam nói chung và tại Bến Tre nói riêng. Thông qua hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và Bến Tre đối với quê hương và con người Nhật Bản nói riêng ngày càng tốt đẹp.

Trong thời gian qua, có nhiều tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản đến tỉnh hoạt động và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cho tỉnh. Phần lớn các tổ chức này có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với tỉnh trong nhiều năm, nổi bật nhất là hoạt động của Hội Hở môi hàm ếch Nhật Bản, Tổ chức Sead to table... Đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản đã ký hiệp định tài trợ vốn ODA cho Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, với tổng vốn khoảng 6.253 tỷ đồng. Qua đó, sẽ góp phần giúp cho tỉnh ứng phó có hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu và tạo sinh kế cho người dân trong tương lai.

Bến Tre luôn là địa phương được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm, tìm hiểu và triển khai nhiều dự án đầu tư, bình quân hàng năm có khoảng trên 20 đoàn đầu tư Nhật Bản đến Bến Tre tìm hiểu cơ hội đầu tư, tập trung nhiều vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chế biến nông thủy sản, điện - điện tử, công nghiệp phụ trợ, hạ tầng khu cụm công nghiệp... Trên địa bàn tỉnh, hiện có 4 dự án FDI từ Nhật Bản còn đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư 77,2 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn FDI trên toàn tỉnh (gồm: Công ty TNHH MTV Furukawa Automatic System (FAS) chuyên sản xuất thiết bị dẫn điện các loại với tổng vốn đầu tư 34 triệu USD, Công ty TNHH MTV Nidec Tosok Precision Việt Nam sản xuất van solenoid điều khiển trong hộp số tự động xe hơi và các linh kiện, phụ kiện khác với vốn đầu tư 39,7 triệu USD, Công ty TNHH Himaru Bến Tre sản xuất ba lô, túi xách, vali, cặp… với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD và Công ty may mặc Showa - Bến Tre chuyên sản xuất hàng may mặc với tổng vốn đầu tư 575.000 USD).

Là một trong 13 tỉnh, thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre nằm liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam và nằm trên trục chính của tuyến giao lưu kinh tế các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Với thế mạnh kinh tế biển và kinh tế vườn, kết hợp với tiềm năng du lịch, cùng với nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, năng động của bộ máy nhà nước, với hệ thống cơ chế, chính sách thông thoáng và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… Tất cả yếu tố đó đã trở thành thế mạnh của tỉnh trong hội nhập và hợp tác đầu tư.

Tiềm năng và lợi thế

Bến Tre được mệnh danh là xứ sở dừa của Việt Nam, với diện tích hơn 70 ngàn héc-ta, nên Bến Tre trở thành vùng nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến dừa của tỉnh cũng như cả nước. Với hơn 40 sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như: dầu dừa tinh luyện, mỹ phẩm từ dừa, sữa dừa, bột sữa dừa, mụn dừa, thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa… đã giúp Bến Tre khẳng định vị thế vượt trội trong ngành công nghiệp chế biến dừa. Ngoài ra, Bến Tre còn được biết đến là “Vương quốc hoa kiểng và cây giống” với những khu vực trồng hoa kiểng tập trung, những vườn cây ăn trái nổi tiếng ở vùng Cái Mơn - Chợ Lách, hàng năm cung ứng cho thị trường nhiều loại trái cây đặc sản thơm ngon, nổi tiếng, nhất là sầu riêng, xoài, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh… và hàng triệu giống cây trồng, cây cảnh nổi tiếng. Đây cũng được xác định là thế mạnh nổi trội của tỉnh trong lĩnh vực trồng trọt.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng (thứ 3, phải sang) gặp gỡ Đại sứ Nhật Bản.  Ảnh: C.Trúc

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng (thứ 3, phải sang) gặp gỡ Đại sứ Nhật Bản.  Ảnh: C.Trúc

Mặt khác, Bến Tre cũng có những vùng đất chuyên canh trồng rau, màu các loại để cung ứng cho thị trường nội tỉnh và trong nước. Tuy tiềm năng  phát triển ngành rau sạch, hoa màu sạch, an toàn tại tỉnh rất lớn, nhất là nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, nhưng hiện tại tiềm năng này chưa được khai thác có hiệu quả. Với tiềm năng, thế mạnh vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp, Bến Tre đang tập trung mời gọi đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản vào các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, các dự án phát triển vùng nguyên liệu dừa theo chuẩn hữu cơ, dự án chế biến - sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa và trái cây.

Với những tiềm năng mà Bến Tre đang có, cùng với chiến lược phát triển phù hợp, gắn với nền văn hóa đặc sắc và con người Bến Tre anh dũng, kiên cường, luôn giàu khát vọng cống hiến, góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh, các nhà đầu tư sẽ phát hiện Bến Tre chính là điểm đến và lựa chọn lý tưởng cho những cơ hội đầu tư mới, đầy triển vọng. Trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nhà đầu tư thuận lợi nhất trong thực hiện các thủ tục có liên quan. Các ngành, các cấp trong tỉnh luôn đồng hành, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiến tạo môi trường thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phục vụ phát triển toàn diện tỉnh nhà, hướng tới xây dựng Bến Tre trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Vừa qua, theo kết quả công bố của VCCI Việt Nam, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, Bến Tre xếp vị trí 5/63 các tỉnh, thành phố và được đứng thứ 2 về chỉ số PAPI.

Xuất phát từ nền văn hóa tương đồng giữa hai nước, hai dân tộc, Bến Tre luôn mong muốn tiếp tục thông qua các cơ quan hợp tác phát triển, các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại của Nhật Bản như JICA, JETRO... và các nghiệp đoàn lao động để thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại và giao lưu văn hóa, trao đổi lao động giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung và các địa phương của Nhật Bản với Bến Tre nói riêng n

Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN