Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh, bài 2

“Làm người trung nghĩa đáng bia son”

01/07/2020 - 07:08

BDK - “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” là triết lý nhân sinh, triết lý văn hóa của một nhà thơ lớn, một nhà văn hóa lớn - Nguyễn Đình Chiểu. Ông là người thầy giáo mù lòa dạy học trò ở Gia Định, ở Cần Giuộc và 26 năm ở Ba Tri (Bến Tre) hẳn đã dạy những điều thầy tâm huyết. Tầm vóc lớn lao của nhà văn hóa lớn hiển hiện trong cuộc đời và sáng tác văn chương, văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu, luôn vượt qua số phận nghiệt ngã của cá nhân, số phận đau thương của đất nước, tỏa sáng hai trăm năm qua”.

(GS.TS. Nguyễn Chí Bền - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu)

Các em học sinh đến tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Các em học sinh đến tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Gắn với quê hương Xứ Dừa

Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu là nhắc đến giá trị ở 3 lĩnh vực: thơ văn, nhà giáo và thầy thuốc. Trên hết là giá trị về tinh thần yêu nước mạnh mẽ, là tấm gương của tất cả các tầng lớp nhân dân qua nhiều thế hệ. Để tôn vinh những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của một nhà thơ, nhà giáo, một người thầy thuốc suốt đời vì nhân dân, đem tài năng và trí tuệ của mình ra phục vụ cho dân, cho nước, cũng như tiếp tục tuyên truyền, học tập về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, năm 1992, Tỉnh ủy đã chọn ngày 1-7 hàng năm làm “Ngày hội truyền thống văn hóa tỉnh Bến Tre”. Ngày hội diễn ra thường niên nhân kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Các hoạt động Ngày hội truyền thống văn hóa 1-7 được hưởng ứng tổ chức trên quy mô toàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo chung của tỉnh.

Theo tài liệu lịch sử, ngày 1-7-1822, tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa, văn nghệ đã chào đời. Tuổi niên thiếu, Nguyễn Đình Chiểu từng chứng kiến cảnh loạn lạc của xã hội lúc bấy giờ. Khi 3 tỉnh miền Đông rơi vào tay thực dân Pháp, không chịu sống trong vùng chiếm đóng của giặc, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình xuôi thuyền về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, ông tiếp tục dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân. Đồng thời, ông vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước như Phan Văn Trị, Nguyễn Thông và lực lượng kháng chiến.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu đã có gần 30 năm gắn bó và chiến đấu cùng với nhân dân huyện Ba Tri nói riêng, tỉnh Bến Tre nói chung. Cụ là nhà thơ, thầy thuốc và nhà giáo yêu nước, chiến đấu chống kẻ thù không khoan nhượng bằng chính ngòi bút sắc bén của mình.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, một trong những tác phẩm ưu tú của nền văn học Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa dân gian các tỉnh phía Nam là truyện thơ Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đây là tác phẩm được cụ viết trước khi Pháp xâm lược đất nước, nhằm tuyên truyền đạo lý “Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình”. Tác phẩm có 2.075 câu thơ với hình thức truyện kể văn vần (hay còn gọi là truyện thơ) cùng nhiều hình tượng nghệ thuật đẹp trong văn chương đã được nhân dân tiếp nhận và tin theo đạo lý chính nghĩa ấy.

Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn có nhiều tác phẩm để lại cho các thế hệ như: Chạy giặc, Đạo người, Điếu Phan Công Tòng, Điếu Trương tướng quân, Làm thuốc, Viếng cụ Phan Thanh Giản, Thơ điếu Phan Thanh Giản, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh…

Cụ mất vào ngày 3-7-1888 và an nghỉ tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Hiện nay, phần mộ của cụ nằm trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, cùng với mộ người con gái là Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh - Nhà thơ, nhà báo và là Chủ bút Nữ đầu tiên của Việt Nam. Tỉnh Bến Tre đã có nhiều năm tổ chức giải báo chí mang tên bà “Giải Báo chí Sương Nguyệt Anh”.

Giá trị văn hóa

Người dân Bến Tre và các nơi nhớ đến cụ Nguyễn Đình Chiểu là nhớ đến quan điểm sâu sắc: “Cái gì có hại cho dân, cho nước là xấu, là tà phải trừ; còn cái gì có lợi cho dân, cho nước là chính nghĩa phải làm cho bằng được”. Tưởng nhớ cụ, hàng năm đều có rất đông dòng người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh về viếng và thắp hương đền thờ cụ nhân dịp kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của cụ.

Nói về giá trị tác phẩm thơ văn của cụ, TS. Mai Mỹ Duyên - Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: Riêng tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ cùng điệu nói thơ Vân Tiên đã đi vào tâm hồn, niềm tự hào của người Nam Bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Tác phẩm đã khơi dậy bầu nhiệt huyết đấu tranh trên phương diện tư tưởng của những trí thức đương thời trước cảnh đất nước bị xâm lược. Đồng thời, tác phẩm nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người đàn ông, ca ngợi phẩm hạnh của người phụ nữ, góp phần gìn giữ đạo lý làm người trong thời điểm bấy giờ và có giá trị mãi về sau.

“Những yếu tố địa - văn hóa của Ba Tri cùng với danh tiếng của Nhà thơ yêu nước và thái độ “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” đã tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm của một cộng đồng luôn có ý thức gìn giữ các giá trị nhân văn”, TS. Mai Mỹ Duyên bày tỏ.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đã từng bày tỏ kỳ vọng từ cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, đội ngũ y bác sĩ đến quần chúng nhân dân, thanh niên, học sinh, sinh viên… không chỉ của quê hương Ba Tri mà toàn tỉnh cùng ra sức học tập, làm việc, noi theo tấm gương ngời sáng của cụ Đồ Chiểu.

 “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải luôn thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, ý chí, khát vọng vươn lên; lao động và chiến đấu quên mình. Đồng thời, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu làm rạng danh quê hương, đất nước; kế tục xuất sắc sự nghiệp cao cả mà bao lớp người đi trước đã dày công vun đắp”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi kỳ vọng.

Xin trích các câu thơ trong bài “Trung thần nghĩa sĩ” để nói lên một tinh thần vì nước, vì dân của Nguyễn Đình Chiểu, mà tinh thần ấy hòa quyện vào người Bến Tre qua nhiều thế hệ: “Làm người trung nghĩa đáng bia son/ Đứng giữa càn  khôn tiếng chẳng mòn/ Cơm áo đền bồi ơn đất nước/ Râu mày giữ vẹn phận tôi con”.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích