“Nhà báo ở địa phương đến lúc phải ra sân chơi lớn”

20/06/2018 - 06:56

Nhà báo Trần Cao Tư

Từ năm 2018, Giải Báo chí Sương Nguyệt Anh (trước đây do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức) được nâng lên quy mô cấp tỉnh, do UBND tỉnh tổ chức. Đây là tin vui cho những người làm báo chuyên và không chuyên nghiệp. Đánh giá về “sức hút” của giải Sương Nguyệt Anh năm nay, ông Trần Cao Tư - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết:

- Sau khi tỉnh ban hành quy chế Giải Báo chí Sương Nguyệt Anh năm 2018, hai cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh là Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông ra thông báo thể lệ, thời gian nhận bài… Thời gian tương đối cập rập, chỉ trong khoảng 10 ngày, ban tổ chức nhận được 121 tác phẩm dự thi của các tác giả trong và ngoài tỉnh. So với giải những năm trước đây, số lượng tác phẩm dự thi tăng lên nhiều, loại hình báo chí cũng đồng đều hơn, gồm: báo in, truyền hình, phát thanh và điện tử. Điều này chứng tỏ anh em rất quan tâm đến cuộc thi. Cùng với số lượng tác phẩm, chất lượng cuộc thi cũng được nâng lên đáng kể. Đối với vòng chung khảo, ban tổ chức mời một số nhà báo tên tuổi trong và ngoài tỉnh tham gia chấm giải: đạo diễn truyền hình Đặng Hữu Vinh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà báo Minh Trấn.

Về cơ cấu giải thưởng, mỗi loại hình gồm có 6 giải (1 nhất, 1 nhì, 1 ba, 3 khuyến khích). Năm nay, loại hình báo điện tử và phát thanh không có giải nhất, giải nhất báo in thuộc về tác giả Thạch Thảo (Báo Đồng Khởi); nhóm tác giả Tấn Hưng, Phú Cường, Anh Thư (Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ) trùng hợp ở nhóm chủ đề về du lịch.

* Cuộc thi được nâng lên tầm cấp tỉnh, lợi ích đầu tiên đối với người làm báo trong tỉnh cũng như địa phương là gì, thưa ông?

- Có thể nói, Giải Sương Nguyệt Anh do UBND tỉnh tổ chức, mở rộng phạm vi ra toàn quốc, thậm chí toàn thế giới, tác giả có tác phẩm đăng tải trên các báo do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép đều được tham gia dự thi. Tầm vóc, uy tín, chất lượng giải vì thế được nâng lên. Đây là cơ hội, là điều kiện để những người làm báo trong tỉnh trau dồi, học tập, nâng cao tay nghề để có những tác phẩm tốt hơn, nâng mình lên trong thời gian tới.

Các nhà báo ngoài tỉnh góp phần giúp tỉnh có thêm góc nhìn mới. Ví dụ, nhóm tác giả đoạt giải nhất loại hình báo truyền hình với tác phẩm “Chuyện Hai Lúa: Du lịch với biến đổi khí hậu” đưa những hình ảnh “khốc liệt” của biến đổi khí hậu để đánh giá, để hướng đến mục tiêu thái độ của con người đối với thiên nhiên như thế nào, chứ không phải làm du lịch chỉ liên quan đến vấn đề ăn uống, nghỉ ngơi.

* Ông có những lưu ý gì đối với các tác giả tham gia dự thi ở những lần sau?

- Giải Sương Nguyệt Anh hàng năm sẽ tổng kết, trao giải vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6. Các tác giả có một năm để chuẩn bị, chọn lọc và gửi dự thi những tác phẩm đã được đăng, phát từ ngày 30-4 năm trước đến 30-4 năm sau, vì vậy mỗi tác giả cần có tinh thần chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Nhà báo ở địa phương đến lúc phải ra sân chơi lớn, với sự tham gia của các nhà báo ngoài tỉnh. Đó là thách thức, đồng thời là động lực thôi thúc, phải phấn đấu như thế nào để đi đến đích. Có tâm thế và sự chuẩn bị tốt, sẽ đạt mục tiêu đề ra.

* Xin cảm ơn ông!

K. Minh (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN