“Sức khỏe tốt, học tập tốt”

02/09/2019 - 08:18

BDK - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. 50 năm thực hiện di chúc của Bác, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học để hoàn thành sự nghiệp vẻ vang - “trồng người”.

Các học sinh thi đấu tại Giải Việt dã Báo Đồng Khởi. Ảnh: Ánh Nguyệt

Các học sinh thi đấu tại Giải Việt dã Báo Đồng Khởi. Ảnh: Ánh Nguyệt

Sức khỏe tốt

Trong lời dạy về luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe, Bác đã từng nói: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục thể thao - TDTT”. Từ lời dạy và di chúc của Người, công tác phát triển TDTT cho giới trẻ, cụ thể là thể thao học đường ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Gần đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Thực hiện theo chủ trương và kế hoạch của tỉnh, công tác phát triển TDTT học đường được đã các cấp tập trung, nâng cao chất lượng giảng dạy và tổ chức nhiều hoạt động TDTT. Trên tinh thần phát triển mạnh TDTT học đường, hiện nay, tỉnh không chỉ duy trì tốt việc giảng dạy TDTT chính khóa mà còn mở rộng nhiều hình thức khác.

Theo tổng kết của ngành chuyên môn, trong năm 2018, có 100% học sinh, sinh viên thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa và có hơn 95% tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa. Anh Trương Hùng Cảnh - giáo viên thể dục tiểu học Trường Hermann Gmeiner cho biết, mỗi khối lớp sẽ có giáo trình riêng phù hợp, các lớp có 2 tiết học/tuần, riêng khối lớp 1 là 1 tiết/tuần. Khối lớp 1 sẽ được tổ chức học kết hợp với các trò chơi vận động vui tươi với các tên gọi như: “Nhanh lên bạn ơi”, “Kéo cưa lừa xẻ”… Hình thức tập hợp các động tác thể dục nhẹ, đơn giản (quay trái, quay phải, vươn thở, động tác tay, chân)…

Ở bậc THCS và THPT, các em được hướng dẫn tiếp cận các môn thể thao có tính chuyên môn cao: điền kinh, cầu lông, bóng chuyền… Nhiều em đã được tập hợp để thành lập các câu lạc bộ, đội nhóm sở thích theo từng môn, được tham gia giao lưu tại nhiều giải thể thao cấp trường, cấp xã, huyện và cấp tỉnh.

 Để tạo sân chơi định kỳ cho các em, ngành GD&ĐT cùng với ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã duy trì tốt việc tổ chức Hội khỏe Phù Đổng cấp trường theo chu kỳ 1 năm/lần, cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh 2 năm/lần. Ngoài ra, còn có Hội thao học sinh hè cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh được tổ chức hàng năm vào dịp hè. Đây là những kỳ thể thao lớn của học đường, thu hút đông đảo các em tham gia.

Không chỉ dừng lại ở khối trường học, phía Trường Năng khiếu TDTT tỉnh Bến Tre hàng năm đều tổ chức các thể thao hè cho học sinh. Đây là ngôi trường đào tạo thể thao hướng đến tính chuyên nghiệp cho các em theo từng năng khiếu riêng. Từ phong trào thể thao học đường đã đóng góp nhiều gương mặt ưu tú cho thể thao thành tích cao tỉnh về sau. Đặc biệt hình thành thói quen luyện tập, nâng cao sức khỏe trong cộng đồng. Hiện nay, các trường cũng đang tích cực thực hiện Đề án phổ cập bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em, vừa là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe, vừa giúp các em trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước.

Theo ông Bùi Minh Nhựt - Phó giám đốc Sở GD&ĐT, việc tổ chức các hoạt động TDTT trong ngành GD&ĐT được khẳng định như một hoạt động giáo dục có hiệu quả nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua rèn luyện thân thể, thi đấu thể thao trong lực lượng cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các thầy cô giáo và các em học sinh. Từ đó, giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phục vụ tốt cho hoạt động dạy và học.

Học tập tốt

Trong thư gửi cho ngành GD&ĐT, Bác Hồ căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Lời căn dặn của Bác đã trở thành niềm tự hào và mục tiêu phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh của tỉnh trong suốt chiều dài lịch sử của ngành GD&ĐT. Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Từ những giai đoạn trước 1975, ngành GD&ĐT tỉnh có nhiều sáng tạo và quyết tâm đào tạo thế hệ thanh thiếu niên có trình độ văn hóa, có lòng yêu nước nồng nàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử”.

Trường THCS Thành phố Bến Tre được đầu tư xây mới. Ảnh: PH.Hân

Trường THCS Thành phố Bến Tre được đầu tư xây mới. Ảnh: PH.Hân

Xác định tầm quan trọng của sự nghiệp GD&ĐT trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ngành triển khai các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều năm nay, chất lượng GD&ĐT được nâng lên, tỉnh luôn được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có thành tích giáo dục khá của cả nước. Nổi bật, kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia 2019, tỉnh đạt tổng số 17 giải, so với năm 2018 tăng 13 giải. Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỉnh đứng thứ 14 trong toàn quốc về tỷ lệ điểm trung bình kỳ thi. Sở GD&ĐT còn là đơn vị xuất sắc tại cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai toàn quốc 2019…

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cũng đã tích cực phát triển mạng lưới trường lớp ở các cấp học theo hướng ổn định lâu dài nhằm tăng quy mô và nâng cao chất lượng. Đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên đã chuẩn hóa, đồng bộ đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Mỗi thầy cô giáo không ngừng học hỏi, tự đào tạo nâng cao trình độ; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gợi mở tư duy sáng tạo, tạo thói quen độc lập suy nghĩ cho học sinh. Hiện, toàn ngành có trên 93% giáo viên tiểu học đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Nhiều giáo viên ở các bậc học có trình độ thạc sĩ, đây sẽ là điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như tạo tiền đề để “non sông Việt Nam”, “trở nên vẻ vang” và “sánh vai các cường quốc năm châu”.

Có thể nói, để góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu “sánh vai các cường quốc năm châu” chỉ có con đường chinh phục tri thức. “Để hoàn thành sự nghiệp “trồng người”, toàn ngành GD&ĐT tích cực thi đua dạy tốt, học tốt. Trong đó, chú trọng giáo dục mũi nhọn; đổi mới cách dạy và học theo hướng nâng cao khả năng tự học, sáng tạo, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm cho học sinh, hình thành thói quen và niềm say mê, tạo cơ hội học tập suốt đời. Chỉ có như thế trong tương lai, thế hệ trẻ sẽ sánh vai với bạn bè năm châu như mong muốn của Bác lúc sinh thời”, Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Ngọc Bữu khẳng định.

Ánh Nguyệt - Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN