“Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston”

07/08/2020 - 07:02

BDK - Trong nghệ thuật có lẽ bạn cảm thấy thường tình khi ai đó cho rằng có một tác phẩm nghệ thuật được viết ra từ nguồn cảm hứng sau khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật khác. Nhưng tôi đoán chừng bạn sẽ ngạc nhiên khi biết một tiểu thuyết viết từ một bản nhạc giao hưởng. Càng ngạc nhiên hơn khi biết tiểu thuyết đó là tiểu thuyết sử thi với đầy ắp những sự kiện, nhân vật nổi tiếng của phong trào Đồng khởi ở Bến Tre cách đây 60 năm.

Bìa quyển tiểu thuyết.

Bìa quyển tiểu thuyết.

Đó là tác phẩm “Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston” của Đại tá, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, do Nhà Xuất bản Công An Nhân Dân ấn hành. Anh Đỗ Viết Nghiệm quê quán Yên Định (Thanh Hóa), nguyên là Trưởng đại diện Văn phòng đại diện phía Nam Tạp chí Văn nghệ Quân đội tại TP. Hồ Chí Minh. Tiểu thuyết “Symphony Ký ức Đồng khởi ở Boston” là 1 trong 2 tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở Bến Tre cùng với tập truyện ký “Nguyễn Văn Đức - Người anh hùng tàu không số huyền thoại”.

“Ký ức” ở đây chính là của một cậu bé 9, 10 tuổi. “Cậu bé” là một nhân vật “thoáng qua” trong tiểu thuyết nhưng hình mẫu ngoài đời chính là nhạc sĩ Võ Đăng Tín - nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. Hồ Chí Minh, tác giả viết ra “Symphony”.

Bối cảnh được xây dựng trong tiểu thuyết là đầu thập niên 1940. Nhân vật chính là Ba Phẩm (sau đổi tên là Tám Chữ) từ một thanh niên 20 tuổi, quê xã An Đức (Ba Tri) ra Thủ Dầu Một làm phu cao su. Nhờ biết tiếng Pháp nên được chủ đồn điền cao su Michelin De Lafon chọn làm thư ký riêng. Sau về tham gia cách mạng ở Ba Tri và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt trong phong trào Đồng khởi ở Bến Tre năm 1960.

“Số phận đến với gã xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo làm ruộng, nhưng gã lại chẳng biết gì về chuyện bùn đất. Gã khác xa những trai trẻ đồng lứa bởi cái dáng cao đẹp, da trắng như một tri thức, nhưng gã lại mới học hết đệ nhất trường làng vùng quê xa hút. Năm 20 tuổi, gã theo anh trai ra Thủ Dầu Một làm phu, do giỏi tiếng Pháp mà lọt vào mắt xanh tên chủ lớn đồn điền cao su người Pháp, rồi bất ngờ được hắn kéo lên làm thư ký riêng. Cuộc đời thay đổi, người ta nói chính là số phận của gã!”. (trang 67)

Tiểu thuyết bao gồm 9 chương. Ngay mỗi đầu chương, tác giả dành khoảng vài trăm chữ để “giới thiệu chương” bằng một giọng văn mang tính triết lý, gợi những suy ngẫm từ độc giả. Mở đầu “Chương II: Những tên chủ đồn điền cao su người Pháp”, tác giả viết:

“Loài cây có máu không? Câu hỏi có vẻ là điên khùng, do vậy chắc câu trả lời là không! Nhưng đấy là một sai lầm. Máu chỉ là khái niệm chỉ chất lỏng màu đỏ trong con người và loài động vật. Nhưng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ có một loài cây có máu, người Pháp khi còn đô hộ Việt Nam đã đem từ các nước Tây Phi sang trồng, đó là cây cao su. Cây cao su hợp với đất ba-zan màu thẫm nâu như miếng thịt bò mềm xốp, cây lớn nhanh như thổi rồi cho ra những dòng màu trắng. Người Pháp mộ phu hàng triệu người Việt khắp ba miền, khai hoang vỡ hóa trồng cây cao su để lấy được nhiều máu trắng. Chuyện ấy xảy ra có sử sách ghi. Người Việt trồng cây cao su, nhưng đau nhục nhã không thể quên, máu đỏ rẻ hơn máu trắng!”. (trang 24)

Viết tiểu thuyết về chiến tranh có lẽ không quá khó đối với người từng khoác áo lính như nhà văn Đỗ Viết Nghiệm. Nhưng để những trang viết thật sự hấp dẫn bạn đọc chớ không phải khô khan như sử liệu không phải là điều dễ dàng. Những nhân vật như: Mười Khước, Ba Định, Tám Vị, Hai Trung, Lê Minh Đào, Bùi Văn Phó, Đỗ Thị Hai, Trần Thị Nhũ (Trường Giang), Bùi Văn Tôn (đúng ra là Bùi Quang Tôn), Ngô Văn Thiều, Đặng Quốc Tuấn... dù xuất hiện ít hay nhiều vẫn để lại dấu ấn đậm nét. Cái khó của tác giả chính là những nhân vật kể trên là những nhân vật nổi tiếng, thậm chí có những nhân vật vẫn còn sống và người đọc có quyền so sánh nhân vật và người ngoài đời. Rõ ràng đòi hỏi cả hai phải giống nhau “y khuôn” là không thể. Hãy để nghệ thuật hư cấu của văn chương làm thay, và Đỗ Viết Nghiệm đã làm tốt công việc của một nhà văn, kể cả những nhân vật “tuyến phụ” như: Khâm sứ Charles, Khải Định, De Lafon, Leon Leroy, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Thục...

Nhân vật Phạm Ngọc Thảo trước đây đã được biết nhiều với tên Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm” cũng như kịch bản phim “Ván bài lật ngửa” của nhà văn Trần Bạch Đằng (Nguyễn Trương Thiên Lý) nay lại xuất hiện với đúng tên Trung tá, Tỉnh trưởng Kiến Hòa Phạm Ngọc Thảo trong “Chương VII: Viên tỉnh trưởng khó hiểu”. Đọc chương này độc giả lại không thấy Phạm Ngọc Thảo “khó hiểu” bởi vì dân Bến Tre ít ai không biết ông là Anh hùng tình báo - Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Khi lựu đạn được ném ở quảng trường An Hội:

“... Có ai đó thét lên: “Lựu đạn”. Phạm Ngọc Thảo nhanh như cắt chồm lên, đưa tay nắm gọn trái lựu đạn vung lên cao định ném ra xa, nhưng trước mắt ông ta là cảnh người người sợ hãi gào thét tìm cách chạy thoát thân như đàn ong vỡ. Phạm Ngọc Thảo bỏ ý định ném trái lựu đạn đi chỗ khác và vẫn giữ nguyên nó trong tay cho tới khi thấy khói giảm dần rồi tắt lịm”. (trang 334)

Nghe có vẻ hư cấu nhưng chi tiết này đã được bà Phạm Thị Nhiệm, phu nhân của ông Phạm Ngọc Thảo xác nhận trong một lần về thăm Bến Tre. Theo tôi, có lẽ với chi tiết này Đỗ Viết Nghiệm ít nhiều được độc giả tin tưởng về “tôn trọng sự thật” trong một tiểu thuyết sử thi.

Tác giả dành phân nửa trang viết của tiểu thuyết cho 3 chương quan trọng trong cuộc đời Tám Chữ: “Chương IV: Đất quê bừng sáng”, “Chương V: Hương vị tình yêu” và “Chương VI: Bão táp xứ dừa”. Tám Chữ bỏ Thủ Dầu Một trở về quê hương Ba Tri tham gia cách mạng, rồi gặp gỡ, yêu thương và kết hôn với Trường Giang ở căn cứ Lạc Địa. Kết quả mối tình ấy là cậu con trai tên Tín ra đời, “Tín là tín nghĩa, là lòng thủy chung, là niềm tin yêu hạnh phúc, không bao giờ thay đổi!”. Rồi Đồng khởi nổ ra, có lẽ ở chương “Bão táp xứ dừa” tác giả “kể chuyện” đậm nét lịch sử. Từ Trung ương Đảng có Nghị quyết số 15, cho phép cách mạng miền Nam từ đây thực hiện cuộc đấu tranh song song hai mũi, vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang chống lại chế độ độc tài Ngô Đình Diệm cho đến ý tưởng đấu tranh “trực diện” hình thành, với văn phong nhẹ nhàng nhưng kết thúc chương là “bão táp” thật sự:

“Cuộc nổi dậy ở Bến Tre làm cho Ngô Đình Diệm mất ăn mất ngủ, nỗi lo của Diệm chính là sức mạnh của “đám dân đen”, trong đó đa phần là đàn bà con gái...

“Nổi dậy” ở Bến Tre như một cơn bão lớn, làm rung chuyển đất trời và từ “Đồng khởi” cũng xuất hiện từ đây. “Đội quân tóc dài” là nỗi ám ảnh kinh hoàng của chế độ Ngô Đình Diệm trong những năm tiếp theo, góp phần khiến chế độ ấy sụp đổ”. (trang 290)

“Chương VIII: An Giang và những bí ẩn của núi” nói về thời gian Tám Chữ được Khu 8 điều về làm Bí thư Tỉnh ủy An Giang. Theo tôi, chương này đã không còn nằm trong “Ký ức Đồng khởi”. Thành ra chương này có lẽ để tham khảo bổ sung. Tuy nhiên, ở đây có chi tiết chàng trai Võ Đăng Tín vừa 14 tuổi từ đây được ra miền Bắc học và trở thành nhạc sĩ âm nhạc hàn lâm sau này. Mặt khác, chương này có nhắc nhiều địa danh như: kinh Vĩnh Tế, Thất Sơn, Ô Tà Sóc, Ba Chúc, Tức Dụp... được tác giả giải thích mang màu sắc huyền thoại, nếu đọc qua cũng khá lý thú:

“Tức Dụp, theo cách gọi của người Khmer bản địa nghĩa là “nước đêm”. Nước đêm, ý nghĩa thật đơn giản, bởi người Khmer ban ngày bận rộn với công việc đồng ruộng, ban đêm mới có thời gian ra suối lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Từ “nước đêm” bắt nguồn từ đấy, nghĩa là đi lấy nước vào ban đêm. Nhưng Tức Dụp cũng còn có một tên khác thuần Khmer hơn, gọi là Tưk Chúp. Tưk Chúp là “nước thần””. (trang 388)

Từ “Chương I: Tiếng khóc của sông” đến “Chương IX: Symphony “Ký ức Đồng khởi” ở Boston” chỉ vỏn vẹn trên dưới 400 trang viết nhưng cũng khắc họa được một thời kỳ lịch sử hào hùng có, đau thương có, thông qua nhà cách mạng Võ Văn Phẩm. Con người sinh ra đúng vào thời điểm lịch sử cũng xem như định mệnh phải gánh vác. Cũng như ký ức trong trẻo, hồn nhiên của một đứa bé cùng với độ lùi thời gian cộng với tình yêu quê hương, xóm làng, cha mẹ... đã viết nên một giao hưởng thơ “Ký ức Đồng khởi” giờ đây còn lan tỏa vang xa ở trời Âu, vang trên đất Mỹ. Một nước Mỹ từng là kẻ thù, nhưng giờ đã khác! Âm nhạc là một nghệ thuật kỳ diệu, phải không cha, phải không mẹ? (trang 405)

Hy vọng những độc giả đã có lần được thưởng thức giai điệu giao hưởng “Ký ức Đồng khởi” của nhạc sĩ Võ Đăng Tín do dàn nhạc giao hưởng Học viện Âm nhạc thành phố Boston, Hoa Kỳ biểu diễn, biết đâu sẽ tìm được những đồng cảm khi đọc tiểu thuyết “Symphony ký ức Đồng khởi ở Boston” của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm.

N.V.K.H

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN