“Trận tuyến” phòng, chống khai thác cát trái phép

13/08/2018 - 07:41

Toàn tỉnh hiện có 4 mỏ cát còn thời hạn cấp giấy phép khai thác và 1 mỏ cát đang làm thủ tục xin gia hạn thời hạn khai thác. Tình trạng khan hiếm cát san lấp trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, đã khiến cho những người làm nghề bơm hút cát sông làm việc ráo riết, bất chấp hậu quả để lấy được cát. Trên khắp các tuyến sông ở địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp khai thác cát sông trái phép. Cuộc chiến với “cát tặc” diễn ra ngày càng gay go và quyết liệt.

Phương tiện khai thác cát trái phép múc cát tại mỏm cồn, khu vực xẻo rạch, thuộc Tổ 1, cồn Lác, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách.  Ảnh: H. Đức

Phương tiện khai thác cát trái phép múc cát tại mỏm cồn, khu vực xẻo rạch, thuộc Tổ 1, cồn Lác, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách.  Ảnh: H. Đức 

Điểm nóng cồn Lác

Vừa đặt chân tới xã Tân Thiềng, điều đầu tiên gây sự chú ý của chúng tôi là người dân rất bất bình trước tình trạng khai thác cát trái pháp luật xảy ra ở cồn Lác. “Xà lan múc cát bất kể là ngày hay đêm. Trộm cát thọc cần cẩu vô ngay mỏm cồn múc cát đổ lên xà lan luôn. Dân mình chỉ biết đứng nhìn chứ không thể làm gì được họ”, ông Năm - một người dân ở cồn Lác bức xúc.

Xã Tân Thiềng có 3 cồn: cồn Lác (ấp Quân Bình), cồn Bùn (ấp Thiện Lương) và cồn Kiến (ấp Long Khánh). Trong đó, cồn Lác có đông dân hơn cồn Bùn và cồn Kiến, với hơn 80 hộ dân, chia làm 5 tổ nhân dân tự quản. Đa số người dân ở cồn Lác sống tại đây lâu năm và người từ nơi khác tới đây thuê đất để trồng trọt, nuôi thủy sản.

Những năm gần đây, tình trạng khai thác cát trái phép (KTCTP) đã làm cho nơi đây bị sạt lở nghiêm trọng. Một số người phải trả đất thuê, một số thì bỏ đi xứ khác làm ăn. Hiện nay, cồn Lác chỉ còn 38 hộ, sinh hoạt ở 2 tổ nhân dân tự quản. Trưởng Ban quản lý cồn Lác Phan Văn Nẩu (thường gọi là Tư Phước Lợi) chia sẻ: “Những hộ còn bám trụ lại cồn Lác là do họ không có đất chỗ nào khác để đi. Cũng có người nấn ná ở lại vì họ không đành lòng bỏ đất cồn”.  

Chiếc đò nhỏ của anh Kha đưa tôi và ông Nẩu thả rề trên sông Cổ Chiên. Đang lúc giữa trưa, dù trời đang chuyển mưa nhưng vẫn có nhiều tàu vỏ sắt, xáng cạp đang KTCTP trên sông. Thấy tôi chụp hình, ông Nẩu nói lớn: “Lát nữa xuống khu vực Tổ 1 của cồn Lác, chú em sẽ thấy xáng cạp nó chĩa gàu vô mỏm cồn lấy đất luôn kìa”.

Người dân bất an vì lời hăm dọa

Chúng tôi tới xẻo Rạch (thuộc Tổ 1 cồn Lác) đúng lúc có chiếc xáng cạp đang múc đất cồn đổ lên xà lan (biển số LA-06763). Chủ đò Kha chuyển hướng áp sát xà lan hơn. Nhóm người trên xà lan chỉ tay về phía chúng tôi, một người trong nhóm tới sát mạn xà lan, trật quần đùi ra “xì trum” như thách thức. Thấy vậy, anh Kha liền bẻ lái đò rẽ vào con xẻo.

Lúc chúng tôi đã ở vị trí an toàn, ông Nẩu mới kể chuyện về dân đất cồn bị người kiểu “xã hội đen” tới hăm dọa. Vào một sáng đầu tháng 2 âm lịch năm 2018, có 5 thanh niên lạ mặt, xăm đầy người. Nhóm người này vào nhà ông Bảy Hùng, đang lúc chủ nhà đang uống nước trà với mấy người bạn già. Chủ nhà chưa kịp mời ngồi thì một người trong bọn đã hỏi lớn: “Chuyện tàu ghe bơm, múc cát, mắc mớ gì mà mấy ông ở xóm này nói vào nói ra, ngăn cản chi vậy?”. Nhìn thấy mấy người này hung dữ nên mấy ông trong xóm im lặng không dám lên tiếng. Lúc này, ông Nẩu mới nói ôn hòa: “Ghe hay tàu múc cát thì múc ở ngoài sông… Chứ múc ở gần bờ, tội nghiệp cho dân ở đây, bị sạt lở thì làm sao mà sống được hả mấy…”.  “Chỗ nào có cát thì múc hà”, một người trong bọn cướp lời ông Nẩu. Nhóm người này còn hăm he một lúc rồi mới bỏ đi.

Xà lan khai thác cát trái phép đã múc đầy cát ở khu vực cồn Lác, Tân Thiềng, Chợ Lách. Ảnh: Đ.Chính

Xà lan khai thác cát trái phép đã múc đầy cát ở khu vực cồn Lác, Tân Thiềng, Chợ Lách. Ảnh: Đ.Chính

Hỏi chuyện, tôi biết, trước đó mấy ngày, một số người dân trong xóm cồn Lác đã ngăn cản xà lan múc cát ở gần mỏm cồn.

Chủ tịch UBND xã Tân Thiềng Nguyễn Văn Chang cho biết: “UBDN xã đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân làm nghề bơm cát tại xã chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Xã cũng đã tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp KTCTP. Tuy nhiên, đa số các phương tiện khai thác vi phạm đều vượt thẩm quyền xử phạt của cấp xã”.

Trong tháng cao điểm đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTCTP (từ ngày 24-4 đến 31-5-2018), lực lượng Công an xã Tân Thiềng phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành xã, đã tổ chức 9 cuộc kiểm tra trên sông Cổ Chiên, chủ yếu ở khu vực các cồn thuộc địa bàn xã. Đoàn kiểm tra đã phát hiện 11 trường hợp vi phạm, tham mưu cho UBND xã ra quyết định xử phạt với số tiền 25 triệu đồng; lập biên bản vi phạm hành chính 2 trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt (số tiền 32,5 triệu đồng). 

Theo người dân địa phương, đa số trộm cát đều sử dụng các phương tiện khai thác cát mang biển kiểm soát ở ngoài tỉnh. Họ KTCTP trên sông Cổ Chiên, khu vực cồn Lác và thường xuyên phân công người cảnh giới lực lượng kiểm tra. Trường hợp bị lực lượng kiểm tra lập biên bản xử lý thì họ cam kết không vi phạm. Thế nhưng, khi lực lượng kiểm tra ra về thì “cát tặc” lại tiếp tục hoành hành trên sông.

“Cát tặc” hoành hành sông Tiền, Hàm Luông

Trên sông Hàm Luông, đoạn thuộc xã Tiên Long và đoạn sông Tiền thuộc địa bàn 2 xã Phú Đức, Phú Túc, huyện Châu Thành là điểm “nóng” KTCTP. Tại các địa phương này, đoàn kiểm tra tài nguyên khoáng sản của các xã đã tăng cường kiểm tra và xử phạt nhiều trường hợp KTCTP.

Trưởng Công an xã Tiên Long Đặng Từ Thức cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2018, đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản của xã đã tổ chức 11 cuộc tuần tra, phát hiện 6 phương tiện KTCTP, xử phạt 24 triệu đồng theo thẩm quyền.  Ngoài ra, các thành viên đoàn kiểm tra xã đã hỗ trợ với đoàn kiểm tra liên ngành khoáng sản tỉnh, huyện thực hiện nhiều cuộc tuần tra, phát hiện nhiều vụ KTCTP khác, tạm giữ và xử lý gần 20 phương tiện KTCTP các loại. Theo ông Thức, việc kiểm tra xử phạt thời gian qua đã góp phần làm tình hình KTCTP tại xã tạm ổn nhưng vẫn còn tình trạng “cát tặc” lén lút hoạt động, gây sạt lở và thiệt hại nặng cho nhiều hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Mặt trời vừa khuất khỏi hàng cây, chúng tôi lặng lẽ lên chiếc đò nhỏ. Chủ tịch UBND xã Phú Đức, Trưởng đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản Ngô Thanh Quý nói với tài công: “Anh Ba cho chạy ga nhỏ thôi. Khi nào thấy trộm cát thì mình mới tăng tốc nhe”.

Chúng tôi đi ngang qua khu vực cồn Dơi, ấp Phú Hội, anh Ngô Thanh Quý kề tai tôi: “Cách nay hơn một năm, ở khúc sông này, lợi dụng sơ hở và đêm tối, đối tượng trộm cát đã xô ngã 3 đội viên dân phòng xuống sông rồi siết ga chạy ghe về địa bàn tỉnh Tiền Giang. May mắn là 3 đội viên này đã gắng sức bơi vào bờ và thoát chết. Cuối cùng, đối tượng trộm cát là Nguyễn Văn Đa đã bị tòa án xử phạt 9 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ”.

Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng vì có tiếng người hô: “Phía trước có trộm cát”. Anh tài công siết ga, con đò nhỏ lướt sóng tiến về chiếc ghe đang bơm cát ở cách chúng tôi khoảng 100m. Thấy động, trộm cát hoảng sợ cắt bỏ vòi bơm, tăng ga cho phương tiện về hướng Tiền Giang. Anh Ba tài công tăng tốc đuổi theo nhưng không kịp. Anh Ba nói tiếc: “Tụi trộm cát sử dụng máy công suất lớn, còn mình thì dùng máy nhỏ, làm sao rượt cho kịp nó”.  

Theo lệnh của trưởng đoàn, con đò chở chúng tôi tiếp tục thả rề đi trên sông Tiền. 

Khoảng 20 giờ, tài công Ba cho biết, phía trước có một phương tiện trên sông nghi là đang bơm cát thuộc khu vực ấp Phú Ninh. Anh siết ga tăng tốc về phía phương tiện. Bị bất ngờ và trên ghe đã bơm nhiều cát nên đối tượng không thể nào trốn chạy được. Đối tượng Đỗ Minh Hậu (sinh năm 1986, ngụ xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bị lập biên bản vi phạm quả tang. Thời điểm kiểm tra, khối lượng cát trên ghe được xác định là 22,3m3. Trưởng đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND huyện Châu Thành xử phạt hành chính 15 triệu đồng, đồng thời buộc đối tượng bơm cát trả lại lòng sông.

Trưởng đoàn kiểm tra khai thác khoáng sản xã Phú Đức Ngô Thanh Quý cho biết, từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra đã tổ chức hàng chục lượt tuần tra, kiểm soát khai thác cát trên địa bàn; phát hiện, tạm giữ và lập biên bản 7 trường hợp vi phạm, đề nghị cơ quan thẩm quyền xử phạt hàng chục triệu đồng.

Nhiều phương tiện “vô tư” múc cát trên sông Cổ Chiên.

Nhiều phương tiện “vô tư” múc cát trên sông Cổ Chiên.

“Gồng mình” chịu sạt lở

Theo lệnh của Thượng tá Trần Minh Điền - Trưởng Công an huyện Giồng Trôm, Trưởng đoàn kiểm tra khoáng sản liên ngành huyện, Trung úy Nguyễn Trọng Nhân nổ máy. Chiếc ghe gỗ chở chúng tôi nhằm hướng xã Hưng Phong thẳng tiến. Cồn Ốc hiện ra trước chúng tôi với những hàng cây xanh ngát. Đang ngắm cảnh đẹp, tôi giật mình vì có tiếng la to “Có trộm cát ở phía trước, bên trái… nó kìa”. Tài công Nhân (Trung úy Nhân) chuyển hướng, chiếc ghe gỗ lướt sóng chạy băng băng.

Đằng xa, có một ghe gỗ đang bơm cát không nằm trong phạm vi thả phao của mỏ cát mà nó ở gần bờ. Khoảng cách của chúng tôi và ghe cát này được thu ngắn dần. Đang chạy ngon trớn, đột nhiên, chiếc ghe của chúng tôi bị chựng lại rồi dừng hẳn. Trung úy Nhân loay hoay mãi mà máy vẫn không nổ, anh cởi đồ ra rồi nhảy ùm xuống sông. “Chắc chân vịt bị vướng rác” - Trung tá Trần Văn Rô - Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, ma túy Công an huyện lên tiếng. Trung úy Nhân lên ghe, anh cho biết chân vịt vẫn bình thường và giải thích nguyên nhân chết máy là vì chiếc ghe này hoạt động liên tục nhiều ngày nên đã bị “quá tải”. Lúc này, chiếc ghe trộm cát đã bỏ chúng tôi khoảng cách quá xa.

“A lô… a lô”, Trung tá Rô điện thoại cho chốt tuần tra yêu cầu hỗ trợ ca nô. Khoảng 10 phút sau, chúng tôi ngồi trên ca nô và tiếp tục làm nhiệm vụ. Dọc theo bờ sông Hàm Luông, có nhiều chỗ sạt lở đã làm sập nhà của dân cùng với nhiều cây trồng. Nước đang ròng, có nhiều gốc cây bị ngã nằm phơi mình trong nắng.

“Kìa… kìa… phía trước bên phải có ghe bơm cát”. Lại có tiếng báo trộm cát. Trung úy Nhân chuyển lái và tăng tốc, ca nô lướt sóng nhanh như bay. Từ xa, chủ phương tiện cũng đã nhìn thấy chúng tôi và đang rú hết ga bỏ chạy nhưng không thoát được. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm đối với Võ Văn Thêm, sinh năm 1966, ngụ thị trấn Mỏ Cày Nam cùng với người đi cùng là Nguyễn Minh Thảo về hành vi khai thác cát trái phép (KTCTP), ra quyết định xử phạt 8 triệu đồng; đồng thời, buộc 2 đối tượng này bơm 12,77m3 cát trả lại lòng sông.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng kiểm tra khoáng sản liên ngành huyện Giồng Trôm đã tổ chức hàng chục cuộc kiểm tra khai thác khoáng sản trên sông. Công an huyện đã chia làm 2 mũi công tác: trên tuyến sông Hàm Luông (điểm nóng) gồm: tổ công tác của công an huyện và công an các xã ven sông Hàm Luông, trên tuyến sông Ba Lai được giao cho công an các xã ven sông này phối hợp tuần tra, kiểm soát và có Công an huyện hỗ trợ. Lực lượng kiểm tra liên ngành của huyện đã phát hiện 25 trường hợp KTCTP; đã xử lý 18 vụ theo thẩm quyền, phạt 104 triệu đồng; giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường xử lý 6 vụ, xử phạt 97 triệu đồng; giao cho công an xã xử lý theo thẩm quyền 1 vụ. Qua đó, đã góp phần kéo giảm đáng kể số vụ vi phạm KTCTP.

Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại khu vực mỏm cồn Ốc thuộc Tổ 12, ấp Hưng Điền, xã Hưng Phong là nơi bị sạt lở nhiều nhất. Mỗi người đã bị mất từ vài trăm mét vuông, tới 1.000m2, 2.000m2 và còn nhiều hơn nữa. Đặc biệt, tại mỏm cồn Ốc, trụ biển báo tín hiệu đường sông tại đây đang có nguy cơ bị ngã vì sạt lở. Theo người dân địa phương, đầu năm 2017, trụ biển báo tín hiệu này còn nằm khá sâu, cách mỏm cồn hơn 20m. 

Tại Tổ 7, Ấp 5 (cồn Linh, xã Thạnh Phú Đông), cũng có nhiều người dân bị sạt lở làm thiệt hại nhiều về tài sản. Bức xúc trước tình trạng KTCTP, xót ruột vì bị sạt lở làm thiệt hại tài sản, người dân cồn Ốc và cồn Linh đã cương quyết không cho khai thác cát tại khu vực này. Trước đây, khu vực giáp ranh với 2 xã Hưng Phong - Thạnh Phú Đông có mỏ cát được cấp giấy phép khai thác cho Công ty cổ phần đầu tư 779 nhưng không thể tiến hành khai thác được, vì bị người dân địa phương phản đối.

Năm 2017, mỏ cát này đã được chuyển giao lại cho Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Sông Lam, nhưng vẫn không được sự đồng thuận của nhân dân. “Sạt lở xảy ra quá nghiêm trọng. Năm 2017, dân cồn Linh còn đóng đáy trên sông được. Đến nay, cắm cọc cây sào đáy dài 17m nhưng cũng bị hụt do lòng sông bị khoét quá sâu. Trước đây, trên sông Hàm Luông, khu vực này có trên 100 miệng đáy. Nay thì dân nghỉ muốn hết vì bị sạt lở”, ông Nguyễn Minh Sơn, một người dân sống lâu năm ở xã Thạnh Phú Đông chia sẻ.

Phòng, chống khai thác cát trái phép

Theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có trên 700 phương tiện hoạt động khai thác cát sông. Trong đó, có hơn 100 tàu sắt và 600 tàu gỗ lớn, nhỏ với trọng tải từ 10 - 200 tấn. Tình trạng KTCTP đã gây sạt lở đất ven sông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Công tác phòng, chống “trộm cát” đang diễn ra gay go. 

Đối với các mỏ cát được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện có 4 mỏ cát còn thời hạn khai thác trong năm 2018 gồm: mỏ trên sông Cổ Chiên (thuộc xã Hòa Nghĩa và Sơn Định - Chợ Lách); mỏ trên sông Hàm Luông (thuộc xã An Hiệp, Tiên Thủy - Châu Thành); mỏ trên sông Hàm Luông (thuộc xã Sơn Phú, Hưng Phong - Giồng Trôm và xã Tân Thành Bình - Mỏ Cày Bắc); mỏ trên sông Hàm Luông (thuộc 2 xã Thạnh Phú Đông, Hưng Phong - Giồng  Trôm). Còn lại mỏ cát trên sông Cửa Đại (xã Bình Thắng - Bình Đại) đã hết hạn và đang được thẩm định thủ tục gia hạn.

Riêng đối với mỏ cát trên sông Hàm Luông, thuộc khu vực cồn Ốc và cồn Linh của 2 xã Hưng Phong, Thạnh Phú Đông, được cơ quan thẩm quyền cấp phép cho Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng Sông Lam thì đến năm 2019 mới hết hạn. Mỏ cát này có diện tích khai thác 66,22ha, trữ lượng 1,5 triệu m3, công suất khai thác 300 ngàn m3/năm. Trong điều kiện sạt lở xảy ra nghiêm trọng, người dân địa phương đã phản ứng không đồng thuận cho khai thác cát ở khu vực này và đề nghị ngừng cấp giấy phép khai thác.

Theo kiến nghị của nhiều người, ngành chức năng cần khảo sát, nghiên cứu, đánh giá lại trữ lượng cát ở các mỏ trên địa bàn tỉnh. Nên chăng, cần đóng cửa một số mỏ cát trên địa bàn tỉnh, cấm khai thác dài hạn và không xác định thời hạn đối với một số mỏ. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cần được tăng cường, tiến hành song song với công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi KTCTP.    

Theo Thượng tá Trần Văn Công - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng KTCTP còn nhiều, nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân còn hạn chế, ý thức bảo vệ môi trường chưa cao. Trong đó, cũng có nhiều người do chạy theo lợi nhuận to lớn và nhanh chóng từ việc KTCTP nên đã bất chấp hậu quả. “Công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản là chưa đủ sức răn đe, phòng chống tội phạm” - Thượng tá Trần Văn Công cho biết thêm.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng kiểm tra liên ngành khai thác khoáng sản các cấp trong tỉnh đã phát hiện và xử phạt 653/653 trường hợp KTCTP với số tiền 5,469 tỷ đồng. Riêng Cảnh sát điều tra về tội phạm môi trường Công an tỉnh đã xử phạt 152 trường hợp, với số tiền 1,794 tỷ đồng.

Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN