“Tư ma” trên cánh đồng lớn Phong Mỹ

10/08/2018 - 07:15

BDK - Trước khi gặp “Tư ma”, người bạn tôi - một thầy giáo và ông Hồ Văn Hồng, sinh năm 1951, ấp Phong Quới, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, kể rất nhiều về ông. “Tư ma” là nông dân có nhiều thành tích mà ít người có. Chính “Tư ma” là người góp phần rất lớn “cơ giới hóa” cánh đồng lớn Phong Mỹ. Ông là một nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đầy sáng tạo, có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới…” – ông Năm Hồng nhận xét về người bạn của mình như thế.

“Tư ma” bên chiếc máy gặt đập liên hợp mới - CD70, trị giá hơn 600 triệu đồng.

“Tư ma” bên chiếc máy gặt đập liên hợp mới - CD70, trị giá hơn 600 triệu đồng.

Khởi nghiệp từ 2 công đất hoang          

Tên gọi “Tư ma” cũng khá đặc biệt với ông. Nhiều người nói rằng, hồi đó, nhà của ông ở ngoài sông Ba Lai, trên một mảnh vườn dừa hoang tàn, dây leo chằng chịt, âm u. Mảnh vườn này có rất nhiều ngôi mộ và nhiều người đồn đại là “có ma”. Ông Năm Hồng cho biết, do bản tính nhanh nhạy, rất lanh lẹ, lúc thì người ta thấy ông có mặt ở chỗ này, lúc thì chỗ khác. Thoắt ẩn, thoắt hiện nên người dân nơi đây đặt luôn cái tên gọi và trở thành quen thuộc là “Tư ma”.

“Tư ma” cũng công nhận là như thế. “Hồi ấy khổ lắm. Tôi lập gia đình từ năm 1987 và ra riêng. Bà nội cho 2 công đất vườn dừa hoang hóa từ sau chiến tranh, dây leo rậm rạp và um tùm. Cái tên “Tư ma” là do ông ngoại tôi đặt từ hồi nhỏ, lúc gia đình tản cư, vì trong mấy anh em thì tôi ốm yếu nhất. Tôi tên Tư nên ông gọi là “Tư ma” - “Tư ma” giải thích thêm. Cha ông “Tư ma” hy sinh lúc ông vừa tròn 6 tuổi, trong một trận đánh năm 1969 do cha ông chỉ huy du kích xã để bảo vệ đường dây giao liên A210. Đó là liệt sĩ Hồ Văn Thắng, sinh năm 1936, Xã đội trưởng xã Phong Mỹ lúc bấy giờ.

Bây giờ thì cánh đồng lớn Phong Mỹ đang vào vụ Hè Thu. Lúa đã “nặng mặt”, còn hơn 20 ngày nữa là thu hoạch. Đây là cánh đồng lúa lớn nhất nhì của huyện Giồng Trôm, với gần 200ha và được thành lập cánh đồng mẫu lớn từ năm 2012. Từ nhà “Tư ma” nhìn ra cánh đồng lớn này một màu xanh thăm thẳm. Đây cũng là lúc ông rảnh rỗi để tiếp chuyện với tôi, chứ vào mùa thu hoạch, ông luôn có mặt trên cánh đồng lớn từ sáng sớm đến chiều tối. Trong buổi trưa hè tháng 8 này, hai chú cháu ngồi bên tách trà cùng chuyện trò với nhiều ký ức được gợi mở. Chuyện dài về sự thành công trong cách nghĩ, cách làm của mình. Sự thành đạt của các con và “cơ duyên” đã đưa ông về với cánh đồng lớn này.

Nông dân điển hình

“Sau này, tôi bán đi mảnh vườn đó và ra đây mua hơn 2 công đất ruộng trồng lúa. Đến năm 1995, tôi có 3 đứa con, cuộc sống gia đình khá chật vật. Làm đủ nghề từ làm thuê, nuôi vịt chạy đồng, gánh vỏ dừa đi bán” - “Tư ma” nhớ lại. Trong những lần đi cắt, suốt lúa cho bà con, “Tư ma” chú ý nhiều đến “cái thùng phóng” và ông ước gì mình cũng có được 1 cái như vậy. Hàng đêm trằn trọc, suy nghĩ mãi mà gia đình thì còn khó khăn quá, tiền đâu mà mua cho nổi. “Cái khó ló cái khôn”. Tôi nghĩ mãi rồi đi tìm hiểu, xem thật kỹ lưỡng “cái thùng phóng” của người ta. Về nhà, tôi tự vẽ và quyết định mua cây về, mướn thợ mộc đóng “cái thùng phóng” - “Tư ma” tâm sự. Ông vay tiền rồi mua cái máy nổ S80 về gắn vào và đi suốt lúa cho bà con. Qua nhiều lần, nhiều vụ lúa, ông rút kinh nghiệm, điều chỉnh, thay đổi dần riết rồi “cái thùng phóng” made in “Tư ma” cũng chạy đều, chạy mạnh hơn cả các thùng phóng chính hiệu khác. Đó là vào thời điểm năm 1993. “Lúc này làm có tiền, ham lắm vì cả cánh đồng hàng trăm héc-ta lúa mà chỉ có vài cái thùng phóng mà thôi. Hai vợ chồng, đứa con “cày” từ sáng sớm đến chiều tối mới về tới nhà” - “Tư ma” cho biết.

Có tiền, ông tích lũy dần rồi mua thêm đất và thuê đất để trồng lúa. Năm 2000, trước tình hình nhân công thuê làm lúa ngày càng thiếu hụt, “Tư ma” nẩy ra ý định và bàn chuyện làm ăn với một người bạn “hùn hạp” mua máy gặt đập liên hợp với quyết tâm “cơ giới hóa”, giải phóng “sức lao động” trên cánh đồng lớn này. Một máy gặt đập liên hợp Việt - Trung được mua về với giá 170 triệu đồng, “Tư ma” cầm lái và phục vụ thu hoạch lúa, bà con trong xóm ai nhìn cũng mê vì vừa nhanh, vừa gọn, vừa ít tốn nhân công mà giá cả hợp lý, một công đất chỉ tốn từ 220 - 250 ngàn đồng.

Chưa thỏa mãn, 2 năm sau đó, “Tư ma” lại cùng bạn mua tiếp chiếc máy khác sản xuất từ Nhật Bản. Chiếc CD70 này chạy còn nhanh hơn, tuốt sạch lúa hơn. Bây giờ, ông có tất cả 2 cái máy gặt đập liên hợp, 3 máy cày, 2 máy cuốc để phục vụ từ A đến Z trên cánh đồng lớn Phong Mỹ từ cày xới, ban gò, gặt đập.

“Đúng là chú Tư là người tiên phong. Một nông dân hiếm có, biết nắm bắt thời cơ. Học chưa hết trường làng nhưng chú rất chịu khó nghiên cứu, sáng tạo, máy móc của Nhật sản xuất chứ cái nào hư chú cũng đều sửa được hết. Nông dân như chú là hiếm có. Chú hiện là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 1 (tổ có 24 thành viên), Tổ trưởng Tổ sản xuất lúa giống, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Phong Quới. Chú là gương điển hình tiên tiến, dự đại hội thi đua yêu nước của huyện, tỉnh; được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Nông dân các cấp, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi (năm 2013). Chú là người góp phần rất lớn để Nghị quyết số 26 của Trung ương về “Tam nông” đi vào cuộc sống. Cánh đồng lớn này mà thiếu bóng “Tư ma” thì nguy” - Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Vũ cho biết.

“Thật sự ra, tôi cũng nhờ rất nhiều từ nguồn vốn vay ưu đãi từ chính sách dành cho nông nghiệp của Nhà nước. Như chiếc máy mới này trị giá hơn 600 triệu đồng, nếu không nhờ nguồn vay ấy thì khó mà mua nổi” - “Tư ma” chỉ tay vào chiếc máy mới cho biết.

Tích cực xây dựng nông thôn mới

“Gần như trong cuộc đời của “Tư ma” chưa nản chí chuyện gì. Ông tính toán rất giỏi, nhất là trong chuyện làm ăn kinh tế. Trong cuộc sống, trong quan hệ với bà con làng xóm, “Tư ma” cũng chưa hề mếch lòng ai, ông có tính cộng đồng rất cao, đoàn kết trong “tình làng, nghĩa xóm”. Trong tổ, mọi chuyện xích mích lớn nhỏ đều do “Tư ma” hòa giải thành. Hơn thế, “Tư ma” rất tích cực cùng bà con tham gia các phong trào làm giao thông nông thôn” - ông Năm Hồng cho biết.

Đã có 3 tuyến đường, 2 cầu giao thông được “Tư ma” vận động xây dựng như: tuyến đường kênh ấp Phong Quới dài hơn 1km đã đổ đá dăm và bê-tông được hơn 300m, tuyến đường Lộ Chùa đến nhà bà Tư Em dài hơn 1km và đang vận động bà con làm tuyến đường bờ đê thuộc Tổ số 1 dài gần 300m. Ngoài ra, “Tư ma” còn vận động mạnh thường quân làm 2 cầu giao thông ra đồng dài 9m, ngang 2m, trị giá hơn 40 triệu đồng.

“Các con tôi giờ cũng thành đạt cả rồi. Đứa con gái lớn sau tốt nghiệp đại học làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, đứa con gái giữa thì đang học Đại học nha khoa Trà Vinh, thằng út cũng tốt nghiệp nha khoa Trường Trung cấp Y tế và đang tiếp tục liên thông lên đại học. Giờ rảnh rỗi thì cùng anh em trong ấp, trong tổ tiếp tục vận động bà con làm giao thông nông thôn. Trong làm ăn với nhau, tôi có nhiều bạn bè, họ khá giả rồi vận động về cùng tham gia. Đây là việc chung, cũng là nhiệm vụ của mình phải làm” - “Tư ma” bộc bạch.

Theo ông Năm Hồng, ngoài việc sở hữu dàn máy xới, máy cuốc, máy cày, máy gặt đập liên hợp trị giá hàng tỷ đồng, “Tư ma” còn tích góp mua thêm 2 héc-ta đất trồng lúa, 2 héc-ta vườn dừa và bưởi da xanh. Nhưng có lẽ, điều mà ông hãnh diện hơn là trên bức tường nhà nơi căn phòng khách có sự hiện diện tấm bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được treo trang trọng với thành tích tiêu biểu, sáng tạo trong sản xuất lúa gạo do Bộ trưởng Cao Đức Phát ký vào năm 2011 dành cho ông Hồ Văn Tư, sinh năm 1963, ấp Phong Quới, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm. Đó chính là “Tư ma”.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN