54 dân tộc anh em làm nên bản sắc Việt Nam thắm tình đoàn kết

18/04/2019 - 13:56

BDK.VN - Trong bức thư gửi Hội nghị các dân tộc (DT) thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku, Bác Hồ viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia-Ray hay Ê-Đê, Xê-Đăng hay Ba-Na và các DT thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Từ ấy, có thể khẳng định sức mạnh của DT được tạo nên từ sự đoàn kết, bền chặt giữa các DT anh em, đi cùng với thời gian và thời cuộc.

Giao lưu nghệ thuật văn hóa các dân tộc.

Giao lưu nghệ thuật văn hóa các dân tộc.

Các dân tộc sống hòa thuận, đoàn kết

Bến Tre hiện có hơn 1,2 triệu dân, ngoài DT Kinh còn có 22 DT anh em sinh sống trên địa bàn. Trong đó, đông nhất là DT Hoa, với hơn 5 ngàn người, DT Khmer với hơn 770 người, các DT khác có số lượng từ vài chục người đến vài người như: Bana, Xơ Đăng, X’Tiêng, Thượng…

Các DT trên địa bàn tỉnh sống đan xen và luôn hòa đồng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống để cùng phát triển. Quan tâm đến công tác DT, tỉnh đã nhiều năm duy trì tổ chức các cuộc họp mặt đại biểu các DT tỉnh Bến Tre nhân kỷ niệm Ngày Văn hóa các DT Việt Nam 19-4. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, thông tin những kết quả nổi bật của tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo muốn lắng nghe, ghi nhận những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đại biểu các DT. Từ đó, động viên đồng bào các DT thực hiện tốt các chủ trương của tỉnh.

Trong số các DT, người Hoa có số lượng đông nhất. Ông Lưu Quốc Minh - Trưởng ban Hoa vận TP. Bến Tre cho biết: “Đồng bào người Hoa sinh sống tại TP. Bến Tre từ lâu đời. Trước đây, có 5 bang như: Hẹ, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến. Mỗi bang gắn bó nhau theo từng nhóm ngôn ngữ, tiếng nói riêng. Toàn TP. Bến Tre, có 520 hộ người Hoa với hơn 1,7 ngàn nhân khẩu, cư ngụ tại 13/17 xã phường của thành phố. Từ khi có chủ trương của Đảng và nhà nước về chính sách Đại đoàn kết DT và trên tinh thần đoàn kết DT, các bang người Hoa đã hợp nhất thành một khối thống nhất và đã hòa nhập trong cộng đồng DT Việt Nam”.

“Mối quan hệ giữa người Hoa với cộng đồng ở địa bàn dân cư đã gắn bó mật thiết trên tất cả mọi lĩnh vực hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Người Hoa được hưởng mọi quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ như mọi công dân. Đồng thời, người Hoa vẫn được giữ nét văn hóa riêng trong tiếng nói, chữ viết, được giữ gìn phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của DT Hoa” - Ông Minh chia sẻ.

Theo phong tục cổ truyền về tín ngưỡng dân gian người Hoa, TP. Bến Tre hiện có 3 cơ sở thờ tự được nhà nước cho phép hoạt động: gồm 2 Miếu và 1 nghĩa địa là: Miếu Ngọc Hoàng, ở phường Phú Tân; Thất Phủ Miếu, ở Phường 5 thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa và nghĩa địa Triều Châu, xã Phú Hưng để chôn cất người gốc Hoa.

Là  người DT thiểu số, từ Bình Định xa xôi theo chồng về làm dâu quê hương xã Bình Thới, huyện Bình Đại (năm 2011), chị Đinh Thị Lùng - DT Hre chia sẻ: “Tôi rất vui và cảm thấy hạnh phúc khi được sống tại quê hương này. Những người dân nơi đây sống rất tình cảm, không phân biệt đối xử người ở phương xa, người dân tộc. Các anh chị ở chính quyền, đoàn thể địa phương cũng rất quan tâm, thăm hỏi, tìm hiểu điều kiện sinh hoạt, hoàn cảnh kinh tế gia đình để động viên, chia sẻ với gia đình tôi ”.

Từ lẽ đó, chị Lùng đã sống yên vui bên gia đình chồng với công việc chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Dù thỉnh thoảng, nỗi nhớ quê nhà vẫn còn vươn tâm trí. Chị cho biết, quê chị - Bình Định có di tích Chămmpa, tháp đôi Qui Nhơn, di tích lịch sử Bến Trường Tàu, Gò Đá Đen… rất nổi tiếng.

Giao thoa văn hóa

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Lư Hội - Phó chủ tịch Hội Di sản tỉnh, đối với các DT trên địa bàn tỉnh, tuy các phong tục văn hóa của các DT được gìn giữ trong một số gia đình nhưng ít khi được lan tỏa rõ nét trong cộng đồng và đã có sự giao thoa với văn hóa của người Kinh thành văn hóa chung của người Việt Nam. Ví dụ như: trong chế biến thức ăn, khi người Kinh và người DT sống gần nhau thì cũng đã học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm chế biến các món ăn mang nét riêng của từng DT, và sáng tạo thành món ăn phổ biến chung trong đời sống. Minh chứng, món tương của người Hoa đã được sáng tạo, phát triển thành tương kho dừa, tương chưng cá. Hay món mắm của người Khmer được sáng tạo thành mắm kho dừa, lẩu mắm… thành nét văn hóa ẩm thực chung của người Việt.

Cả trong trang phục, trang sức cũng vậy, các trang phục mang nét riêng của người DT cũng dần đã được thay thế bằng trang phục chung của người Việt để tiện lợi hơn trong sinh hoạt đời sống cộng đồng. Hay trang phục của một số DT đã được biến tấu, cách tân thành trang phục được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, trong các sự kiện, các ngày quan trọng mang màu sắc riêng của DT thì vẫn được các gia đình DT quan tâm đến. Một số còn được thể hiện trong các lễ hội, văn hóa, văn nghệ.

 “Có thể nói, mỗi DT đều có những nét văn hóa riêng, nhà nước và các DT anh em cũng đều tôn trọng, đồng lòng gìn giữ và phát huy những nét văn hóa ấy, duy trì những lễ hội, phong tục tập quán truyền thống của các DT hoạt động theo quy định của nhà nước. Văn hóa của các DT làm nên bản sắc văn hóa của người Việt Nam” - Nhà nghiên cứu Lư Hội nhận định.

Các hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4 hằng năm như: họp mặt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao là dịp để cộng đồng các DT đang sinh sống tại tỉnh gặp gỡ, giao lưu và trao truyền bản sắc văn hóa các DT. Đồng thời, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam còn tạo sân chơi lành mạnh trong quần chúng nhân dân. Thông qua hoạt động, góp phần phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, sự quan tâm nhiều hơn của các lực lượng xã hội trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam và khẳng định sự thống nhất đoàn kết giữa các DT anh em.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích