Ai Cập bắt đầu bỏ phiếu trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp

20/04/2019 - 17:43

Cử tri Ai Cập xếp hàng chờ bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Cairo. Nguồn: Reuters
Cử tri Ai Cập xếp hàng chờ bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Cairo. Nguồn: Reuters

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, sáng 20-4-2019 theo giờ địa phương, hàng triệu cử tri Ai Cập bắt đầu đến các điểm bỏ phiếu trên khắp cả nước để tham gia cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp.

Theo kế hoạch, cuộc trưng cầu ý dân lần này diễn ra từ ngày 20 đến 22-4-2019 tại Ai Cập.

Truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Bầu cử Quốc gia (NEA) Lasheen Ibrahim trước đó cho biết khoảng 20.000 thẩm phán sẽ tham gia giám sát tiến trình bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc.

Ngoài ra, 55 nhóm xã hội dân sự của Ai Cập, năm tổ chức phi chính phủ nước ngoài và ba hội đồng quốc gia sẽ giám sát cuộc bỏ phiếu để trưng cầu ý kiến của nhân dân nước này về sửa đổi Hiến pháp.

Nhật báo Al-Ahram dẫn lời ông Lasheen Ibrahim cho hay hơn 61 triệu người Ai Cập có đủ tư cách đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân lần này.

NEA đã thiết lập những điểm bỏ phiếu đặc biệt ở các khu công nghiệp, thủ đô hành chính mới của Ai Cập ở phía Đông Cairo và tại các công trường của các dự án quốc gia lớn khác nhằm tạo điều kiện cho các công nhân xây dựng đi bỏ phiếu.

Nhà chức trách nước này cũng đã tăng cường các biện pháp an ninh để đảm bảo an ninh tại các điểm bỏ phiếu và an toàn cho người dân trong thời gian diễn ra cuộc trưng cầu ý dân. Dự kiến, tiến trình kiểm phiếu sẽ bắt đầu được thực hiện khi kết thúc ngày bỏ phiếu cuối cùng của cuộc trưng cầu.

Trước đó, cử tri Ai Cập đang sinh sống và học tập ở nước ngoài ngày 19-4-2019 đã bắt đầu đi bỏ phiếu sớm trong cuộc trưng cầu ý dân này. Các điểm bỏ phiếu được mở tại 140 đại sứ quán và lãnh sự quán của Ai Cập tại 125 nước trên khắp thế giới sẽ diễn ra trong thời gian ba ngày.

Nhà chức trách Ai Cập đã ghi nhận được số lượng lớn cử tri Ai Cập ở nhiều nước đi bỏ phiếu, đặc biệt ở các nước Arab như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Jordan.

Quốc hội nước này trước đó đã thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp 2014. Những nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong Hiến pháp của Ai Cập bao gồm việc tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên thành 6 năm, dành 25% số ghế trong Quốc hội cho các ứng cử viên nữ, thành lập thượng viện thuộc Quốc hội và khôi phục chức danh phó tổng thống.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN