Ăn cơm dưới đất, làm việc trên... ngọn dừa

24/06/2019 - 06:09

BDK - Toàn tỉnh có trên 72.000ha diện tích đất trồng dừa, với sản lượng đạt hơn 610 triệu trái/năm. Các huyện như Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Châu Thành là những nơi trồng dừa nhiều nhất tỉnh. Nghề bẻ dừa trái, giựt dừa trái đã mang lại thu nhập ổn định, trong đó, có nhiều người đã trở nên khấm khá từ nghề này.

Ông Năm Mới nhiều năm gắn bó công việc bẻ dừa.

Ông Năm Mới nhiều năm gắn bó công việc bẻ dừa. 

Bẻ dừa trái chuyên nghiệp

Mỗi sáng, sau khi ăn điểm tâm, ông Năm Mới ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành lại bắt đầu công việc của mình. Với bộ đồ nghề gồm cái nài, lưỡi hái, sợi dây, cây thang nhỏ, bình nước, ông đi bẻ dừa trái thuê cho các chủ vườn trong xã.

Hôm nay, ông Mới bẻ dừa cho một người quen ở ấp Phước Định. Vườn dừa này khá rộng, trồng dừa xen với bưởi. Có một số dừa lão cao khoảng 15m, còn lại đa số là dừa tơ khoảng 5 - 10m. Để cây thang sang một bên, ông Mới nói: “Cây dừa này khó bắc thang, để tôi chịu cực leo thôi”. Dứt câu, ông đã bám vào thân dừa và leo lên cao. Tuy tuổi đã ngoài 50 nhưng động tác của ông vẫn còn nhanh nhẹn.  

Tới ngọn dừa, ông Mới dùng lưỡi hái cắt bỏ những nhánh khô, dọn đường để đem dừa trái xuống. Khoảng 2 phút sau, ông đã xỏ dây cột xong buồng dừa mới cắt. “Chuẩn bị kéo dây, tôi thả xuống à nhen”. Bên dưới, ông Phước (người phụ giúp) kéo dây. Cả buồng dừa xiêm sai trái lủng lẳng trên cao từ từ “hạ cánh”. “Rồi, tiếp quày nữa nhen”. Thêm một buồng dừa được đưa xuống đất.

Ông Mới có nhiều “mối” là những chủ vườn đã thuê ông bẻ dừa nhiều năm. Hơn 15 năm làm nghề bẻ dừa trái, tiền công làm được đã giúp ông Mới nuôi cả gia đình gồm 5 miệng ăn, lo cho 2 con trai đi học (hiện 1 người đã cưới vợ, ra riêng). Hiện tại, ông Mới đi bẻ dừa thuê cho thương lái. Thu nhập hàng tháng của ông khoảng 7 triệu đồng hoặc cao hơn (tùy thuộc vào số lần được thuê bẻ dừa). 

Hay trường hợp của anh Nguyễn Văn Phấn (thường gọi anh Bảy), quê gốc xã Hữu Định (Châu Thành), sau khi cưới vợ, anh về quê vợ ở ấp Phú Tân, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm sinh sống. Nghèo, không có đất sản xuất, anh chị phải đi làm thuê để kiếm cái ăn. Cuộc sống của gia đình đã gặp khó lại càng khó khăn hơn khi vợ anh có 2 con nhỏ. Anh Bảy đã cố gắng lao động nhiều hơn.

“Vợ bệnh, con đau. Trong nhà cứ thiếu trước, hụt sau hoài… Thấy tôi trèo dừa bẻ trái được nên bà con trong xóm kêu làm rồi trả tiền công. Tôi làm việc này luôn cho tới nay đã gần 20 năm”, anh Bảy nhớ lại. Ấp Phú Tân có nhiều vườn dừa. Thương anh Bảy là người nghèo, leo dừa giỏi và thiệt tình nên nhiều chủ vườn đã giúp đỡ anh bằng việc thuê bẻ dừa mỗi khi tới lứa thu hoạch. Nhờ vậy, anh Bảy có thêm được nhiều “mối” cho mình.

Hàng ngày, khoảng 7 giờ 30, anh Bảy xách đồ nghề đi bẻ dừa trái (dừa xiêm) cho chủ vườn. Khoảng hơn 11 giờ, anh nghỉ ngơi cho lại sức để tiếp tục làm việc buổi chiều. Mỗi ngày, anh kiếm được khoảng 500 ngàn đồng tiền công bẻ dừa. Theo thời giá hiện tại, anh Bảy được trả tiền công 15 ngàn đồng/cây hoặc giá cao hơn (tùy theo cây dừa dễ hay khó bẻ trái).

Từ một người nghèo không có đất, với gần 20 năm làm nghề bẻ dừa xiêm trái, anh Bảy đã mua được đất, xây nhà tường (cấp 4), mua sắm đủ tiện nghi gia đình và nuôi 2 người con  ăn học.

Làm giàu từ nghề giựt dừa, thu mua dừa trái

Sau nhiều “cái hẹn” bằng điện thoại, cuối cùng tôi đã gặp được anh Ba Nhẹ tại vườn dừa của mẹ vợ anh, thuộc ấp Bình Xuân, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Anh Nhẹ là người giựt dừa và cũng làm nghề thu mua dừa. Nhà anh Ba Nhẹ ở ấp Bình Lợi (xã Châu Bình). Vợ chồng anh thường xuyên vắng nhà vì phải đi mua dừa ở nhiều nơi.

Khoe đống đồ nghề (sào, chĩa, thang, dây, kềm, búa...), anh Nhẹ cho hay: “Lưỡi hái phải làm bằng thép và mài, dũa cho thật sắc bén. Cây sào được làm bằng tầm vông đúng độ tuổi, dài cỡ 6m. Nếu gặp cây dừa cao thì mình chấp nối bằng ống tuýp cho chắc chắn để giựt trái không bị gãy giữa chừng”.

Tới một gốc dừa cao, Ba Nhẹ hít một hơi dài rồi lấy thế dựng cây sào móc dừa (dài hơn 6m) thẳng đứng. Bằng động tác nhanh nhẹn, anh đã cắm phập mũi lưỡi hái vào buồng dừa to trên cao. “Một mình tôi giựt dừa, phải có tới hai, ba người đi theo gom trái”, anh nói. “Lính” của Ba Nhẹ là vợ anh và một thanh niên ở gần nhà, được anh thuê để phụ giúp.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Châu Bình, từ nhỏ, anh Trần Văn Vạn (thường gọi Ba Nhẹ) đã quen thuộc với việc ruộng đồng. Sau khi cưới vợ và ra riêng, vợ chồng Ba Nhẹ được cha mẹ cho gần 1 mẫu đất trồng cây tạp. Anh cải tạo đất, trồng dừa xen với các loại cây khác. Mỗi khi tới thu hoạch dừa khô, vợ chồng anh Nhẹ dùng sào để giựt và quen dần với công việc này. Một số người ở gần thấy vậy kêu anh làm và anh được trả tiền công.

Cuối năm 2012, sau khi sắm được chiếc ghe máy (trọng tải 1,5 tấn), anh Nhẹ bàn với vợ đi thu mua dừa khô để bán lại cho các chủ vựa. Vợ chồng anh quyết định thuê thêm người làm. Thời điểm này, dừa khô đang có giá. Ba Nhẹ có tay nghề giựt dừa lại khéo léo trong giao tiếp nên có nhiều chủ vườn kêu anh bán dừa trái. Phấn khởi, anh càng chịu khó đi thu mua dừa ở nơi trẻo (sâu trong vườn) vì có ít người tới mua, giá lại rẻ. 

Nhờ chăm chỉ, cần mẫn với nghề giựt dừa và thu mua dừa, vợ chồng anh Ba Nhẹ đã xây dựng được nhà của khang trang, mua sắm đủ tiện nghi gia đình và nuôi người con trai đi học (hiện đang học lớp 11).

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN