Anh Bùi Văn Phương khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng

18/11/2019 - 18:41

BDK.VN - Anh Bùi Thanh Phương, sinh năm 1980, ngụ Ấp 12, xã Hưng Lễ, huyện Giồng là gương thanh niên điển hình của xã, khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Anh Phương thăm vó từ 3-4 lần/ngày để theo dõi tôm phát triển

Anh Phương thăm vó từ 3 - 4 lần/ngày để theo dõi tôm phát triển

Gia đình anh Phương trước kia sống bằng nghề trồng mía. Kinh tế mang lại từ cây mía không cao.

Đến năm 2012, qua học hỏi từ người quen, anh thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Với quyết tâm cải thiện kinh tế, anh mạnh dạn phá bỏ mía, đào ao nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng trên 1 công đất nhà.

Sau một thời gian, tôm nuôi thu hoạch cho hiệu quả kinh tế cao. Anh quyết định chuyển đổi toàn bộ 7 công đất trồng mía sang nuôi tôm. Đồng thời, anh thuê 4 công đất cạnh nhà để mở rộng diện tích nuôi.

Hiện tại, anh có 5 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, với diện tích 1,1ha, tương đương 7.500m2 mặt nước. Mỗi ao trung bình từ 1.000 - 2.000 m2, với khoảng 200.000 con tôm.

Anh cho biết, với 5 ao nuôi tôm, anh thả luân phiên mỗi lần 2 - 3 ao. Các ao còn lại thì cải tạo. Một quy trình cải tạo ao kéo dài khoảng 20 ngày, rút hết nước, xử lý sạch phân tôm và thức ăn thừa thì phơi ao 10 ngày. Sau đó, rải vôi và bơm nước lợ vào ao khoảng 1,6m. Tiếp đó, anh tiến hành xử lý bằng clorin, diệt khuẩn trong nước.

Sau khi diệt khuẩn, anh sử dụng phân DAP hoặc Kali để tạo tảo, gây màu cho nước. Tảo trong nước giúp hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp xuống con tôm con đồng thời là thức ăn cho tôm.

Sau 1 tuần, anh có thể thả tôm post còn gọi là tôm giống hay tôm ấu trùng. Lúc này, anh bắt đầu cho thức ăn số 0 xuống ao để kích tảo phát triển. Tôm trong giai đoạn này chỉ ăn tảo chứ chưa ăn được thức ăn. Sau 1 tuần, tôm có thể ăn được thức ăn số 1.

Anh Phương cho biết, anh phải thường xuyên thăm vó hàng ngày để theo dõi kích thước tôm, phát hiện bệnh và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Vòng đời tôm thẻ dài khoảng 4 tháng. Khi tôm khoảng 3 tháng trở lên thì có thể thu hoạch được.

Các bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng, như: bệnh gan, phân trắng, đốm trắng, taura, EMS. Các bệnh này hầu như không thể trị khỏi mà chỉ phòng ngừa là chính. Thông thường, tôm dễ bệnh vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch, khi gió chuyển mùa.

Theo anh Phương, một trong những lưu ý quan trọng là phải giữ màu nước ổn định thì tôm mới khỏe. Ngoài ra, còn giữ độ pH và độ kiểm ổn định, độ pH đo vào buổi sáng là 80, buổi chiều từ 80 - 82, độ kiềm 150 là được. Vì thế, mỗi ngày anh thăm ao và theo dõi từ 3 - 4 lần để điều chỉnh các chỉ số kịp thời.

Mỗi năm, anh canh tác 3 vụ. Sản lượng từ 1,5 - 2 tấn/1.000 m2 nước. Trừ đi chi phí, anh còn lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ.

Ngoài ra, anh Phương còn tập hợp các thanh niên có cùng nguyện vọng chăn nuôi tôm tại địa phương để cải tạo canh tác đất khu vực ven sông Hàm Luông, tạo thu nhập ổn định nhờ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Năm 2017, xã thành lập tổ hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng. Anh Phương làm tổ trưởng.

Với vai trò là tổ trưởng vùng nuôi số 1 xã Hưng Lễ, anh hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con vùng nuôi. Đồng thời, anh mở cơ sở cung cấp thức ăn cho các thanh niên trong vùng nuôi với giá ưu đãi, giúp thanh niên mua tập trung về con giống và thức ăn với giá tốt nhất.

Bí thư Xã đoàn Hưng Lễ Đỗ Thị Ngọc Tuyền cho biết: “Bạn Bùi Văn Phương là thanh niên khởi nghiệp đầu tiên trong mô hình chăn nuôi tôm. Sau khi thấy hiệu quả kinh tế cao thì phát động các hộ lân cận và những bạn trong độ tuổi thanh niên hỗ trợ kỹ thuật để chăn nuôi tôm. Qua thời gian phát động, có  nhiều thanh niên tham gia. Sau đó, xã có quy hoạch vùng ven sông Hàm Luông nuôi tôm thẻ chân trắng thì bạn Phương là tổ trưởng vùng nuôi số 1. Thực hiện vai trò của tổ trưởng vùng nuôi số 1, bạn hỗ trợ nhiều thanh niên khởi nghiệp từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, như: kỹ thuật chăn nuôi, đào ao, xử lý ao và thức ăn, chăn nuôi tới khi ra ao thì mới trả lại tiền thức ăn với giá bao tiêu rẻ”.

“Sắp tới, xã Đoàn sẽ cố gắng hỗ trợ về kỹ thuật, kết nối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ  bạn Phương tập huấn về kỹ thuật. Từ đó, bạn Phương có nhiều kinh nghiệm hơn để hỗ trợ các thanh niên khác khởi nghiệp chăn nuôi tôm”, chị Tuyền cho biết thêm.

Bài, ảnh: Kim Phụng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN