Bài học máu xương (kỳ cuối)

23/09/2019 - 06:49

Đường vào ấp 3, xã Phong Nẫm (Giồng Trôm). Ảnh: A.Nguyệt

Đường vào ấp 3, xã Phong Nẫm (Giồng Trôm). Ảnh: A.Nguyệt

“Đâu có chờ được nữa mậy. Hết rồi! Bộ mày tưởng hai trung đội đặc công của mình hồi đó nhiều lắm hả? Đâu có được đông đủ như người ta. Chỉ có chưa đầy hai chục anh em với chừng chục bộc phá thôi mà cứ lần lượt hai đứa đánh một trái, trong tình cảnh đó thử hỏi mầy còn gì thân thể! Đó là chưa kể pháo mình càng về sau không biết mắc chứng gì bắn lại càng lạng quạng, nó cứ nhè lên lưng bộ binh mình mà dộng!”.

“Đồn Phong Nẫm thằng địch phòng thủ kỹ lưỡng và khôn ngoan lắm. Tuy vậy, do điều nghiên kỹ nên mình chuẩn bị cũng khá chu đáo. Hào nó đào rất rộng, ngang cỡ hơn ba thước còn thêm bên dưới cắm đủ loại chông. Sau khi thang tre xung kích được bắc xong lực lượng bộ binh tràn qua vừa tiếp ứng cánh đặc công mở cửa vừa tìm cách đánh trực tiếp vô bên trong. Phải nói mình hy sinh nhiều quá nhưng cũng từ lúc này thế trận nghiêng dần về phía mình. Mũi thứ yếu một và hai tụi nó đã tỉnh lại nên phát huy tốt tác dụng hỗ trợ…”.

“Em nói phải, anh đồng tình với em suy nghĩ đó. Cần bao nhiêu quân để phục vụ một trận đánh chưa phải là điều quan trọng. Cái cần thiết hơn cho trận đánh và rộng hơn cho cả một đại cuộc của nhân dân là ta sẽ “mưu phạt” ra sao và “tâm công” như thế nào - Đánh bằng linh mưu diệu kế; đánh vào lòng người phân vân chưa định, vào sự thức tỉnh của lương tri con người trong hàng ngũ đối phương. Cái đó cũng cần thiết không kém. Nói thì nghe nó có vẻ thiếu thực tế, xa xôi tận đâu đâu nhưng thử hỏi có dòng thác nào mà lại không được cố kết bằng những hạt nước li ti thoạt nhìn tưởng chừng như vô nghĩa lý. Rất tiếc ở đây mình đã thiếu những cái đó. Cuộc chiến đã tàn lâu rồi, cứ thử nhìn lại mà coi. Ai đó? Có phải đại đa số những người trong hàng ngũ địch đều là những người miễn cưỡng phải cầm súng, đều là những người tốt nếu ta biết tìm cách khơi dậy ở họ tình yêu nước, tình yêu thương dân tộc. Đây không phải bài học mới nhưng gần 60 năm rồi anh thấy nó chưa hề cũ ”.

“Sau trận Phong Nẫm, chúng ta ngồi lại tìm nguyên nhân và rút ra những bài học thực sự bằng xương máu. Thiếu lực lượng dự phòng thì đã đành. Nhưng giả như có đủ đi nữa mà hao binh tổn tướng như vậy để chiếm lấy một cái đồn trống thì để làm gì?! Nếu chỉ để đốt thôi thì liệu có cần phải với chừng ấy xương máu? Không, phải gọi đúng tên nó ra là thất bại chớ đừng có cố ngụy biện bào chữa… “ nhưng cũng chiếm được…”, “mà cũng tịch thu được…”. Là người đọc sách chắc em cũng còn nhớ vài trận mà lịch sử còn ghi lại, những tướng tài đã từng kinh hãi như thế nào khi vào những ngôi thành trống do đối phương chủ động bỏ lại chớ? Kể ra trận này mình cũng còn may...”.

“Đúng. Anh cũng chưa thấy ai công khai nói tới nguyên nhân này. Thì ra ông bà mình tổng kết những thói tật của chính dân mình thật là tinh tế. Năm sáu đứa khiêng cái tủ không xong ổng biểu bỏ bớt ra một đứa. Lại chưa xong. Thì bỏ ra thêm đứa nữa! Không thêm vô thì thôi đàng này lại bớt ra, vậy mà xong việc. Ít thì dễ nhàm chán buồn tẻ mà có cái hay ho của nó, còn đông tuy vui nhưng… “Hạc lập kê quần hay Quý hồ tinh bất quý hồ đa” trong hầu hết mọi sự ở đời là vậy. Đa nhân thì đa sự, trong những dịp trùng phùng hiếm hoi vui vẻ như thế này thử hỏi làm sao tránh khỏi đùa cợt giỡn hớt ầu ơ ví dầu. Cùng là những con người đang vào độ tuổi thanh xuân phơi phới kia mà… Trong trận này khinh địch thì chưa thấy nhưng chủ quan là quá rõ ràng”.

“Chủ quan đến cái độ gần như là không cần bố trí lực lượng đón lõng! Thật ra là có đó mà lại như không! Cứ làm như cái đồn Phong Nẫm nó nằm sẵn trong túi của mình, nên cả lực lượng du kích xã “ngủ” thẳng cẳng mặc sức cho địch rút khỏi đồn bỏ chạy!… Sau này có dịp nhìn lại mới thấy sáng ra cái ý hồi nãy anh em mình vừa bàn. Lính trong đồn là con em người địa phương không phải là ít. Xã đội nó “ngủ” có khi cũng vì cái lý riêng gì đó của nó. Mà cho dù có hành động tích cực đi nữa liệu có làm được gì với cái đám thổ địa đó!”.

“Từ khi biết ý đồ của Tỉnh ủy đối với đồn Phong Nẫm, tôi đã lên phương án và xin Ban Chỉ huy Tỉnh đội cho đánh nhưng không thành. Đúng hơn là tôi đã “giành” đánh! Thật ra nếu để đại đội biệt động tụi tôi đánh cũng chưa biết có thành công hay không nhưng tôi rất tự tin. Bởi trong đồn này có thằng Tài là cháu vợ tôi, nó “mê tín” tôi dữ lắm. Mỗi lần gặp nhau dượng cháu tâm sự, tôi có thử dò ý nó và lần nào cũng vậy, thậm chí càng về sau nó còn ráo riết hơn, nó nói chừng nào dượng hành động cứ cho con hay con sẽ đích thân mở cửa cho dượng vô”.

“Lúc đó tôi đang là đại đội trưởng đại đội biệt động tỉnh, trực thuộc Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Tôi đã trình bày thêm lần nữa phương án đánh để cấp trên quyết nhưng vẫn không được chấp thuận”.

“Mà khổ lắm chú ơi! Tình riêng của mình mình biết chớ chứng minh với cấp trên bằng cách nào đây khi mình chưa chính thức tổ chức được cho thằng cháu. Trên danh nghĩa nó vẫn là người đứng về phía bên kia… Thời gian thì khẩn trương, yêu cầu lại cấp bách, cuối cùng tôi đành phải bó tay! Trận này cá nhân tôi bị thiệt hại kép, hai chiến sĩ của tôi mới được chuyển từ biệt động tỉnh qua tăng cường cho đặc công, lại thêm thằng em Năm Oanh bên ngoài hy sinh, thằng Tài cháu vợ bên trong cũng… “hy sinh” luôn… Nói vậy phải hôn ta?… Bên trong - bên ngoài, bên này - bên kia, nợ nước - tình dân… Thôi, tôi nói một hồi lộn xộn tùm lum hết trơn rồi! Phải chi chậm lại hoặc dượng cháu tôi nhanh hơn được chút nữa. Tiếc quá trời phải hôn chú?”.

“Thôi, tan tác hết mày ơi! Còn cái khỉ khô gì! Vậy chớ mày nghĩ coi có một đại đội vỏn vẹn ba trung đội mà hy sinh hết ba chục rồi, đó là chưa kể cánh đặc công. Tao thương nhứt hai thằng trung đội trưởng, thằng Việt với thằng Dữ. Tụi nó giỏi lắm mày ơi, bao nhiêu gánh nặng của đại đội chúng mang vác hầu hết. Nếu tao với tụi nó mà hoán chuyển được số phận cho nhau thì hôm nay không chừng mày  ngồi nói chuyện với một vị tướng lĩnh xuất sắc nào đó của Bộ Quốc phòng đang đương chức, chớ không phải với thằng già này…”.

“Hồi thế trận đang ở cao trào, có lẽ thấy không xong, sở chỉ huy đóng ở phía sau điện ra hỏi liên tục. Nhìn thấy lính lớp chết lớp bị thương rên la mình rối lòng rối dạ như đứt từng khúc ruột vậy mà mấy chả cứ lải nhải hoài. Quạu quá tao la vô máy, mấy anh có ngon thì ra đây mà chỉ huy đi!… Nghĩ lại thấy mình bậy hết sức”.

“Mày đang cỡi chiếc xe gì vậy? Ờ, thôi vậy đi mày. Dầu nó có cũ kỹ chút đỉnh nhưng mình cũng đã quen thuộc với tính nết nó từ hồi nào tới giờ rồi. Đừng có bày đặt học đòi theo người ta làm chi rồi sanh ra nợ nần tùm lum. Tao thấy cảnh vợ chồng cái thằng mắc dịch đàng trước nhà mà ngán khan, một ngày cắn đắng nhau không biết bao nhiêu lần. Khi không vậy rồi đi vay nợ sắm con ếch-hát gì đó. Hổng biết tới nay tụi nó có trả hết nợ chưa… Đừng nên tham lam mê vọng những thứ không phải hay chưa phải đến lúc thuộc về mình. Môi trường sống và đối tượng của con mèo với con cọp khác nhau xa chớ phải hôn mậy. Ai hay ai dở, ai mà thầy ai, đừng có dễ ngươi…”.               

Khi thiên bút ký này sắp sửa hoàn thành, ngoái nhìn lại tôi không khỏi giật mình. Đời sống của dân mình quá đỗi phong phú, kho tàng trong dân gian quả thật là khổng lồ. Những Mỹ Thành, Sơn Đông, Phú Hưng, Giồng Xoài, Rạch Vông, Mỹ An, Phong Nẫm, Mỹ Thạnh… những nơi tôi đã từng lui tới không biết đã bao nhiêu lần. Vậy mà với lần này tôi bỗng thấy sao nó lạ lùng như mình vừa mới tới. Chỉ một không gian chật hẹp và một thời khắc ngắn ngủi của một cuộc giao tranh mà có khi cả pho tiểu thuyết còn chưa chắc đã kham cho rạch ròi, huống gì chỉ thiên bút ký nhỏ nhoi này của mình.

Ở những nơi đó có người tôi đã từng tiếp xúc, có người mới chỉ là lần đầu tiên. Trong họ có người đã trực tiếp tham gia trận đánh này, có người gián tiếp nhưng có người thân đã bỏ lại xương trắng máu đào, thế nên họ cũng biết ít nhiều. Cũng ở đó, có bao nhiêu người là có chừng ấy danh hiệu này, chức vụ khác dù cao thấp không như nhau. Nhưng tất cả bây giờ đang cùng hòa trộn vào trong một không gian và tâm thức vô cùng rộng lớn của đất nước. Họ, may sao vẫn đang còn sống đây. Và hẳn là không phải vì chút mặc cảm thất bại do họ hiểu rằng đó chỉ là đoạn lâm vấp của đoản binh trong một trường trận lớn âm vang lảnh lót hai tiếng thống nhất của dân tộc. Tất cả họ, không ai bảo ai đều không muốn tôi nhắc nhở tới những danh vị hay vinh quang xưa của mình, bởi họ biết rằng lịch sử đã sang trang. Tổ quốc này, dân tộc này đã đi vào đúng quỹ đạo của mình, mãi mãi chỉ là một như ý nguyện của Người. Mà rất tha thiết mong muốn được mọi người đương thời gọi đúng cái danh xưng mình đang mang: DÂN.            

Cái Cối 3-11-2013 - 23-8-2019

Bút ký của Từ Phạm Hồng Hiên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN