Bình Thắng với mô hình cảm hóa người lầm lỗi

05/09/2018 - 09:30

Cảm hóa người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nội dung quan trọng được nhiều cấp ngành, địa phương quan tâm. Thời gian qua, các cấp ngành, địa phương và các hộ gia đình có người thân phạm tội đã có nhiều nỗ lực, phối hợp thực hiện các giải pháp để giúp người phạm tội có điều kiện hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó, xuất hiện một số mô hình với cách làm hay, hiệu quả cần tổ chức nhân rộng, trong đó có mô hình của xã Bình Thắng, huyện Bình Đại.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Thắng Nguyễn Hoàng (thứ hai, phải sang) nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về thành tích thực hiện tốt mô hình.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Thắng Nguyễn Hoàng (thứ hai, phải sang) nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về thành tích thực hiện tốt mô hình.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật

Xã Bình Thắng, huyện Bình Đại là xã có đông dân cư, lại là địa bàn thu hút rất nhiều khách thập phương đến làm ăn sinh sống, bởi nơi đây có bến cảng, tàu ra vào tấp nập cùng với các dịch vụ nghề cá ngày càng phát triển. Thế mạnh của địa phương là nghề đánh bắt và chế biến thủy hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, xã còn có 2 làng nghề truyền thống là Làng nghề đánh bắt thủy sản và Làng nghề chế biến cá khô. Do đặc thù là xã biển với nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ và các cơ sở dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt phát triển nhanh nên thu hút nhiều lao động từ các địa phương khác đổ về, làm cho địa bàn này ngày càng thêm phức tạp. Mặt khác, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Từ năm 2012 trở về trước, tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội diễn biến rất phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, thường xuyên xảy ra trộm cắp, cướp giật, đánh nhau gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma túy.

Từ khi tiếp thu kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, xã đã thành lập ban chỉ đạo “tăng cường công tác giáo dục, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống tội phạm” và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Qua 6 năm thực hiện, xã đã tổ chức tuyên truyền 300 cuộc, có khoảng 15.500 lượt người dự. Mặt trận xã còn hướng dẫn cho ban công tác mặt trận các ấp tổ chức lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua các buổi họp dân, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản (NDTQ). Qua đó, đã tổ chức triển khai rộng khắp ở 88 tổ NDTQ của xã và phối hợp với các tổ chức thành viên là các đoàn thể lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt chi hội, tổ hội.

Xã đã huy động được sự tham gia, phối hợp của các cấp ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, sự hưởng ứng tích cực của người dân. Phát huy được phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát động người dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm cho công an, các ngành có liên quan. Qua đó, người dân đã cung cấp 126 thông tin có liên quan đến tội phạm; trong đó, có 83 tin tố giác tội phạm, giúp lực lượng công an triệt phá nhiều nhóm thanh niên tụ tập về đêm và bắt nhiều đối tượng phạm tội tại địa phương. Công tác quản lý, cảm hóa giáo dục các đối tượng được các đoàn thể phối hợp thực hiện đúng quy định, quy trình, được sự đồng thuận và phối hợp tốt của cộng đồng dân cư trong việc cảm hóa, giáo dục đối tượng, các đối tượng được cảm hóa có hướng sửa đổi tốt.

Đối tượng tiến bộ đạt 91%

Để làm tốt việc cảm hóa giáo dục, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục phối hợp với công an thực hiện có hiệu quả việc khảo sát và phân loại lập hồ sơ theo dõi và phân công cho từng đoàn thể quản lý những người vi phạm pháp luật và có nguy cơ phạm pháp theo hình thức “Quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật ở cộng đồng dân cư”. Trong 6 năm qua, MTTQ và các đoàn thể đã nhận quản lý, cảm hóa, giáo dục 56 đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. Qua đó, đã cảm hóa, giáo dục tiến bộ 51 đối tượng, đạt 91%; số chưa tiến bộ giao các đoàn thể tiếp tục quản lý, cảm hóa, giáo dục hoặc đề nghị áp dụng các biện pháp cao hơn. Ngoài ra, MTTQ và các đoàn thể còn phân công cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhờ người có uy tín phối hợp với gia đình để quản lý, cảm hóa, giáo dục những người có nguy cơ cao vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư. Đồng thời, các đoàn thể còn tích cực tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; đã tham gia hòa giải 36 vụ, hòa giải thành 28 vụ, số còn lại chuyển về trên giải quyết.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Thắng Nguyễn Hoàng cho biết, việc triển khai thực hiện mô hình này được cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân quan tâm phối hợp thực hiện. Công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, tác động tích cực đến nhận thức của người dân. Qua đó, đã tạo điều kiện cho các đối tượng lầm lỗi có việc làm như tham gia vào đoàn bốc xếp cảng cá và theo tàu đánh bắt xa bờ. Nhiều mô hình như Xây dựng gia đình an toàn, Khu dân cư an toàn, Xã không có mại dâm, Tuyến đường ánh sáng an ninh, Camera an ninh… đã được người dân đồng tình và tích cực hưởng ứng. 

“Có được kết quả trên là nhờ xã đã có kế hoạch điều tra, khảo sát, phân loại từng đối tượng, tổ chức tuyên truyền, giáo dục và phân công giao trách nhiệm cho từng tổ chức thành viên cảm hóa, giáo dục; sự quan tâm tác động hỗ trợ của MTTQ và Công an huyện; xử lý nghiêm người vi phạm, biểu dương khen thưởng kịp thời những gương người tốt việc tốt, lên án những hành vi trái đạo đức, trái pháp luật... Qua đó, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm của người dân” - ông Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN