Bóng quê (kỳ 1)

04/03/2020 - 07:22

BDK - Bến Tre năm 1929 có 315 ngàn người, năm 1960 có 600 ngàn với 3 cù lao sông nước. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bến Tre có 35.622 liệt sĩ, trong đó 947 liệt sĩ là phụ nữ và 6.898 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các mẹ, các anh chị đã để lại cho ta bóng quê che mát cho hôm nay và muôn đời sau.

Các mẹ Việt Nam anh hùng và các mẹ trong “Đội quân tóc dài”. Ảnh: Nguyễn Hải

Các mẹ Việt Nam anh hùng và các mẹ trong “Đội quân tóc dài”. Ảnh: Nguyễn Hải

Thật tự hào khi có dịp đọc lại những trang sử hào hùng của bao lớp cha ông từ thời khai hoang mở cõi cho đến chống giặc ngoại xâm. Ở cù lao cách ngăn sông rạch năm 1929, Bến Tre có diện tích 150.356ha với 315 ngàn người, vậy mà vùng đất này đã sản sinh ra bao anh hùng hào kiệt, bao Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga thời đại. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, tác giả gửi đến bạn đọc Báo Đồng Khởi những câu chuyện về các mẹ, các chị, những người đã để lại cho ta “bóng quê” với tấm lòng trân trọng và kính phục.

Bà Lê Thị Mẫn

Vào đầu thế kỷ XIX ở làng Đa Hòa (nay là Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam), Bến Tre có bà Lê Thị Mẫn có chồng là ông Bùi Văn Liệu. Chồng mất lúc bà 33 tuổi, bà ở vậy nuôi 3 con ăn học và đều đỗ cử nhân. Bà nổi tiếng là người dạy con rất nghiêm. Chuyện kể rằng, một lần ông Bùi Văn Phong làm án sát Nam Định nhân dịp Tết, ông nhờ người mang quà về biếu mẹ vài hộp trà và vốc lụa Hà Đông. Bà nhận quà mở ra thấy vậy liền đem đốt thành tro và gói lại gửi trả cho con với phong thư trong đó đại ý nói rằng: Làm quan mà nhận quà biếu lâu ngày sẽ thành thói quen, khơi dậy lòng tham khó mà giữ được thanh liêm. Được thư hồi âm của mẹ, án sát Bùi Văn Phong không khỏi ngỡ ngàng, ông đựng tro vào chiếc lọ thủy tinh để trên bàn làm việc hàng ngày của mình nơi công đường.

Bà Lê Thị Mẫn còn là một phụ nữ giàu lòng nhân ái và đức độ. Một năm nắng hạn mất mùa nhiều người bị đói, bà đã xuất lúa trong kho nhà và giao cho chánh quyền sở tại cả ngàn quan tiền để cứu trợ cho dân nghèo.

Năm Tự Đức thứ XIII (1860) nhân lễ “Ngũ tuần của Thái hậu Từ Dũ”, bà Mẫn được vua phong bức biển có 4 chữ vàng “Hảo nghĩa khả phong”. Trong bản sắc phong của vua Tự Đức có đoạn “Ta nghĩ rằng ngươi đã có danh tiếng tốt như vậy, không lẽ nào ta không ban ơn biểu dương đức tính của ngươi…”.

Bà mất vào năm 1866, thọ 80 tuổi. Cụ Phan Thanh Giản có sai con là Phan Liêm đến Mỏ Cày cúng điếu để tỏ lòng thành kính một bậc tiền nhân.

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh

Nguyễn Đình Chiểu một ngôi sao sáng nhưng ít ai nhớ cụ không chỉ là nhà thơ lớn, một tâm hồn lớn mà cụ còn là một thầy thuốc, thầy giáo. Trong đồ án thiết kế xây dựng đền thờ cụ, anh Nguyễn Minh có trình bày với hội đồng: “Tôi vẽ bản thiết kế đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu với 3 tầng mái có ý nghĩa là đền thờ của một người có 3 tầng tri thức, đó là nhà thơ, thầy thuốc và thầy giáo”. Đây là lòng tự hào của mọi thế hệ chúng ta, đặc biệt là đội ngũ, những người hoạt động trên lĩnh vực y tế, văn hóa và giáo dục. Càng đặc biệt hơn chúng ta ai cũng biết nữ sĩ Sương Nguyệt Anh là con gái thứ tư của cụ Đồ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Khuê, là chủ bút của tờ báo Nữ giới chung. Bà là nữ tổng biên tập đầu tiên của báo chí Việt Nam. Thật là một tài năng sáng chói, do đó dân gian có câu: “Đem chuông lên đánh Sài Gòn/ Để cho nữ giới biết con cụ Đồ”.

Bà Võ Thị Phò

Trong công cuộc khai hoang mở đất, phụ nữ đóng vai trò quan trọng không kém nam giới, từ chuyện kể bà Yến ở Ba Tri làm mụ cọp, gắn tên đất với tên người như cồn Bà Tư ở Bình Đại. Bà tên thật là Võ Thị Phò, sinh năm 1906, tại xã Thới Thuận mà ta thường gọi là má Tư. Lúc 17 tuổi, bà đã đến khai hoang vùng đất cồn Trẹt rồi lập gia đình sinh con, đẻ cháu ở đây. Qua 2 cuộc kháng chiến ác liệt, gian khổ, giặc ném lựu đạn xuống hầm bí mật giết chết chồng bà; 7 người con của bà đều tham gia cách mạng, trong đó có 2 người là liệt sĩ.

Trong thời kháng chiến chống Mỹ, nhà má Tư 7 lần bị giặc đốt phá nhưng má quyết bám đất giữ làng nuôi giấu cán bộ, chăm sóc thương binh. Đặc biệt, sau tổng tấn công Mậu Thân 1968, má đã nuôi dưỡng, tiếp tế thuốc men, quần áo cho hàng trăm chiến sĩ thương bệnh binh từ chiến trường Long An chuyển về tại Thừa Đức, Thới Thuận. Với tấm lòng dũng cảm, nhân ái, bao dung của má tư đã gắn liền với mảnh đất cồn Trẹt, sau này còn gọi là cồn Bà Tư.

“Đội quân tóc dài”

Tại cuộc triển lãm quốc tế, các bạn trẻ nước ngoài hết sức ngạc nhiên và khâm phục trước hình ảnh một cô gái trẻ đã dùng đôi vai mềm mại của mình làm trụ cầu đứng giữa dòng suối chảy xiết để đồng đội khiêng thương binh qua suối về nơi an toàn. Đó là em Giáp Thị Tiến (chiếc cầu người), quê Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày, là thanh niên xung phong trong những năm chống Mỹ ở chiến trường miền Đông.

Còn biết bao bà mẹ, người chị đã anh dũng, ngoan cường hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân như “Đội quân tóc dài” hiên ngang “đi như nước lũ tràn về”. Ngày 15-3-1960, “binh đoàn” 5 ngàn người đã kéo về tràn ngập thị xã Bến Tre, một “đội quân đầu tóc” đã làm kẻ thù khiếp sợ. Đội quân ấy không chỉ là trực diện đấu tranh mà còn tham gia các hoạt động khác đi vào lịch sử như “Bộ đội Thu Hà”, với chị Tuyết, chị Kiều “tay không lấy đồn giặc” giữa ban ngày; chị Trần Thị Tiết (Út Hạnh) bị sa cơ vào tay giặc, chị đã chịu đựng mọi tra tấn nhục hình nhưng luôn giữ vững khí tiết cách mạng, không một lời khai báo. Bị giặc tra tấn chết đi sống lại. Chị từng bị ném vào nhà xác, nhưng may mắn được đồng đội đưa đi và cứu chữa. Khi khỏe mạnh, chị lại tiếp tục đi theo con đường đã chọn. Chị cùng chồng chiến đấu lập thành tích xuất sắc. Cả hai vợ chồng đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.

Nói đến phụ nữ Bến Tre thì không thể quên mẹ Trần Thị Kế, người phụ nữ để lại câu nói bất hủ khi bị giặc bắt tra tấn: “Chồng con mầy đâu?”, mẹ thản nhiên đáp “Chồng con tao trong trái tim tao”. Bọn giặc dã man tra tấn mẹ cho đến lúc hy sinh trong Khám lá Bến Tre.

(còn tiếp)

Vũ Hoàng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN