Sức sống mới cho cây dừa Bến Tre, bài 1:

Bước tiến chế biến sản phẩm dừa

22/07/2019 - 06:47

BDK - LTS: In sâu vào tâm trí cộng đồng dân cư, cây dừa từ lâu gần như đã trở thành biểu tượng của đất và người Bến Tre. Được mệnh danh là loại cây “không bỏ một thứ gì”, tất cả các bộ phận trên cây dừa đều có thể tạo ra các sản phẩm hữu ích như: mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các loại bánh mứt, nước uống, than hoạt tính và vô số các sản phẩm từ xơ dừa, dầu dừa… Ngày nay, vai trò cây dừa đối với cư dân tỉnh nhà ngày càng được khẳng định, từng ngày lại tiếp tục được thổi thêm sức sống mới vào loại cây chủ lực của quê hương xứ sở…

Vận chuyển chỉ xơ dừa tại một cơ sở sản xuất ở huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Thanh Đồng

Vận chuyển chỉ xơ dừa tại một cơ sở sản xuất ở huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Thanh Đồng

Nghề tiểu thủ công

Bước chân vào nghề làm chỉ xơ dừa từ năm 1999, ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Công ty TNHH chỉ xơ dừa Khánh Ngọc (ấp Tân Đức A, xã Tân Bình, Mỏ Cày Bắc) đã có hơn 20 năm vui buồn với nghề. Gắn bó với cây dừa gần cả cuộc đời, ông luôn tâm niệm làm sao khai thác tiềm năng của cây dừa để mang lại giá trị kinh tế cho gia đình và quê hương. Cách đây 20 năm, từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng ông khởi nghiệp làm chỉ cọng xơ dừa. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mọi hoạt động đều bằng thủ công đến khi lên hộ cá thể và bây giờ trở thành doanh nghiệp (DN) được đánh giá có quy mô của huyện, ông Tiến đã trải qua biết bao thăng trầm nhưng vẫn quyết tâm đeo bám với nghề làm chỉ xơ dừa như một phần cuộc sống.

Theo ông Tiến, những năm gần đây, thị trường của chỉ xơ dừa gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm nhiều so với trước. Nguyên nhân là do công nghệ cũ trong khi nhu cầu của thị trường đối với chất lượng sản phẩm ngày càng cao. Trước tình hình đó, nhiều DN như ông Tiến đã mày mò học hỏi, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới phù hợp đặc tính của chỉ xơ dừa, góp phần vực dậy ngành nghề bao năm đeo bám, tiếp thêm sức sống mới cho ngành chế biến dừa. Nhờ áp dụng thiết bị, kỹ thuật trong sản xuất, cơ sở ông Tiến đã tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Tiến đã sáng tạo ra những mẫu sản phẩm chỉ xơ dừa mới từ mẫu mã đến chất lượng như: thảm dừa, băng dừa, trung bình mỗi tháng, gia đình ông xuất từ 10 container sản phẩm băng dừa ra thị trường Hàn Quốc, Bắc Mỹ. “Trước khi chạm tới thành công ai cũng từng thất bại rất nhiều lần, bản thân tôi không ngoại lệ. Nhưng nghề nào cũng vậy, cần có tình yêu và đam mê và sự quyết tâm cao để gắn bó đeo bám vượt qua những giai đoạn khó khăn”, ông cho biết.

Hướng đi mới cho chế biến

Câu chuyện tình yêu với cây dừa quê hương còn được kể lên bởi rất nhiều những con người Bến Tre đã gắn bó đời mình với nghề chế biến dừa. Từ ngành công nghiệp sơ chế dừa, tiểu thủ công nghiệp dừa, ngày nay, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật tiên tiến, Bến Tre đã có nhiều thành tựu trong chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, góp phần gia tăng giá trị của cây dừa.

Như câu chuyện 10 năm phát triển chế biến sâu từ dừa của cô Trương Thị Cẩm Hồng - Công ty TNHH Chế biến các sản phẩm dừa Cửu Long, TP. Bến Tre là một điển hình. Từ sản phẩm ban đầu là thạch dừa thô, cô Cẩm Hồng đã phát triển theo hướng sản xuất mỹ phẩm từ dừa. Nhắc đến Dừa Cửu Long, thị trường ấn tượng và nhớ ngay đến dòng sản phẩm mặt nạ dừa độc đáo và hữu dụng. Những chiếc mặt nạ dừa Bến Tre đã đặt chân đến thị trường Lào, Campuchia, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc... Cùng với đó là trên 20 sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe từ dầu dừa. Gần đây nhất, Công ty TNHH Chế biến các sản phẩm dừa Cửu Long đã ra mắt giấy dừa dùng trong chăm sóc sắc đẹp và dùng đựng, gói thực phẩm có dầu. Có thể thấy, hướng đi mới cho sản xuất các sản phẩm chế biến sâu từ dừa chính là dòng sản phẩm hướng đến phục vụ sức khỏe, sắc đẹp. Ngoài dầu dừa, nhiều DN còn làm sữa dừa dùng làm thức uống dinh dưỡng, đây là mặt hàng mới, được ghi nhận là sản phẩm tốt cho mọi lứa tuổi.

Ông Trần Văn Đức - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco), huyện Mỏ Cày Bắc nhận định, hầu hết DN trong tỉnh hiện nay  còn hạn chế nguồn lực hạn chế nên chủ yếu tập trung vào các dòng sản phẩm phổ thông, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước mắt và có doanh thu. Tuy nhiên, muốn dừa ngày càng có giá trị gia tăng cao đòi hỏi các DN phải tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và cho ra đời các sản phẩm mới như là các dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Hiện nay, trên thị trường cũng đã có một vài DN mới đã mạnh dạn nghiên cứu chuyên sâu, từ một sản phẩm phổ thông là dầu dừa các DN đã cho ra đời hàng chục sản phẩm ứng dụng mới, đánh đúng vào tâm lý, nhu cầu người tiêu dùng. Ví dụ như dầu dừa chống muỗi Lomos của Công ty Phú Long (Bình Đại), các sản phẩm xà bông tắm, mỹ phẩm... thuộc nhãn hiệu Cobote (Châu Thành). “Để có những điều này cần tăng cường sự tương tác, có sự liên kết giữa DN với ngành khoa học công nghệ của tỉnh và các nhà khoa học”, ông Trần Văn Đức nói.

Ở góc độ ngành chức năng, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Vũ cho biết, những năm gần đây, các đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ liên quan lĩnh vực dừa khá đa dạng và phong phú. Nhiều đề tài đã được ứng dụng thành công trong thực tế, trong đó kể đến đề tài Nghiên cứu quy trình sản xuất nước rửa tay dưỡng da từ dầu dừa do PGS.TS Bạch Long Giang - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm, không những cung cấp sản phẩm tự nhiên cho người tiêu dùng, nước rửa tay dưỡng da từ dừa có khả năng phân hủy sinh học cao góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Kết quả đề tài nghiên cứu đã đào tạo 2 kỹ sư hóa học và chuyển giao thành công công nghệ, thiết bị cho Công ty TNHH Chế biến các sản phẩm dừa Cửu Long ứng dụng sản xuất.

Để đạt được mục tiêu chiến lược của Chương trình phát triển ngành dừa Bến Tre đến năm 2020, ngành công nghiệp chế biến dừa của tỉnh phải phát triển theo hướng đi vào chiều sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và phát triển sản phẩm mới.

Sở Khoa học và Công nghệ đang xây dựng mô hình chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có dừa. Trong thời gian tới, các sản phẩm chế biến sâu của dừa ứng dụng vào mỹ phẩm, sức khỏe sẽ được ngành khoa học công nghệ tập trung nghiên cứu và chuyển giao cho các DN ứng dụng sản xuất, thương mại hóa, góp phần mang lại dáng vẻ, sức sống mới cho cây dừa của tỉnh.

C.Trúc - Ph.Hân - T.Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN