Các giải pháp phòng chống hạn mặn

27/04/2020 - 08:11

BDK - Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Mỏ Cày Bắc đã đề ra những giải pháp công trình và phi công trình để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của hạn mặn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Qua đó, khắc phục phần nào ảnh hưởng của hạn mặn trên địa bàn huyện.

Người dân xã Thành An nhận nước ngọt miễn phí tại trụ sở UBND xã.

Người dân xã Thành An nhận nước ngọt miễn phí tại trụ sở UBND xã.

Công trình đập tạm

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch, sớm chuẩn bị phương án phòng chống hạn mặn; trong đó, ưu tiên các giải pháp công trình thủy lợi. Cuối năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát các công trình: cống, đập, đê bao, bờ bao… và các phương án đập tạm để thực hiện phòng chống hạn mặn.

Huyện đã tổ chức đắp đập tạm Bến Bè (Hưng Khánh Trung A) để ngăn mặn, trữ ngọt cho khoảng 305ha cây ăn trái, cây giống của 2 xã Hưng Khánh Trung A và Phước Mỹ Trung. Đồng thời, huyện xây dựng nhiều cống ngăn mặn: Phước Khánh - Phước Lý (xã Hưng Khánh Trung A); Bưng Cát, Giồng Keo (xã Tân Bình và Tân Thanh Tây)… trang bị 19 nắp cống phi 100 cho xã phục vụ có hiệu quả việc lấy nước ngọt của người dân và tưới tiêu cho gần 2.800ha cây ăn trái, cây giống.

Đầu mùa khô, nước mặn chỉ xâm nhập một số vùng và ở những vị trí bờ sông nên các giải pháp công trình đã đem lại hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, từ tháng 3-2020, mặn từ cửa sông chính xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền khiến nhiều nơi người dân thiếu nước sinh hoạt. Trước bối cảnh đó, huyện linh động trong công tác chỉ đạo, triển khai và phát huy ngay các giải pháp phi công trình được chuẩn bị trước đó.

Cụ thể, UBND huyện xây dựng kế hoạch cung cấp nước ngọt vùng và quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc hỗ trợ cung cấp nước ngọt cho người dân trên địa bàn. Trong đó, tập trung các xã chịu tác động lớn như: Khánh Thạnh Tân, Hòa Lộc, Tân Thành Bình, Thanh Tân…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lê Văn Xiêm cho biết, mọi hoạt động cung cấp nước phục vụ sinh hoạt được thực hiện theo phương châm 4C (chuyển - chứa - chở - cho). Huyện đã vận chuyển nước ngọt cung cấp đến các xã chứa vào bể, túi chứa đã được trang bị trước đó. Sau đó, mỗi xã xây dựng kế hoạch cấp nước cho hộ dân theo tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, vai trò tổ cấp phát, vận chuyển phải cân nhắc, ưu tiên cho hộ khó khăn, già neo đơn, hộ bị bệnh tật và những hộ không có phương tiện vận chuyển để đảm bảo không lãng phí nguồn nước. Các ban, ngành, đoàn thể thì vận động chủ phương tiện vận chuyển, cung cấp nước ngọt miễn phí cho tất cả hộ dân thiếu nước ngọt để sinh hoạt.

Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các giải pháp trong chăn nuôi, trồng trọt hạn chế thiệt hại; vận động việc trữ nước, sử dụng các biện pháp tiết kiệm nước. Các phòng, ban huyện có liên quan sử dụng các giải pháp hỗ trợ nước ngọt cho bà con; vận động các mạnh thường quân, các đơn vị tài trợ để hỗ trợ nước ngọt.

Đảm bảo nước sinh hoạt

Tính đến giữa tháng 4-2020, huyện đã vận động các đơn vị, mạnh thường quân ủng hộ trên 11 ngàn mét khối nước ngọt cho 10 xã; 726 bồn chứa nước (loại 1m3), 730 bồn chứa nước các loại, 5.175 bình nước uống loại 20 lít/bình; 1.800 lốc nước suối cho người dân.

Ngoài ra, huyện nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, đã lắp đặt 1 máy lọc mặn RO, với công 120m3/ngày đêm tại xã Tân Thành Bình; 3 máy lọc RO, với công suất 6m3/giờ cho các xã: Tân Bình, Phước Mỹ Trung, Tân Phú. Tổng kinh phí gần 9 tỷ đồng. Các tổ chức thiện nguyện, mạnh thường quân hỗ trợ 63 máy lọc mặn RO, với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng, góp phần phục vụ nước ngọt cho gần 1.100 hộ dân trong huyện.

Hiện nay, cơn khát nước ngọt trên địa bàn huyện có phần hạ nhiệt nhưng huyện còn một số hộ dân không đủ điều kiện để trang bị dụng cụ chứa nước ngọt đảm bảo sinh hoạt trong thời gian dài; thiếu phương tiện vận chuyển nước ngọt cho hộ dân. Mặt khác, hệ thống thủy lợi của huyện chưa khép kín, còn nhiều cống đầu mối, đê bao ven sông lớn chưa được đầu tư. Do đó, huyện gặp không ít khó khăn trong phòng chống hạn mặn thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Xiêm, hướng tới, huyện xây dựng hoàn thiện hồ chứa nước khoảng 2.100m3 tại xã Thanh Tân, dự kiến kinh phí 60 triệu đồng; lắp đặt 6 máy lọc mặn RO với công suất 12m3/ngày đêm cho 6 xã: Khánh Thạnh Tân, Hòa Lộc, Thanh Tân, Thạnh Ngãi, Phú Mỹ, Phước Mỹ Trung, Tân Bình, Tân Phú Tây. Đồng thời, huyện tiếp tục vận động các đơn vị, mạnh thường quân hỗ trợ, cung cấp nước ngọt cho người dân để đảm bảo mỗi người đủ nước sinh hoạt với mức tối thiểu 20 lít/người/ngày.

Bài, ảnh: Thiên Di

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN