Cần thực hiện nghiêm Luật An toàn vệ sinh lao động

16/05/2018 - 06:52

BDK - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 được tổ chức từ ngày 1 đến 31-5-2018, với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

Tham gia bảo hộ lao động tại nơi làm việc đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Ảnh: Trần Quốc

Tham gia bảo hộ lao động tại nơi làm việc đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Ảnh: Trần Quốc

Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Thái - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xung quanh nội dung này.

* ATVSLĐ từ 1 chương trong Luật Lao động, tại Kỳ họp thứ 9 (khóa XIII) được Quốc hội thông qua thành Luật ATVSLĐ và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Vậy đâu là điểm mới, thưa ông?

- Ông Phạm Hồng Thái: Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với công tác ATVSLĐ. Luật gồm có 7 chương và 93 điều. Trong đó nêu rõ chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ là:

+ Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ), cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ trong quá trình lao động. Khuyến khích NSDLĐ, NLĐ áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.

 + Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về ATVSLĐ; hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ ATVSLĐ.

+ Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến hiện đại về ATVSLĐ trong quá trình lao động.

+ Hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

+ Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho NLĐ.

* Đã nhiều lần tham gia đoàn kiểm tra về ATVSLĐ, ông đánh giá như thế nào về việc chấp hành Luật ATVSLĐ của các cơ quan, đơn vị?

“Vì hạnh phúc, sức khỏe của NLĐ và sự phát triển bền vững của các DN, các cơ quan, đơn vị trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chúng ta cần triển khai và thực hiện nghiêm túc Luật ATVSLĐ”.

(Ông Phạm Hồng Thái)

- Ý thức tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của NSDLĐ các tổ chức, cá nhân có liên quan nhìn chung có chuyển biến rõ rệt theo chiều hướng tốt lên. NSDLĐ có quan tâm hơn đến điều kiện lao động và môi trường lao động, hạn chế các yếu tố tác hại nghề nghiệp tác động xấu đến sức khỏe NLĐ. Công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ cũng được quan tâm hơn, việc khám sức khỏe bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp cũng được quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ còn nhiều hạn chế. Môi trường lao động còn nhiều yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại; việc thực hiện quan trắc môi trường lao động hàng năm chưa được thực hiện. NLĐ chưa được tham gia huấn luyện về ATVSLĐ; việc tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ khi có tai nạn lao động xảy ra chưa thực hiện tốt. NLĐ chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động cần thiết theo luật định. Việc tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ cũng còn hạn chế; việc khám sức khỏe bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện sớm các bệnh nghề nghiệp chưa được tuân thủ đầy đủ.

* Ai là người bị thiệt trực tiếp khi Luật ATVSLĐ chưa được thực hiện nghiêm?

- Việc không thực hiện nghiêm Luật ATVSLĐ sẽ dẫn đến những hậu quả to lớn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều đối tượng và cả xã hội.

Đối với NLĐ trực tiếp tham gia sản xuất: không được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, ATVSLĐ trong quá trình lao động, tại nơi làm việc. Không được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng chống; không được đào tạo huấn luyện về ATVSLĐ. Không được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

Không được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do đó NLĐ sẽ không được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ảnh hưởng đến sức khỏe dễ dẫn đến bệnh tật, tai nạn lao động phải nghỉ điều trị, phục hồi chức năng, làm giảm thu nhập ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế gia đình.

Đối với NSDLĐ: không xây dựng được môi trường làm việc an toàn, thân thiện tại doanh nghiệp mình, ảnh hưởng đến thương hiệu của DN. Đây là điều bất lợi trong quá trình hội nhập hiện nay.

Không có đội ngũ lao động có thâm niên và lành nghề do NLĐ thường xuyên bị ốm đau, tai nạn; tốn chi phí cho việc đào tạo nghề cho lao động mới. Thường xuyên tốn chi phí cho việc sơ, cấp cứu cho NLĐ, cũng như chi phí cho việc điều trị, phục hồi chức năng sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiệu quả và năng suất lao động của DN không cao do NLĐ chưa hoàn toàn an tâm vào môi trường lao động tại nơi làm việc.

* Theo ông, cần làm gì để Luật ATVSLĐ thật sự đi vào thực tiễn?

- Để Luật ATVSLĐ thật sự đi vào thực tiễn cần có sự hợp tác chặt chẽ ba bên: NSDLĐ, NLĐ và bên thứ ba là các cơ quan, ban, ngành chức năng, công đoàn trong giải quyết hài hòa quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ bảo đảm ATVSLĐ.

Cần đưa công tác ATVSLĐ vào nghị quyết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của từng cơ quan, DN. Tăng cường công tác tuyên truyền về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức và nội dung phong phú, sát với thực tiễn. Đặc biệt, quan tâm đến NLĐ trong lĩnh vực nông nghiệp và làng nghề.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác ATVSLĐ, đặc biệt chú trọng công tác tự kiểm tra tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Cần có các biện pháp xử lý nghiêm minh các sai phạm về ATVSLĐ. Đồng thời, có chế độ khen thưởng, nêu gương kịp thời các tổ chức, đơn vị thực hiện tốt  công tác ATVSLĐ.

Trần Quốc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích