Câu chuyện dưới tán dừa xanh

15/02/2019 - 07:16

Ông Lâm Thành Thưởng chọn dừa giống. Ảnh: T. Đồng

Ông Lâm Thành Thưởng chọn dừa giống. Ảnh: T. Đồng

Đi chọn dừa giống

Dưới tán dừa xanh, tôi ngồi nghe các lão nông kể chuyện đời dừa. Hồi xưa đó, ông bà mình chọn dừa giống theo kiểu này: đi coi vườn dừa nào ngon, cây nào đẹp, cho trái tốt thì nói ông chủ vườn chừng nào bẻ dừa thì chừa cho mấy trái làm giống. Quày dừa bẻ xuống thì lựa bỏ trái đầu quài, cuối quày nhen, nó ra cây èo uột không ngon. Rồi mình thả xuống vũng, trái nào tròn trịa, lật đứng thì mình vớt lên, phơi cho khô “trổ da me”, bấm vô mềm tay, lắc nghe rổn rảng rồi mới ủ cho lên mộng. Mộng lên được “đuôi cá” - hai chồi lá (NV) thì đem đặt xuống trồng, ba năm có trái… Vừa nhìn đám dừa giống đang lên mộng xanh xanh xếp đều tăm tắp dưới bờ dừa, ông Út Thưởng chặc lưỡi nói: “Nói vậy chớ chọn dừa giống không phải đơn giản, chưa kể bây giờ không như hồi xưa, mình làm nhiều hơn, trồng nhiều hơn, người ta đâu có chọn trái nổi đứng, nổi nghiêng, trái đầu, trái cuối nữa. Phơi, ủ, để lên mộng hết. Lỡ chọn sai, mua lầm, về trồng 3 năm cây dừa ra sao mới biết thì cũng đã lỡ”.

Ông Út Thưởng - Lâm Thành Thưởng là chủ vườn dừa xiêm xanh, dừa ta gần 5 công đất ở ấp Thành Hóa 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Mười mấy năm gắn bó với cây dừa, ông Út để ý đến từng đặc tính chi li của loài cây tưởng chừng như vô cùng quen thuộc của vùng đất này. “Tôi thấy rằng, muốn chọn dừa giống đảm bảo chất lượng phải biết nguồn gốc cây dừa giống ở đâu, tốt nhất là nên tìm đến vườn dừa giống hoặc các cơ sở cây giống uy tín để mua, nếu mua giống trôi nổi thì có nhiều rủi ro lắm” - ý ông Út Thưởng muốn nói đến chuyện có nơi gian dối, mua gom dừa ẻo, trái xấu ở các vườn rồi cũng để cho lên mộng, vô bầu, xanh tốt bán đi, bà con không biết mua về trồng không có kết quả.

Tôi hỏi ông Út Thưởng với một trăm dừa đem đi ươm hết thì được bao nhiêu trái ra giống chất lượng? Ông nói: “Chỉ khoảng 30% là ngon lành”. Theo kinh nghiệm của ông, nhìn lên mộng xanh tươi vậy nhưng không phải trái nào cũng cho ra cây tốt. Nhiều năm trồng dừa, theo dõi sự phát triển tự nhiên của mộng dừa, ông Út “có mắt” chọn dừa giống chắc ăn khi nhìn qua đám mộng mà tay ngang như tôi hoàn toàn không biết được. “Nhìn cái mộng nào bị dị tật, biến dạng, lên không đều hoặc lên đến 2 - 3 mộng/cây thì sẽ không trồng được. Mộng nào lên đều, đẹp, gốc đầy đặn, ngọn thon gọn, bẹ lá xòe đều không bị dị tật thì là giống tốt, cho năng suất cao”.

Tại các vườn dừa làm giống như vườn ông Út Thưởng, việc chọn giống, ươm giống được tiến hành rất kỹ càng. Đối với người nông dân trồng dừa, vấn đề giống rất quan trọng, chất lượng giống cũng được xem là yếu tố sống còn để khởi sự trồng trọt nói chung.

Người nông dân quê dừa ngày nay đã tiếp thu kiến thức chuyên môn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dừa. Nông nghiệp hữu cơ hiện đang là xu hướng phát triển trên thế giới, đánh dấu một bước chuyển về nhu cầu của con người từ sản xuất nhiều sang sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường.

Là vùng trồng dừa lớn nhất cả nước, cây dừa của Bến Tre cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhiều nông dân trong tỉnh đang chuyển bộ sang trồng dừa theo chuẩn hữu cơ để nâng chất lượng của dừa Bến Tre lên một tầng nấc cao hơn. Có chất lượng, đạt chuẩn chất, dừa hữu cơ của Bến Tre sẽ vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế và lẽ tất nhiên, được giá hơn, người nông dân hoàn toàn có lợi.

Tự tình với… dừa

“Cây dừa xài hết, chẳng bỏ thứ gì!” - người Bến Tre chúng tôi hầu như ai cũng biết và tự hào về loại cây đặc trưng của xứ sở. Từ lúc còn xanh tốt cho đến lúc lão rồi được đốn hạ, chẳng có thứ nào, bộ phận nào của dừa là bị bỏ phí. Điều này phải chăng xuất phát từ tính cách của chính người Bến Tre quê tôi - tiết kiệm, trân quý đến từng cọng chà, từng mo nang, từng miểng gáo dừa. Hay phải nói đó là biểu hiện rõ rệt nhất của tính sáng tạo vô cùng trong cuộc sống của người dân đất cù lao. Dừa ở đất Bến Tre, dừa gắn với người Bến Tre, dừa đi vào văn hóa quê tôi một cách cụ thể nhất, chân thật nhất. Từ ăn - mặc - ở đến thơ, ca, nhạc, họa, dừa luôn hiện diện. Đến lúc hóa thành than, dừa cũng còn công dụng, những mụn dừa nhỏ, xơ dừa vụn bỏ đi trở thành đất, thành phân hữu cơ nuôi cây giống lớn khỏe. Xơ dừa bé nhỏ được xe kết lại thành chỉ, rồi kết thành thảm, thành tranh, kể cả thành những chiếc nón nhiều màu sắc. Dừa hóa thân thành hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm mới, vật dụng mới, mà sản phẩm nào, vật dụng nào cũng hữu ích cho con người.

Tôi và các lão nông trong cuộc gặp mặt dưới tán dừa xanh hôm đó đã thử ngồi đếm xem có bao nhiêu món ăn ở Bến Tre có dừa trong đó. Chúng tôi thử kể ra công dụng của cây dừa từ chóp lá cho đến cọng rễ, cho đến các tinh chất giá trị nhất là dầu dừa. Chúng tôi kể về những nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về dầu dừa và mang ứng dụng vào ngành công nghệ hóa mỹ phẩm. Chúng tôi đã gặp những bạn trẻ xứ Dừa đang hàng ngày suy nghĩ, lao động và sáng tạo ra ngày càng nhiều hơn, phong phú hơn những sản phẩm từ dừa. Nhấp ngụm trà, lão nông Sáu Dân, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc nhìn lên những tàu dừa xanh đang xào xạc gió, nói: “Dân Bến Tre mình còn tiếp tục trồng dừa là còn tiếp tục sáng tạo, chừng đó thì dừa sẽ còn hóa thân thành trăm ngàn dạng nữa, kể hoài hổng hết…”.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN