Cây trái Tân Phú “cầm cự” mùa hạn mặn

11/03/2020 - 07:14

BDK - Xã Tân Phú, điểm trên cùng của huyện Châu Thành, nằm cách cửa sông chính hơn 70km, đang hứng chịu hạn mặn gay gắt nhất từ trước tới nay. Địa phương đã triển khai công tác dự báo xâm nhập mặn từ sớm, nhưng do mặn đến sớm hơn 1 tháng và độ mặn cao, vườn cây ăn trái (chủ yếu là sầu riêng, chôm chôm) hiện thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Bé ở Tổ 6, ấp Tân Qui đang bơm nước ngọt vào mương để tưới cho cây sầu riêng.

Ông Nguyễn Văn Bé ở Tổ 6, ấp Tân Qui đang bơm nước ngọt vào mương để tưới cho cây sầu riêng.

Hết nguồn nước dự trữ

Từ đầu mùa khô 2019-2020, nghe đài dự báo xâm nhập mặn sớm, ông Nguyễn Văn Bé ở Tổ 6, ấp Tân Qui liền vét mương, trải bạt trữ nước ngọt. Nhiều người trong xóm cười ông lo chi xa, bởi Tân Phú ở tuốt trên đầu cù lao. Ông vẫn làm. Bởi bài học cay đắng của đợt mặn 2016 và sự phán đoán của một lão nông kinh nghiệm cho ông biết là không thể chủ quan.

Ông Bé trải bạt trong 3 mương vườn, trữ được hơn 300m3 nước. Khi con nước qua kênh Mỹ Phú đo gần 1%o thì nguồn nước ngọt trữ từ sớm này là cứu cánh duy nhất cho vườn sầu riêng Ri6 gần 10 năm tuổi. Nằm ở điểm giao của hai nhánh sông Hàm Luông và sông Tiền, hiện độ mặn qua các điểm trên địa bàn xã Tân Phú, có nơi cao nhất ở mức 6,2%o, thấp nhất là 5%o. Nhờ có nguồn nước dự trữ, vườn sầu riêng của ông Bé vẫn còn cầm cự được. Ngoài ra, ông Bé còn dùng cỏ trong vườn và tìm mua thêm rơm cuộn để đậy gốc, hạn chế mất nước trong giai đoạn cây sầu riêng cực kỳ nhạy cảm.

“Dù có nước trữ sẵn nhưng tới nay, con trai tôi đã kêu thêm 2 sà lan chở nước ngọt về, tiếp tục bơm vào các mương vườn trải bạt để tưới cây. So với mọi năm, hiện 6 công sầu riêng đang ôm trái nhưng chưa thể nói trước được điều gì vì tình hình mặn xâm nhập khó lường, sơ sẩy là mất trắng”, ông Bé nói.

Hai bên quốc lộ 57B và khi đi sâu vào các ấp, dễ thấy nhiều vườn sầu riêng, chôm chôm đang khô cháy lá, đất trồng nứt nẻ vì đã lâu không có nước tưới. Thậm chí, nhiều vườn có đào ao trải bạt trữ nước nhưng những cái ao cũng đã cạn khô không còn nước. Phía giáp sông Hàm Luông đã vậy, khu vực ấp Tân Tây giáp với sông Tiền tình hình cũng không khá hơn bao nhiêu. Địa bàn Tổ 8, ấp Tân Tây nằm ngay sát bờ sông, ấy vậy mà chỉ có thể nhìn nước sông Tiền bị nhiễm mặn chứ không thể tưới. Con rạch Ba Rô được đầu tư hệ thống nắp cống để trữ ngọt cũng đã cạn đáy.

Cố gắng cầm cự

Những ngày qua, độ mặn có giảm nhưng chủ yếu trên sông Cổ Chiên. Do ảnh hưởng của gió chướng hoạt động mạnh kết hợp với kỳ triều cường nên độ mặn trên các sông Hàm Luông và Cửa Đại giảm rất ít. Bên cạnh đó, thời gian xuất hiện nguồn nước ngọt là rất ngắn, vào thời điểm chân triều nên khó để tiếp cận, lấy nước.

Việc đổi nước để tưới cho vườn cây ăn trái không phải dễ, cho dù người dân chấp nhận phải trả chi phí chuyên chở rất cao. Hiện các sà lan phải lên đến khu vực Mỹ Thuận, Vĩnh Long mới có nước ngọt chở về. Ông Bé nói: “Sà lan chở 100m3 nước kêu giá là 8 triệu đồng/chuyến nhưng không vào các vườn sâu được. Khi đó mình lại phải kêu sà lan nhỏ hơn hoặc thuê tàu nhỏ chở vào sâu trong các rạch rồi mới nối ống bơm ra vườn. Tàu nhỏ đi xa, tiền dầu, tiền công kêu tới 2 triệu đồng/chuyến 14m3. Nhà nào sâu nữa thì chỉ có xe hoa lâm chở từng khối nước đi tới nơi, giá gần 200 ngàn đồng/m3. Vậy mà, có người gọi điện thoại rồi đợi tới mấy ngày cũng không có ai chở nước vì nhu cầu nhiều”.

7 công sầu riêng R6 của hộ ông Ba Khanh, ở Tổ 8, ấp Tân Tây đã hết nước ngọt để tưới gần 1 tháng nay. Nhà giáp bờ sông Tiền, cách 2 - 3 ngày, ông lại phải gọi tàu nhỏ qua bờ bên kia để chở nước từ các sà lan về tưới cầm chừng. Vườn bên cạnh của người anh ông Ba Khanh còn tiêu điều hơn, những cây sầu riêng chết khô, cháy lá, trên cành còn treo trái non chưa kịp rụng. Chỉ vào cái ao trải bạt đang được bơm nước, ông Ba Khanh nói: “Mới có mấy ngày mà phèn đóng vàng tươi. Ở vườn này, chúng tôi đào thêm giếng cỡ 70m để bơm nước lên nhưng phải xử lý thêm mới tưới cây được…”.

“Thất bại năm 2016 nên tôi làm cho năm nay. Nhưng lần này làm cũng không ưng ý vì trong quá trình trữ vẫn còn bị thất thoát, bị hôi nước, tôi sẽ lại rút kinh nghiệm cho năm tới. Người dân thì mong sao chính quyền, nhà nước đầu tư để hoàn thiện khép kín các hệ thống cống trên địa bàn trong thời gian tới. Còn bây giờ thì cố gắng cầm cự, trông mau tới trời mưa”, ông Nguyễn Văn Bé nói.

Theo dự báo của ngành chức năng, từ nay đến ngày 15-3-2020, tình hình xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến gay gắt. Mặn xâm nhập sâu và ở mức cao hơn so với đợt mặn tháng 2-2020 và đợt mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016, có thể kéo dài đến tháng 4-2020.

Hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp, địa phương tiếp tục nỗ lực ứng phó với hạn mặn. Đồng thời, tích cực kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cứu trợ, hỗ trợ nước uống, vận chuyển nước ngọt từ thượng nguồn, hỗ trợ dụng cụ trữ nước và tăng cường vận hành hết công suất các nhà máy lọc RO để phục vụ nhân dân.  

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN