Châu Thành phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực

24/06/2020 - 06:52

BDK - Huyện Châu Thành có 4 chuỗi giá trị nông sản chủ lực chính là heo, dừa, chôm chôm và bưởi da xanh. Đến nay, huyện phát triển 82 tổ hợp tác (THT), 11 hợp tác xã (HTX), làm nền tảng để hình thành, phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực và hướng đến phát triển du lịch xanh trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Đoàn làm việc Dự án IFAD Trung ương tại Tổ hợp tác phụ nữ trồng sầu riêng VietGAP, ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành.

Đoàn làm việc Dự án IFAD Trung ương tại Tổ hợp tác phụ nữ trồng sầu riêng VietGAP, ấp Hàm Luông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành.

Tìm đầu ra cho nông sản

Châu Thành hiện có 7.270ha/7.830ha đất trồng cây ăn trái đang cho thu hoạch, sản lượng ước khoảng 80 ngàn tấn. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, hộ dân đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của huyện. Huyện hỗ trợ HTX bưởi da xanh Quới Sơn phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam chứng nhận VietGAP đợt 1, với 31,8ha; hoàn tất chứng nhận VietGAP cho THT bưởi da xanh Tường Thọ, xã Tường Đa, với diện tích 15ha và HTX bưởi da xanh VietGAP Giao Long với diện tích 30ha. Huyện phối hợp với Tổ chức VCED hỗ trợ HTX bưởi da xanh Bến Tre hoạt động.

Hầu hết các HTX, THT bước đầu hoạt động có hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cần thiết tham gia mô hình kinh tế tập thể, nhằm tận dụng các lợi thế về sản xuất tập trung, đồng bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào và ổn định đầu ra sản phẩm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Hữu Thiết cho biết: “Phát triển các HTX, THT là nền tảng xây dựng chuỗi giá trị. Phát triển nông nghiệp gắn liền với du lịch sinh thái. Việc xây dựng chuỗi thời gian qua khó khăn do nông dân còn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm; giá cả bấp bênh; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ (bình quân mỗi hộ khoảng 2.000 - 3.000m2)... gây khó khăn cho việc đồng bộ sản xuất theo tiêu chuẩn sạch”.

“Yêu cầu đặt ra là cần HTX có năng lực hoạt động mạnh để liên kết đầu vào, đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, bộ máy hoạt động của các HTX chưa đạt yêu cầu (do cơ cấu trong bộ máy hầu hết là nông dân, chưa quen điều hành bộ máy HTX kiểu mới, kết nối thị trường để giải quyết đầu ra). Để khắc phục hạn chế này, các HTX cần tạo mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN)”, ông Nguyễn Hữu Thiết nhấn mạnh.

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) hiện là DN mới của địa phương và rất quan tâm việc liên kết tiêu thụ, phát triển sản phẩm VietGAP của huyện như bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng… “Công ty đang muốn đầu tư sản xuất trái bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ. Không cần tăng sản lượng mà nên chuẩn hóa tiêu chuẩn, kỹ thuật để tăng giá trị cao gấp nhiều lần so với thị trường. Công ty đang cần nhiều mặt hàng trái cây sau chế biến như hàng sấy, bánh, kẹo, mứt từ trái cây để hướng đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng”, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Vạn Lợi Phan Thanh Bút cho hay.

Phát triển chuỗi giá trị

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Hữu Thiết cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn kéo dài. Một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực bị thay thế sang các loại cây trồng mới. Trong 6 tháng cuối năm 2020, huyện tập trung chuyển đổi diện tích đất trồng màu sang trồng dừa, bưởi; tập trung công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân chăm sóc cho cây trồng giai đoạn hạn mặn và các giải pháp giúp cây trồng phục hồi. Triển khai các mô hình xây dựng, mở rộng chứng nhận GlobalGAP, VietGAP trên cây trồng; kế hoạch khuyến nông và kế hoạch sinh kế thoát nghèo năm 2020; tổ chức chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu.

Tại buổi khảo sát để chuẩn bị triển khai Dự án IFAD giai đoạn 3 tại địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Châu Thành, đoàn làm việc của dự án đánh giá cao về ý tưởng, kế hoạch của huyện, cũng như ý tưởng liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản của DN ngành nông nghiệp. Đoàn làm việc khẳng định đây là 1 ý tưởng được Dự án IFAD rất quan tâm và mong muốn đưa vào khung thiết kế để triển khai trong giai đoạn mới.

Đoàn làm việc của Dự án IFAD cho biết sẽ ghi nhận yêu cầu DN về nhu cầu có nguồn hàng ổn định, chất lượng tốt, mở thêm cửa hàng trái cây sạch và sẽ có hướng thiết kế mô hình, tiến hành làm việc với các ngân hàng, hỗ trợ cho DN ngành nông sản kết nối, giúp phát triển nông nghiệp huyện Châu Thành. Đặc biệt, dự án sẽ tập trung nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ cho phát triển nông nghiệp huyện.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN