Chủ tịch Tôn Ðức Thắng qua ký ức của nhà báo Chí Nhân

19/08/2019 - 06:48

BDK - Là người vinh dự đã từng được gặp gỡ Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhà báo lão thành Lê Chí Nhân xem đó là những ký ức đẹp đáng nhớ trong cuộc đời mình. Kỷ niệm trong ông ùa về khi gợi nhớ nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Bác Tôn (20-8-1888 - 20-8-2019).

Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng Ban Thường vụ Khu ủy Nam bộ. Ảnh tư liệu nhà báo Chí Nhân cung cấp

Chủ tịch Tôn Đức Thắng cùng Ban Thường vụ Khu ủy Nam bộ. Ảnh tư liệu nhà báo Chí Nhân cung cấp

Ký ức ngày gặp gỡ

Ở tuổi 90, nhà báo Lê Chí Nhân đã có 71 năm tuổi Đảng, 72 năm tuổi nghề báo, 17 năm là thành viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam (1963 - 1980). Ông được tặng thưởng Huân chương danh dự của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) năm 1971. Ông từng là Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu 8 phụ trách Báo Giải phóng Trung Nam Bộ. Ông là người đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực báo chí tỉnh nhà, giới báo chí trong tỉnh vẫn trìu mến gọi ông là “ông Tư Chí Nhân”.

Trong quá trình công tác, vào thời gian tháng 5-1975, Ban Tuyên huấn Khu phân công ông và ông Đoàn Tứ phụ trách công tác tuyên truyền của Ban Quân quản TP. Mỹ Tho. Cũng từ đây, ông đã có dịp gặp gỡ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong một chuyến Bác Tôn về làm việc tại TP. Mỹ Tho.

Cứ ngỡ tuổi tác và thời gian có thể sẽ làm phai nhạt đi đôi điều trong những chuyện đã qua, nhưng với chuyện được gặp Bác Tôn thì Nhà báo Chí Nhân vẫn giữ nguyên trong trí nhớ. Ông nhớ rất rõ đó là lúc 8 giờ 45 phút, ngày 7-11-1975, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đặt chân đến TP. Mỹ Tho. Ông kể, Bác Tôn xuất hiện tươi cười trong bộ quần áo kaki đơn giản, chiếc nón cối xám che lấy mái tóc bạc phơ đầy sương gió. Trông Bác Tôn vẫn rất khỏe khoắn, gương mặt hồng hào, dáng đi khoan thai, giọng nói chậm rãi, từng tiếng, chắc, rõ ràng. Rồi Bác Tôn niềm nở đến bắt tay các đồng chí Thường vụ Khu ủy. Các cháu thiếu nhi khăn quàng đỏ thắm tung tăng chạy đến dâng bác những đóa hoa tươi thắm, Bác Tôn tươi cười nhận hoa và ôm các cháu vào lòng đầy trìu mến.

“Cảm xúc của tôi là mừng vui khôn xiết. Suốt cuộc đời chiến đấu, giây phút ấy, tôi cảm thấy thật toại nguyện vì nay đã được gặp Bác Tôn, trong không khí vui tươi ngày đất nước được độc lập và thống nhất”, ông Tư bồi hồi nhớ lại. Ông còn nhớ rõ lịch trình ngày Bác Tôn về thăm Khu 8, dù chỉ vỏn vẹn một ngày nhưng đã để lại biết bao tình cảm yêu thương của cán bộ, đồng bào được gặp gỡ. Bác  Tôn gặp gỡ thăm hỏi đại biểu toàn Khu 8 với hơn 250 cán bộ, chiến sĩ đại diện cho hơn 3 triệu quân, dân Đồng Tháp, Cửu Long hội tụ về. Cuộc gặp gỡ đầy xúc động mà theo ông Tư, khi ấy, nếu không có những hàng ghế, nếu không cần phải giữ gìn trật tự thì tất cả đã ùa đến ôm chầm lấy Bác và hôn Bác. Trong ánh mắt của hầu hết những người tham dự đều đong đầy xúc động, ngấn lệ niềm vui ngày gặp Bác Tôn.

Lời Bác Tôn còn mãi

Thời gian đã xa nhưng với ông Tư, từng lời Bác Tôn gửi lại mãi còn ghi dấu trong tim ông và nhiều cán bộ, chiến sĩ khi ấy. Ông đã ghi chép cẩn thận từng lời của Bác Tôn để làm tư liệu về sau. Bởi theo ông, đó là tất cả tình cảm mà Bác Tôn gửi gắm cho những thế hệ kế tiếp, thân thương, gần gũi nhưng chứa đầy tâm huyết và kỳ vọng. Bác Tôn đã nói: “Sau bao nhiêu năm xa cách, hôm nay về Mỹ Tho thăm đồng bào, đồng bào Khu 8 anh hùng, trong lúc nhân dân ta đã làm chủ toàn bộ đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà, tôi rất sung sướng và cảm thấy mình như trẻ lại”. Chủ tịch Tôn Đức Thắng lúc này đã ở tuổi 88.

Rồi Bác Tôn bày tỏ niềm thiết tha: “Tôi mong đồng bào, cán bộ và chiến sĩ Khu 8 hãy kiên cường đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn ra sức thi đua yêu nước, đem hết sức lực và trí tuệ khai thác mọi nguồn tài nguyên phong phú của đồng bằng Cửu Long, xây dựng làng xóm tươi đẹp, vững mạnh về mọi mặt, cùng đồng bào cả nước tạo ra một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc ta”. Còn với đội ngũ cán bộ, đảng viên, Bác Tôn mong mỏi: “Tôi cũng mong các đồng chí đảng viên và cán bộ hãy thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ra sức học tập để nâng cao năng lực lãnh đạo, là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, như Bác Hồ kính yêu đã dặn”.

Ông Tư Chí Nhân bồi hồi nhớ về khoảnh khắc ấy, ông kể, cả hội trường, từng đồng chí như nuốt trọn vẹn từng câu, từng chữ, từng ý của Bác Tôn. 696 chữ trong bài nói chuyện của Bác Tôn thật ngắn gọn nhưng đầy đủ, chứa chan tình cảm của vị cha già đối với các con, cháu thân yêu. Đồng chí An - Bí thư Khu ủy đã xúc động thưa chuyện với Bác Tôn, rằng xin được nhân danh là con cháu của Bác Tôn bày tỏ lòng yêu mến tha thiết đối với người cha đôn hậu, đã suốt đời mình chiến đấu không mệt mỏi cho lý tưởng cao đẹp để lại hạnh phúc đời đời cho con cháu. Đồng chí An dứt lời, cả hội trường vỗ tay vang dậy đồng tình với nhận định ấy.

 Bác Tôn rời vị trí, xuống bắt tay các vị lão thành cách mạng, các nhân sĩ, tôn giáo yêu nước, các anh hùng quân đội, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong toàn Khu 8 và cả các cháu thiếu nhi. Tất cả đều lưu luyến không muốn rời Bác. Trước khi rời đi, Bác Tôn còn gửi gắm: “Đồng bào yêu thương mà tương trợ lẫn nhau để cùng nhau no ấm”. Ông Tư Chí Nhân nhấn mạnh, chỉ có tình cảm của người cha, người lãnh tụ thật sự của nhân dân mới có một cái tình đơn giản, thiết thực và đong đầy đến thế. Những lời dặn dò của Bác Tôn cũng chính là lời của Trung ương Đảng, của Chính phủ đối với tất cả đồng bào, đồng chí, quý báu và giá trị vô cùng. Cuộc viếng thăm của Bác Tôn với đại biểu Đảng, quân, dân Khu 8 kết thúc lúc 17 giờ 45 phút cùng ngày.

Tôn kính Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà báo Chí Nhân không chỉ khắc ghi những kỷ niệm về Bác Tôn trong tâm trí mình mà còn ghi chép những lời Bác dạy, sưu tầm một số tư liệu, ảnh về Bác Tôn, được lưu giữ cẩn thận trong tủ sách của ông và giới thiệu khi cần đến.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bác Tôn không chỉ là nhà cách mạng yêu nước, mà còn là người chiến sĩ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Bác Tôn từng bị kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo. Sau hơn 15 năm bị tù đày Côn Đảo, năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, Bác Tôn trở về đất liền tham gia Ủy ban Kháng chiến miền Nam. Bác Tôn trải qua nhiều vị trí quan trọng, đến năm 1969 là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1976 là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Bác qua đời ngày 30-3-1980 tại Hà Nội.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN