Chuyến vượt sông Hàm Luông nhớ đời

18/10/2019 - 07:26

BDK - Những năm tháng về công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy, tôi đã từng nhiều lần “vào sanh ra tử” và cũng đã từng vượt sông Hàm Luông về Minh qua Bảo bao nhiêu lần không thể nhớ hết, nhưng chỉ có một chuyến đặc biệt mà tôi nhớ suốt đời không bao giờ quên.

Đồng chí Phạm Văn Trừ - Sáu Bình và đồng chí Võ Văn Phụ - Mười Sinh.

Đồng chí Phạm Văn Trừ - Sáu Bình và đồng chí Võ Văn Phụ - Mười Sinh.

Nhận nhiệm vụ

Đó là vào đầu năm 1968 dương lịch, tức là gần cuối năm 1967 âm lịch. Thời điểm này, khí thế của cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân đang hừng hực trên toàn tỉnh, đang háo hức chờ mật lệnh “giờ G”, mở đầu cho cuộc tiến công. Tôi công tác tại Đội Bảo vệ Văn phòng Tỉnh ủy, đang đóng tại địa bàn xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm. Trưa 27-1-1968 (26-12-1967 âm lịch), tôi được đồng chí Ba Thành - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy gọi đến giao nhiệm vụ đột xuất. Tôi hồi hộp không biết được giao việc gì đây. Đến nơi, tôi thấy ngoài đồng chí Ba Thành còn có chú Mười Sinh - trước đây là Chánh Văn phòng đã được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy và sang công tác khác. Đồng chí Ba Thành giao nhiệm vụ ngắn gọn:

- Văn phòng Tỉnh ủy phân công đồng chí làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Mười Sinh, cùng gấp rút vượt sông Hàm Luông, sang công tác bên cù lao Minh, xong nhiệm vụ sẽ về lại Văn phòng. Bình có đề nghị gì không?

- Dạ cháu xin chấp hành!

Tôi phấn khởi nhận nhiệm vụ, vì đây cũng là dịp tốt để có thể được ghé thăm nhà. Nhà tôi ở xã Bình Khánh, đã lâu không về. Chú Mười Sinh dặn dò tôi mang theo đồ đạc thật gọn nhẹ và sắp xếp cùng chú đi ngay ra trạm giao liên, đang đóng tại xã Thạnh Phú Đông.

Ở trạm giao liên đến chiều, sau khi qua cồn Ốc, chờ mãi đến hơn 20 giờ đêm giao liên vẫn không nhận được tín hiệu an toàn để vượt sông. Các đồng chí ở trạm cho biết, từ khi ta đánh chìm tiểu pháo hạm của Mỹ (ngày 24-11-1967) đến nay, địch tăng cường tuần tra suốt đêm trên sông, gây trở ngại không ít cho đường dây, rất nhiều chuyến vượt sông phải hủy. Lần này cũng vậy, đoàn khách qua sông khoảng gần 20 người đành phải quay trở về. Đã dự đoán tình huống này có thể xảy ra, chú Mười Sinh đã bàn bạc trước, giao liên đã mượn của dân một chiếc ghe máy để tôi và chú sẽ tự lực qua sông.

Chiếc ghe 9 lá, máy Kole 4, tuy hơi ngắn đòn, khó lái, nhưng nhảy sóng rất tốt, rất tiện cho việc vượt qua sông lớn. Cả ghe và máy đều còn mới. Tôi và chú Mười Sinh thử máy chạy tốt, bình xăng còn đầy, nhưng chú Mười mượn thêm 2 lít nữa dự phòng. Trên ghe còn khoảng vài ba chục dừa khô và mấy buồng chuối chưa đưa lên bờ, chú Mười đề nghị chủ ghe giữ y dừa, chuối, mượn chở theo ghe luôn.

Mưu trí vượt sông an toàn

Dự kiến tình huống địch sơ hở, mất cảnh giác nhất là vào sáng sớm. Ém ngủ lại đêm ở cồn. Khi tiếng gà gáy dồn dập, báo hiệu bắt đầu một ngày mới. Chú Mười quyết định ra sông. Chú ngồi lái, tôi ngồi mũi, cả 2 đều mặc đồ bà ba, đầu choàng hầu khăn, đội nón lá, ở xa trông như 2 phụ nữ, bơi ghe ra tới sông lớn, ẩn dưới tán lá dừa nước ven bờ, căng mắt quan sát từ mọi phía trên sông. Tất cả đều yên tĩnh. Trời sáng dần, bắt đầu có tiếng còi của vài ba chiếc đò máy chở khách xuôi lên chợ Bến Tre và tiếng máy ghe đuôi tôm của dân bắt đầu hoạt động.

- Mình đi được rồi! Nhớ phải hết sức bình tĩnh. Không được run sợ hoặc nổ súng khi còn giữ được thế hợp pháp.

Chú Mười dặn dò lần cuối. Tôi thầm nghĩ: “Lần này sống chết đây!”. Nhưng tuyệt nhiên thấy mình rất bình tĩnh, tôi quay lại cẩn thận đậy kín lần nữa khẩu AK đang để phía tay mặt, sau lưng, đã lên đạn, mở khóa sẵn.

Chú Mười giựt máy, lên ga lái băng qua sông, nhưng chếch về hướng thị xã. Thỉnh thoảng có vài chiếc ghe máy khác chạy qua mặt, chú không tăng hết ga mà vừa chạy từ từ vừa quan sát. Qua được khoảng gần 1/3 sông, bỗng từ phía vàm, chưa rõ là ghe, thuyền gì, rẽ sóng chạy như bay, cùng hướng về chợ Bến Tre. Chỉ độ hơn phút sau, cả tôi và chú Mười mới thấy rõ là 3 chiếc hobo của Mỹ, đang lướt rất nhanh, theo đội hình tam giác, một chiếc chạy trước, hai chiếc chạy sau.

Chú Mười nói to, để tôi nghe rõ: “Bình tĩnh nghen!”. Đồng thời, chú bẻ lái xuôi về hướng thị xã, như ghe chạy lên chợ. Ba chiếc hobo lướt qua thật nhanh, tôi nhìn thấy rất rõ thằng Mỹ đầu đội nón sắt, ngồi bên khẩu đại liên 60, ở chiếc hobo gần nhất. Hình như nó nhìn thấy trên ghe chỉ có dừa, chuối và 2 người “đàn bà” nên cũng không quan tâm gì chiếc ghe của tôi và chú Mười, cũng không thèm bớt ga cho sóng nhỏ lại. Chiếc hobo cuối cùng vừa qua, đợt sóng thứ nhất đánh ập vào, chiếc ghe chúng tôi muốn như lật sấp, nước tràn vào ào ào. Phản ứng tự nhiên, tay tôi ghì chặt vào then ghe, nếu không có thể đã bị hất xuống sông. Chú Mười bình tĩnh lái ngoặt ghe ra giữa sông, cho mũi ghe đương đầu với các con sóng đang tới tấp ập vào. Nhờ vậy, chiếc ghe dù bị tưng lên, hụp xuống nhảy sóng dồn dập, nước văng lên tung tóe, nhưng không bị lật chìm.

 Thật là may mắn vì đã qua mặt được bọn lính Mỹ, nhưng cũng hú hồn thoát nạn chìm xuồng vì thói lái hobo du côn, bất chấp mạng người của bọn lính Mỹ. Tôi tát nước ghe, chú Mười theo đà đó tăng ga, lái băng thẳng qua sông. Không đầy 10 phút sau, ghe qua đến bờ sông, thuộc xã Bình Khánh (Mỏ Cày), chú Mười giảm ga chậm lại tìm con sông hoặc xẻo gần nhất để lên bờ.

Tìm được con xẻo, vào neo đậu ghe xong, chúng tôi nhận định đây là địa phận ấp Phước Tân (Bình Khánh). Dò hỏi thăm dân trên đường, chúng tôi đến nhà chú Sáu Huấn (nguyên là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, hiện cũng đang công tác ở Giồng Trôm). Đã lâu rồi, nay mới gặp lại, thiếm Sáu Huấn hết sức vui mừng, nài ép chú Mười và tôi ở lại ăn cơm. Chú Mười từ chối, vì phải đi gấp. Chú nói rõ mục đích ghé là để nhờ thiếm Sáu mượn người đem trả chiếc ghe máy về cồn Ốc. Thiếm Sáu lãnh chiếc ghe và hứa sẽ lo có người đem ghe trả liền.

Mật lệnh khẩn cấp “giờ G”

Từ giã thiếm Sáu, chú Mười và tôi khẩn trương băng qua ấp Phước Điền, đến ấp An Thạnh, ghé nhà bà Hai Cúc, cũng là nơi Văn phòng Tỉnh ủy đã từng ở, để nhờ đưa xuồng qua sông Kinh (sông cầu An Bình) để đi qua An Định đến nhà mẹ Hai ở Ấp A1 (ấp Phú Lộc Thượng), địa điểm chú Mười được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ đến gặp và làm việc với 3 đồng chí Bí thư Huyện ủy cù lao Minh mà Tỉnh ủy đã điện báo trước. Trong lúc chờ ghe đi đổ đáy về, bà Hai đã nấu cơm, bắt 2 chú cháu phải ăn no rồi mới đi.

Đến nhà mẹ Hai, chú Mười hết sức vui mừng vì đã có đồng chí Nguyễn Văn Tư (Sĩ Phong) - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày đến chờ từ sáng, đồng chí Đặng Quang Ngọc (Ba Hội) - Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú vừa mới đến. Tuy nhiên, cũng rất băn khoăn lo lắng không biết vì sao đồng chí Lê Minh Long (Năm Nhứt) - Bí thư Huyện ủy Chợ Lách vẫn chưa có mặt. Chú Mười bảo tôi tranh thủ nằm nghỉ lấy sức để có thể đi tiếp lên Chợ Lách, nếu khi làm việc với đồng chí Sĩ Phong và Ba Hội xong mà Năm Nhứt vẫn chưa tới.

Vậy là, sau khi làm việc xong, đồng chí Năm Nhứt vẫn chưa thấy đến. Tôi cùng chú Mười lại tức tốc qua An Thới, lên An Thạnh, qua bến đò Thom, lên Khánh Thạnh Tân, đến Hưng Khánh Trung thì trời đã tối và cũng đã tìm gặp được đồng chí Thế Trung - Chánh Văn phòng và Văn phòng Huyện ủy Chợ Lách đang ở đây. Văn phòng đã được điện của Tỉnh ủy, nhưng đồng chí Năm Nhứt đang công tác các xã phía cánh trên, bị kẹt đường chưa về được. Chú Mười Sinh triển khai ngay chỉ đạo của Tỉnh ủy cho đồng chí Thế Trung. Đồng thời, chỉ đạo đồng chí bằng mọi giá phải gọi đồng chí Năm Nhứt về và truyền đạt ngay chỉ đạo của Tỉnh ủy.        

Sáng sớm hôm sau, chú Mười Sinh cùng tôi tức tốc về Văn phòng Huyện ủy Mỏ Cày. Bây giờ tôi mới biết, chú Mười được giao nhiệm vụ ở lại chỉ đạo cuộc tiến công tại huyện Mỏ Cày. Hai ngày sau, vào đêm 29 rạng 30-1-1968 (tức mùng 1 rạng mùng 2 Tết âm lịch), các huyện cù lao Minh cùng toàn tỉnh đồng loạt nổ súng, mở đầu cho cuộc nổi dậy tổng tiến công long trời lở đất Xuân Mậu Thân 1968. Bây giờ tôi mới biết mục đích chuyến vượt sông gấp rút, đầy mạo hiểm của chú Mười Sinh và tôi mấy hôm trước, là để chú Mười kịp truyền mật lệnh khẩn cấp “giờ G” đồng loạt tổng tấn công địch trên toàn tỉnh của Tỉnh ủy cho các huyện cù lao Minh. Đúng là một chuyến vượt sông nhớ đời, trong cuộc đời công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy của tôi.

(Ghi lại theo lời kể của đồng chí Phạm Văn Trừ (Sáu Bình) - nguyên cán bộ bảo vệ Văn phòng Tỉnh ủy)

Vũ Hồng Thanh - Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN