Cô gái 9X khởi nghiệp với thương hiệu “3NC”

15/11/2019 - 13:21

BDK - Tốt nghiệp thạc sĩ luật kinh tế năm 2015, cô gái trẻ thế hệ 9x Nguyễn Thị Ngọc Như (quê xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) đã mạnh dạn sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm từ dừa với nhãn hiệu 3NC.

Mỹ phẩm Thiên dừa 3NC tại Lễ hội Dừa.

Mỹ phẩm Thiên dừa 3NC tại Lễ hội Dừa.

Nguyễn Thị Ngọc Như nhớ lại, giữa năm 2016, thời điểm tỉnh phát động Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển DN, Như bắt đầu KN với kinh doanh mỹ phẩm từ dừa. Son môi dừa là sản phẩm đầu tay mang nhãn hiệu 3NC. Sản phẩm đã được nhiều lời khen từ khách hàng là động lực để Như bước tiếp. Đồng thời, xác định sản phẩm KN từ dừa, cách thức kinh doanh bằng thương mại điện tử là phù hợp và đúng đắn.

Dự án KN này từng “lấy điểm” của ban giám khảo tại cuộc thi KN do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN TP. Hồ Chí Minh (BSA) tổ chức năm 2017 bởi cách xây dựng mạng lưới kinh doanh trong và ngoài tỉnh thông qua phát huy thế mạnh của kênh thương mại điện tử. “Ban đầu, tôi quan tâm đến những khách hàng thân thiết và tín nhiệm sản phẩm của mình để mời họ kinh doanh thêm. Với sự quyết liệt phát triển thương mại theo cách này, từ khi KN đến nay, tôi đã xây dựng mạng lưới rộng khắp với trên 400 bạn cùng tham gia. Tiêu thụ trên 10 ngàn sản phẩm/tháng, với 23 loại mỹ phẩm từ dầu dừa, trong đó có nhiều sản phẩm mới như dầu gội bồ kết trong gáo dừa, son môi dừa với vỏ son gỗ dừa thân thiện môi trường, mặt nạ dừa 3NC. Các sản phẩm 3NC hiện có bán trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo” - Ngọc Như kể.

Ngoài việc chọn nguyên liệu chính từ nguyên liệu dừa thiên nhiên để sản xuất, 3NC mạnh dạn cải tiến mẫu mã sản phẩm bằng cách thay bao bì, túi đựng nhựa, kim loại truyền thống bằng việc sử dụng vỏ son ốp gỗ, túi đựng bằng lá dừa và hộp mỹ phẩm bằng gỗ dừa, vừa khai thác được tài nguyên bản địa, vừa gần gũi, thân thiện môi trường.

 “Bài học kinh nghiệm cho Như qua cuộc thi năm nay là cần xác định lại về đối tượng người tiêu dùng cho phù hợp. Bên cạnh sản phẩm tốt thì mô hình kinh doanh phải càng tốt mới có thể đứng vững trên thị trường” - Như nói. Nhìn lại quá trình KN, trong khi nhiều bạn trẻ quan trọng việc làm thế nào để được tiếp cận nhiều nguồn vốn thì Như cho rằng, điều quan trọng nhất là làm gì để bán được hàng, thương mại hóa sản phẩm thành công để có thể thu hồi vốn và lợi nhuận. Từ đó, tái đầu tư, tiếp tục cải thiện sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, với tư duy kinh doanh mang tính nhân văn, Như mong muốn với mô hình kinh doanh của mình có thể tạo ra hàng ngàn việc làm cho cộng đồng, cơ hội KN cho thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh, cũng như những phụ nữ luôn ưu tiên thời gian cho việc chăm sóc gia đình có thể kiếm thêm thu nhập.

Sản phẩm của Nguyễn Thị Ngọc Như tham gia trưng bày tại không gian triển lãm các sản phẩm dừa năm 2019. Như chia sẻ: “Đến với Lễ hội Dừa, tôi mong muốn giới thiệu sản phẩm, ghi nhận ý kiến của người tiêu dùng trong và ngoài nước để tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh hơn nữa; đồng thời phát triển mạng lưới kinh doanh trong và ngoài tỉnh”.

Tại cuộc thi KN cấp khu vực do BSA tổ chức tại tỉnh, dự án của Ngọc Như đã được Ban giám khảo chọn để đi tiếp vào vòng chung kết (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11-2019) bởi các tính mới, sáng tạo trong mô hình kinh doanh. Dự án được Ban giám khảo “tâm đắc” và tiếp tục đóng góp để 3NC từng bước hoàn thiện mô hình, giúp dự án triển khai khả thi và phát triển.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích