Công tác bổ trợ tư pháp đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân

16/09/2019 - 13:41

BDK.VN - Để phát triển đội ngũ luật sư (LS) và tổ chức hành nghề LS trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề LS đến năm 2020 của Bộ Tư pháp, từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp phối hợp với Học viện Tư pháp tổ chức 2 lớp đào tạo nghề LS trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 20 tổ chức hành nghề LS (18 văn phòng LS và 2 công ty luật), 9 chi nhánh tổ chức hành nghề LS, 12 văn phòng giao dịch; 7 LS hành nghề với tư cách cá nhân; 46 LS chính thức.

Trung tâm Hỗ trợ pháp lý nhà nước ngày càng nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người dân.

Trung tâm Hỗ trợ pháp lý nhà nước ngày càng nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người dân.

Nâng chất đội ngũ luật sư

Thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của LS, Chi bộ Đoàn LS được thành lập vào tháng 1-2010 trực thuộc Đảng bộ Sở Tư pháp. Đến nay, Chi bộ Đoàn LS có 8 đảng viên là các LS thành viên của Đoàn LS tỉnh (trong đó có 1 bí thư, 1 phó bí thư và 1 chi ủy viên; Chủ nhiệm Đoàn LS hiện là Bí thư Chi bộ, Đảng ủy viên Đảng bộ Sở Tư pháp). Thời gian qua, Chi bộ Đoàn LS đã lãnh đạo Đoàn LS trong hoạt động của đoàn và LS thành viên thông qua việc ban hành các nghị quyết hàng năm, hàng tháng để lãnh đạo, định hướng hoạt động của đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh theo nghị quyết của cấp ủy cấp trên, quy định của pháp luật và Điều lệ Liên đoàn LS Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ LS, nên đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh xác định rõ hơn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong hoạt động nghề nghiệp.

Công tác quản lý nhà nước về LS và hành nghề LS trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm và chú trọng thực hiện. Cụ thể, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho Đoàn LS tỉnh hoạt động và phát triển, UBND tỉnh bố trí trụ sở hoạt động của đoàn; đồng thời, hỗ trợ một phần kinh phí để chi lương nhân viên văn phòng, phụ cấp trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng thi đua khen thưởng và hỗ trợ kinh phí để tổ chức và tham gia các kỳ đại hội LS. Phần lớn đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của LS, có ý thức, đạo đức và trách nhiệm trong quá trình hành nghề.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được quan tâm và thực hiện hàng năm. Qua kiểm tra cho thấy, các tổ chức hành nghề LS chấp hành tốt các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp khi hành nghề. Số lượng đội ngũ LS, tổ chức hành nghề LS trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức hành nghề; có nhận thức, bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh, khả năng về ngoại ngữ, am hiểu tập quán thương mại quốc tế còn hạn chế.

Công tác bổ trợ tư pháp

Ngày 5-2-2018, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 229/QĐ-BTP phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại tỉnh Bến Tre. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 Văn phòng Thừa phát lại với 2 thừa phát lại đang hành nghề.

Hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả theo Chỉ thị số 1958/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” của tỉnh. Thành viên trong BCĐ là lãnh đạo của các sở, ban, ngành tỉnh, BCĐ thường xuyên được củng cố, kiện toàn để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hàng năm, căn cứ trên kế hoạch thực hiện Đề án của UBND tỉnh, BCĐ đều ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện và tiến hành đánh giá kết quả hoạt động; kịp thời quán triệt những chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về hoạt động giám định tư pháp, đưa ra các giải pháp để thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, góp phần nâng cao công tác quản lý hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh thời gian qua được quan tâm và chú trọng thực hiện có hiệu quả Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, đã tổ chức hội nghị để triển khai, quán triệt đến các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức tín dụng, UBND các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện; đảm bảo quán triệt đầy đủ các nội dung theo quy định. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa hoạt động công chứng cũng được quan tâm thực hiện và đạt được kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh được UBND chỉ đạo thực hiện thông qua việc ban hành các kế hạch tổ chức hội nghị triển khai, công văn hướng dẫn; cử cá nhân, tổ chức có liên quan tham gia các lớp triển khai, tập huấn, bồi dưỡng của bộ, ngành Trung ương, đảm bảo triển khai, quán triệt đầy đủ các nội dung về trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định đến các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Đồng thời, triển khai và thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025, chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của công chức, viên chức Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh theo hướng tinh gọn, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu trợ giúp pháp lý tại địa phương. Từ đó, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh được thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng theo quy định của pháp luật.                                                                           

Bài, ảnh: Đình Hiếu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN