Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre góp ý Luật Tố cáo (sửa đổi)

24/05/2018 - 19:00

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy góp ý dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay 24-5-2018, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Trưởng Đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh đã có ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật:

Về bảo vệ người tố cáo tại Chương VI, đại biểu cho rằng: Để luật khả thi trong điều kiện ngân sách và nhân lực hiện nay, cần chi tiết hóa và cụ thể hóa các điều khoản. Theo đó, Khoản 1 liệt kê những người được bảo vệ bao gồm người tố cáo và người thân thích của người được tố cáo được xác định cụ thể căn cứ vào quy định về những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị QH cân nhắc thêm ý kiến của nhiều ĐBQH về việc không nên thu hẹp hoặc giới hạn đối tượng bảo vệ, thậm chí mở rộng hơn đối tượng bảo vệ nhằm khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường bảo vệ người tố cáo.

Về “rút tố cáo” (Điều 33), đại biểu tán thành với quy định người tố cáo có quyền rút tố cáo trước khi có kết luận tố cáo, kèm theo 2 điều kiện đó là: việc rút tố cáo không chấm dứt trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xem xét, xác minh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo và việc rút tố cáo không loại trừ trách nhiệm của người cố ý tố cáo sai sự thật. Với điều kiện này sẽ khắc phục được trường hợp người tố cáo rút đơn tố cáo do bị dụ dỗ, mua chuộc tố cáo hoặc rút tố cáo để trốn tránh trách nhiệm tố cáo sai sự thật gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đề nghị bổ sung thêm trường hợp người bị tố cáo biết rõ người tố cáo mình sai sự thật. Nhưng người bị tố cáo tự nguyện không truy cứu trách nhiệm của người tố cáo. Trong trường hợp này nên cho phép người tố cáo rút đơn tố cáo và cơ quan tiếp nhận thụ lý đơn tố cáo vẫn xử lý trách nhiệm người tố cáo theo sự thỏa thuận giữa người bị tố cáo và người tố cáo hoặc theo đề xuất của một bên người có quyền lợi liên quan là người bị tố cáo nhưng không được cao hơn mức quy định trong pháp luật về tố cáo.

* Liên quan đến nội dung góp ý vào dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre cũng có phát biểu tranh luận không đồng tình với các đại biểu có ý kiến đề nghị giao cho Kiểm toán thực hiện chức năng giải quyết tố cáo, với ba lý do: Một là, Kiểm toán là một cơ quan được lập ra với chức năng độc lập là kiểm toán, duy trì kỷ luật, kỷ cương về tài chính, tài sản công. Luật Kiểm toán không quy định và không cho, không điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ kiểm toán thực hiện giải quyết tố cáo. Nếu chúng ta đưa vào luật chức năng xác minh tố cáo thì phải tăng thêm biên chế, nguồn lực và giải quyết nhiều vấn đề có liên quan đến đạo luật kiểm toán. Đại biểu Nhưỡng cho rằng như thế là không thích hợp. Hai là, nếu giao cho Kiểm toán thực hiện chức năng xác minh, giải quyết tố cáo thì dẫn đến việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là vấn đề kiểm soát quyền lực. Kiểm toán thuộc Quốc hội, còn các cơ quan khác như Thanh tra thì thuộc Chính phủ, nếu giao cho Kiểm toán chức năng xác minh, giải quyết tố cáo sẽ xảy ra những hệ lụy về mặt tổ chức nhà nước. Ba là, kiểm toán cũng có khả năng là đối tượng bị tố cáo, thế nên Kiểm toán lại đứng ra để giải quyết tố cáo thì cũng cần xem xét có phù hợp hay không.

Về mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, thứ nhất, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, nếu không dùng điện thoại thông minh có nghĩa đã quay lại thời kỳ 0.4. Thứ hai, điện thoại là trực tiếp chứ không phải gián tiếp. Chúng ta đang cố gắng xóa bỏ sim rác, đang tiến hành để đăng ký lại thông tin của người tiêu dùng trong điện thoại. Do đó, mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại chúng ta sẽ xử lý được, chứ không nên thoái thác rằng đây là vấn đề khó khăn để chúng ta từ chối tiếp nhận việc tố cáo.

Đại biểu cũng đưa ra quan điểm tranh luận với Ban soạn thảo về chủ thể tố cáo là pháp nhân hay cá nhân. Đại biểu cho rằng nếu nói chủ thể tố cáo chỉ là cá nhân chứ không phải là pháp nhân thì cần phải cân nhắc.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN