Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận tổ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

09/06/2020 - 19:52

BDK.VN - Chiều ngày 8-6-2020, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện nhận định: qua đại dịch Covid-19 cho thấy, nông nghiệp đóng góp rất lớn vào an ninh lương thực đảm bảo phòng chống dịch, đảm bảo an ninh quốc gia. Cần đầu tư cho nông nghiệp phát triển ở tầm cao hơn, phải chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng, xây dựng giá trị thương hiệu. Cần phải tập trung nhiều hơn cho các công trình thủy lợi, thủy nông, các công trình chống sạt lở. Xây dựng hồ trữ nước ngọt cho người dân sản xuất, nhất là những vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, về chủ trương chung thì đây là chương trình hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét lại tính thực tế và tính khả thi.

Về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa rõ ràng, chưa xác định được có bao nhiêu đối tượng, bao nhiêu xã thuộc đối tượng điều chỉnh của chương trình này. Chương tình này có nhiều nội dung trùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững và một số chương trình khác.

Về các dự án của chương trình, giải quyết đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, thì địa phương tiếp nhận dân cư giải quyết hay địa phương đưa đi phải giải quyết vấn đề này, những giải pháp ngăn ngừa dân di cư, lợi dụng chính sách cũng cần phải được đặt ra.

Về quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư tránh những nơi sạt lở, sụt lún khó khả thi, vì Luật Xây dựng không quy định bắt buộc người dân vùng nông thôn khi xây dựng nhà ở phải xin phép.

Về chính sách phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, Dự án chưa có chính sách ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này; người trồng rừng lại không sống được với rừng, cần có chính sách phù hợp.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng cần phải giảm bớt các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư. Chính sách phát triển giáo dục đào tạo, nên đào tạo ngoại ngữ mang tính thực tế, thế mạnh của người dân tộc thiểu số ở từng khu vực.

Đại biểu Đặng Thuần Phong - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, qua báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, mặt được là ta đã ổn định kinh tế vĩ mô, sẳn sàng phát triển sau đại dịch; việc phòng chống dịch Covid-19 là thành công rực rỡ, mang tầm quốc tế, thay đổi cái nhìn của thế giới về Việt Nam; ổn định được giá tiêu dùng, duy trì, ổn định thị trường trong đại dịch, làm tốt công tác trợ giúp xã hội và an sinh xã hội; đảm bảo thu ngân sách và tăng trưởng GDP; thái độ của Chính phủ về biển Đông rõ hơn, mạnh mẽ hơn, cử tri rất hoan nghênh.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; thiên tai diễn ra ở diện rộng nhưng giải pháp chưa hiệu quả, phòng ngừa thiên tai chưa kịp thời, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân; việc triển khai một số gói chính sách còn chậm; chuyển đổi phương thức đầu tư, một số dự án làm tăng chi phí đầu tư công dẫn đến gánh nặng ngân sách; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số tạo sự kết nối chung chưa đạt như mong muốn.

Trong thời gian tới, cần có cơ chế mang tính chất đặc thù, không đầu tư dàn trải để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nghiêm túc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, quy trách nhiệm cụ thể. Xử lý triệt để những bức xúc kéo dài trong xã hội gây mất niềm tin người dân như giá điện, giá thịt lợn; đấu tranh để đảm bảo môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước, quản lý tài sản công...

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN