Đại đội Đặc công thị xã Bến Tre: Những trận đánh ghi dấu ấn

27/04/2018 - 07:19

Đại đội Đặc công thị xã Bến Tre (thường gọi C3) được thành lập sau Đồng khởi 1960. Đơn vị có nhiều trận công đồn, diệt ác, trừ gian lập nên những chiến tích anh hùng. C3 đã góp phần to lớn vào việc giải phóng nhanh thị xã Bến Tre (TXBT), làm nên thắng lợi 30-4 lịch sử.

Ông Phạm Văn Chấp (thường gọi Năm Lê Minh) và ông Hồ Văn Re (thường gọi Vũ Thanh), hiện ngụ tại xã Phú Hưng, TP. Bến Tre là những nhân chứng sống trong thời điểm này.  

Ông Lê Minh (bên trái) và ông Vũ Thanh, cựu binh Đại đội Đặc công thị xã Bến Tre.

Ông Lê Minh (bên trái) và ông Vũ Thanh, cựu binh Đại đội Đặc công thị xã Bến Tre.

Lúc mới thành lập, đại đội khá đông, do ông Hai Lê Phong và ông Ba Lộc chỉ huy. Sau đó, do có nhiều anh em hy sinh, chỉ còn lại khoảng 40 người nên còn gọi là Phân đội 3 Đặc công. Năm 1972, ông Lê Minh được cấp trên giao nhiệm vụ là Phân đội trưởng. Những cái tên như: Chiến con, Sơn Thảo, Lê Minh, Hùng con, Thuần, Vũ Thanh, Mười Mai, Của, Thanh Long… nghe rất thân thuộc, gần gũi với bộ đội giải phóng nhưng là khắc tinh của địch.

Đánh đồn Gò Dương

Những năm 1970, địch bủa giăng hệ thống mật thám cùng với đồn bót khắp nơi, kiểm soát gắt gao với mục đích tách rời dân với cách mạng. Chúng lập đồn Gò Dương (xã An Hòa, nay là Phường 8) để phòng ngừa bộ đội giải phóng tấn công Dinh Tỉnh trưởng.

Thời điểm này, C3 là đơn vị phụ trách cánh tả ngạn (Phú Hưng, An Hòa, Phường 1, Phường 2, Phú Khương). Đây cũng là đại đội mũi nhọn tấn công vào thị xã. Khoảng tháng 10 âm lịch năm 1971, ông Bảy Phúc Nguyên - Thị Đội phó chỉ đạo cho C3 phải tiêu diệt đồn Gò Dương.

“Tập thể anh em C3 đã họp bàn, cẩn thận điều nghiên tình hình đồn trong 2 ngày đêm rồi báo cáo với cấp trên. Sau khi được Thị đội cho phép đánh, anh em C3 chia làm 3 mũi tấn công vào 3 lô cốt của đồn, với quyết tâm cao là phải hạ cho được đồn Gò Dương”, ông Vũ Thanh kể.

Theo kế hoạch, 2 mũi đặc công 1 và 2 của ta áp sát vào vị trí đã định. Đúng giờ G, cả 3 mũi giáp công cùng hành động. Bị đánh bất ngờ nhưng địch quân vẫn bám đồn chống trả lại. Quân ta nổ súng tiêu diệt, đồn Gò Dương thất thủ. Đặc công ta tiêu diệt nhiều lính đồn ngoan cố, thả 3 tên đầu hàng và 1 vợ lính, thu được nhiều súng đạn, máy truyền tin. 

Diệt Đại đội 1, Tiểu đoàn 401 của địch ở Phú Hưng

Tiểu đoàn 401 ngụy quân địch do Thiếu tá Sáng chỉ huy nổi tiếng về cách hành quân, thiện chiến và đã gây nhiều tội ác.

“Mùa khô năm 1973, khoảng 6 giờ chiều, C3 nhận được tin của Thị đội là địch sẽ hành quân đánh càn từ hướng xã Tam Phước tới 2 xã Phước Thạnh và Hữu Định vào sáng hôm sau. C3 phải tiêu diệt Đại đội 1 của địch đang đóng quân ở xã Phú Hưng, cách cầu Gò Đàng khoảng 200m theo hướng về cầu Chẹt Sậy.

Trước tình hình cấp bách, C3 tổ chức điều nghiên tình hình. Xuất phát lúc 2 giờ, khoảng 3 giờ sáng, quân ta đã tiến sát vào nơi địch đóng quân rồi nằm ém quân chờ. Đặc công ta chủ yếu sử dụng súng B40, B41 và lựu đạn. Khoảng 3 giờ 30, có 2 chiếc xe GMC chạy tới. Lính địch thu dọn đồ đạc và vội vã lên xe mà không hề hay biết đã bị phục kích.

Đặc công C3 dàn đội hình cặp theo lộ (Tỉnh lộ 885) hướng về thị xã. Khi lính địch vừa leo lên xe hết, C3 đồng loạt nổ súng và lựu đạn. Cả đại đội của địch bị ta diệt gọn trong chớp nhoáng. Quân ta rút lui an toàn, không có thương vong xảy ra.

Nhận được tin đánh về trận này, ngay trong đêm, ông Vũ Khắc Sương - Tỉnh Đội trưởng đã có thư khen ngợi. Lực lượng đặc công C3 đã lập thành tích quan trọng, tiêu hao sinh lực và phá hỏng kế hoạch càn quét của địch. 

C3 Đặc công thị xã còn rất nhiều trận diệt đồn địch ghi dấu ấn như: đánh phá đồn Cầu Vĩ, đồn Diều Gà, ấp Phú Tự (xã Phú Hưng), Trung tâm chỉ huy cảnh sát (bờ hồ Trúc Giang), đồn Cây Da (Phú Hưng), đồn Chợ Giữa (Tú Điền)…

Sau năm 1975, C3 chỉ còn 30 người, có một số người tiếp tục công tác trong quân đội, một số người nghỉ hưu về quê sản xuất. Giờ đây, khi nhắc đến những chiến công năm xưa, những cựu binh C3 đều rất tự hào và ngậm ngùi nhớ lại những đồng đội đã anh dũng hy sinh.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN