Đại úy Hồ Hoài Linh: Tận tâm trong công tác hậu cần - kỹ thuật

15/06/2018 - 06:29

Đại úy Hồ Hoài Linh (bìa phải) nhận bằng khen tại hội thi. Ảnh: B. Ngọc

Đại úy Hồ Hoài Linh (bìa phải) nhận bằng khen tại hội thi. Ảnh: B. Ngọc

Tại hội thi Chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật ban chỉ huy quân sự (CHQS) huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc Bộ CHQS tỉnh, thành phố năm 2018 do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức, 1 thí sinh mang quân hàm đại úy, số báo danh 07 luôn được mọi người chú ý. Bởi quá trình thi thực hành tác nghiệp trên bản đồ và sơ đồ, anh thao tác rất nhanh, chính xác và khoa học.

Anh tên là Hồ Hoài Linh - Chủ  nhiệm hậu cần - kỹ thuật Ban CHQS huyện Giồng Trôm. Năm 2002, anh trúng tuyển Trường Kỹ thuật VinhemPic (Trường Đại học Trần Đại Nghĩa bây giờ), ra trường và công tác kỹ thuật ở đại đội, đến làm trợ lý, rồi chức vụ trưởng ban xe máy cấp phòng. Năm 2018, anh được điều động về làm Chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật Ban CHQS huyện.

Nói về giải ba cấp quân khu, anh Linh khiêm tốn cho biết: “Cái chính là mình phải tự học qua sách vở, tài liệu và bạn bè đồng nghiệp; đồng thời phải có ý thức tích lũy. Tôi may mắn là được anh em đồng nghiệp và cấp trên tận tình quan tâm hướng dẫn, tập huấn. Từ đó, bản thân lấy đó làm động lực rèn luyện tính tỉ mỉ, chính xác và nhanh chóng và kỷ luật nghề nghiệp cao”.

Là Chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật Ban CHQS huyện, anh luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đời sống cho cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS huyện. Theo anh, trong hậu cần - kỹ thuật, yếu tố hàng đầu để giữ vững đời sống bộ đội là quản lý và sử dụng tốt tiêu chuẩn của anh em. Nhiều người đơn giản cho rằng “có tiền thì có tất cả” nên coi chợ là nơi duy nhất khai thác nguồn hàng, nhưng anh Linh thì không. Anh luôn suy nghĩ phải sử dụng hiệu quả, làm sao cùng số tiền đó nhưng phải mua được nhiều hàng nhất. Muốn vậy phải giảm bớt khâu trung gian. Anh đến thẳng cơ sở sản xuất hoặc các đại lý lớn để khai thác nguồn hàng, giá vừa rẻ, chất lượng lại bảo đảm. Trong sử dụng, anh thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt. Mọi tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ, từ cái ăn, cái mặc cho đến các tiêu chuẩn: điện, nước, nhà ở đều được công khai, để cán bộ, chiến sĩ cùng tham gia quản lý. Tận dụng đất trống quanh doanh trại, anh tham mưu cơ quan tổ chức trồng rau, nuôi cá cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày cho anh em. 

Bên cạnh đó, anh Linh còn tích cực nghiên cứu, cải tiến trang bị, phương tiện, vật chất hậu cần phù hợp với đặc điểm trong công tác huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vũ khí trang bị kỹ thuật; giúp cho việc thực hiện công tác hậu cần - kỹ thuật của huyện đạt kết quả cao.

Tìm hiểu thêm về anh, được biết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, anh Linh biết vận dụng kiến thức được học lẫn kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước. Không những thế, anh Linh còn cùng anh em trong ban hậu cần - kỹ thuật của đơn vị thực hiện tốt các chế độ giữ gìn, bảo quản trang thiết bị kỹ thuật và tài liệu.

Đợt thi Chủ nhiệm hậu cần - kỹ thuật vừa qua, anh được Quân khu tặng giải ba và giải nhì môn nhận thức về công tác hậu cần. Anh thật sự xứng đáng là một cán bộ hậu cần - kỹ thuật tiêu biểu, gương mẫu, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua ‘‘Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy’’.  

Bảo Ngọc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN