Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

18/11/2019 - 07:02

BDK - Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là nỗi lo của nhiều người, nhiều gia đình. Xuất phát từ thực tế trên, các cấp hội phụ nữ (PN) đã và đang có nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân cùng thực hiện đảm bảo VSATTP, qua đó góp phần thực hiện thành công tiêu chí về môi trường và ATTP trong xây dựng nông thôn mới.

Cô Huỳnh Thị Nhịn ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri thu hoạch rau quế.

Cô Huỳnh Thị Nhịn ở xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri thu hoạch rau quế.

Được đầu tư nhà sơ chế, hỗ trợ trang thiết bị trồng trọt là kết quả dễ thấy nhất của người dân trong Tổ hợp tác trồng rau an toàn xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri. Cô Huỳnh Thị Nhịn ấp An Bình 2, xã An Hòa Tây, tổ viên Tổ hợp tác cho biết: “Trước đây, bà con trồng rau theo cách cứ đến vụ lên liếp, gieo hạt, muốn rau phát triển tốt, xanh tươi thì cứ phun phân, thuốc trừ sâu liên tục. Giờ thói quen này không còn, thay vào đó là canh tác đảm bảo quy trình từ khâu làm đất đến bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước tưới; thực hiện đúng thời gian cách ly khi phun thuốc trừ sâu, bón phân với thời điểm thu hoạch. Rau được trồng xen kẽ, không trồng chuyên loại nào, có vậy mới đảm bảo rau sạch, an toàn”, cô Nhịn chia sẻ.

Bà Tống Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội PN xã cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” hướng đến PN thực hiện VSATTP, Hội đã tuyên truyền và cùng người dân thực hiện mô hình trồng rau, trồng nấm an toàn. Với mô hình này, Hội PN xã muốn nâng cao nhận thức cho chị em PN; đồng thời, hướng đến thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên PN trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe.

Tổ hợp tác hiện có 16 thành viên. Để tạo chuỗi từ sản xuất đến bàn ăn, Hội PN tổ chức cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm sạch cho hội viên PN. Đến nay, thương hiệu an toàn từ các tổ hợp tác, hợp tác xã đã trở thành lựa chọn tin cậy của người dân, nhất là chị em hội viên PN. Đây được xem là tín hiệu tích cực của các cấp hội PN thực hiện VSATTP, góp phần thực hiện thành công tiêu chí về môi trường và ATTP trong xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Hội Liên hiệp PN tỉnh Phạm Thị Thanh Thảo cho rằng: Những năm qua, Hội tổ chức thực hiện Ngày hội “Gia đình 5 không 3 sạch”. Năm 2017, Trung ương Hội Liên hiệp PN chọn thực hiện mô hình điểm “Chi hội PN xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” tại xã An Phú Trung, huyện Ba Tri. Bên cạnh đó, các cấp hội còn quan tâm hướng dẫn, vận động cán bộ, hội viên, PN cam kết sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm an toàn, thực hiện Luật ATTP. Phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan xây dựng các bản đăng ký, cam kết thực hiện VSATTP đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Hàng năm, cấp tỉnh chọn từ 1 - 2 đơn vị, phối hợp tổ chức công tác giám sát thực hiện VSATTP.

Mỗi huyện, thành phố vận động xây dựng thí điểm mô hình “Tổ PN giám sát thực hành về ATTP”, phối hợp với ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn do PN làm chủ và các hộ gia đình tiêu dùng thực phẩm theo định kỳ hoặc đột xuất, qua đó cùng địa phương kịp thời giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm về VSATTP.

90% cán bộ hội cấp tỉnh, huyện, thành phố; 80% cấp cơ sở được tham gia các hoạt động nâng cao năng lực về công tác hỗ trợ PN thực hiện VSATTP. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1.000 hội viên PN tham gia nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ ban đầu được tiếp cận, cung cấp kiến thức về đảm bảo ATTP và có cam kết thực hiện đúng, đủ các điều kiện đảm bảo ATTP. Hàng năm, 100% cơ sở hội xây dựng và duy trì ít nhất 1 mô hình về ATTP như: Câu lạc bộ ATTP, Tổ PN nói không với sản phẩm bẩn, nói không với chất bảo quản, chất tăng trưởng… nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

(Mục tiêu kế hoạch thực hiện Kết luận số 11 của Ban Bí thư giai đoạn 2017 - 2022).

Bài, ảnh: Thiên Ân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN