Đảm bảo nguồn vốn cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế

31/07/2020 - 07:13

BDK - Tác động kép của dịch Covid-19 và xâm nhập mặn đã đặt ra yêu cầu cho ngành ngân hàng (NH) phải đảm bảo nguồn vốn với các chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành khẳng định: Vốn NH hoàn toàn đủ sức đáp ứng nhu cầu tái sản xuất. Vấn đề của người dân và doanh nghiệp (DN) là cần có mục đích vay cụ thể, phương án khả thi.

Tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp.

Tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp.

2 lần giảm lãi suất

Thông tin từ NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành trên địa bàn tỉnh đã cho vay mới 27.423 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu vay vốn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, với tỷ lệ 65% tổng doanh số cho vay.

Nhằm chia sẻ với DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động làm việc với từng DN đang có quan hệ vay vốn để đánh giá mức độ ảnh hưởng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 01 của NH Nhà nước Việt Nam, giúp DN từng bước phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh cũng đã thiết lập đường dây nóng và bộ phận thường trực để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của người dân, DN, các hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các TCTD xúc tiến nhanh việc thẩm định, rút ngắn thời gian xét duyệt vay vốn, giảm phí giao dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử. Nhiều NH đưa ra các chương trình ưu đãi cho khách hàng; phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thanh toán; áp dụng chính sách miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng chống dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 6 tháng qua, NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã 2 lần giảm lãi suất điều hành ở mức rất mạnh là 1,5%; giảm từ 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,0%/năm), để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của DN và người dân. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế kể cả các khoản vay hiện hữu cũng như các khoản cho vay mới đã được giảm khá mạnh.

Kết hợp với đó là chỉ đạo rất kiên quyết các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận cũng như giảm lương thưởng (mức phổ biến giảm từ 20 - 50%) để giảm lãi suất cho vay. Đến tháng 6-2020, các TCTD hỗ trợ cho gần 4.000 khách hàng với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 7 ngàn tỷ đồng.

Các phương án hỗ trợ

Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng âm. Cho nên, việc hỗ trợ khôi phục và tăng trưởng kinh tế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh đặt trọng tâm cho đầu tư vốn vào các đối tượng như: tập trung cho việc tái đàn heo của 2 huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc. Quan tâm phát triển các đàn gia súc, gia cầm ở những địa phương có thế mạnh như Ba Tri, Thạnh Phú. Phát triển nuôi trồng thủy sản, những sản phẩm thế mạnh của các huyện biển như tôm, cua, nghêu, sò. Khôi phục và phát triển du lịch với việc phát triển sản phẩm du lịch kết hợp với thế mạnh nông nghiệp, du lịch sinh thái của địa phương; các hoạt động ứng phó hạn mặn, biến đổi khí hậu…

Đối với các DN xuất khẩu, ngành NH tiếp tục đồng hành bằng giải pháp như: tăng cường kết nối DN để thực hiện tốt chương trình “Kết nối NH - DN”.

“Ngành NH xác định việc tăng trưởng tín dụng để góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh trên cơ sở bảo đảm chất lượng tín dụng, không vì tăng trưởng mà hạ chuẩn cho vay. Cái khó của NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh trong giải ngân vốn trong thời gian qua là thiếu nhu cầu tín dụng thực, thiếu những DN thật sự có phương án tài chính tốt để tiếp cận vốn vay. Vì vậy, việc thẩm định, kiểm soát vốn vay sẽ được thực hiện chặt chẽ, thận trọng.

Về phía người dân và DN cần xác định cụ thể mục đích vay vốn và kế hoạch sử dụng đồng vốn hiệu quả để có thể tiếp cận vốn NH thuận lợi” - Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành lưu ý.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN nên các NH khó đánh giá về khả năng trả nợ đầy đủ của khách hàng sau cơ cấu, khó khăn của DN có thể kéo dài hơn thời gian 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Thông tư số 01. Sau thời gian 3 tháng quy định, khách hàng không trả được nợ mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì khoản nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN