Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục mầm non

12/06/2019 - 07:23

BDK - Thời gian qua, việc xã hội hóa (XHH) giáo dục mầm non (GDMN) đã mở rộng các loại hình trường, lớp, góp phần đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân trong tỉnh. Song, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như quy mô trẻ ngày càng tăng, đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn nữa đối với bậc học này.

Cô trò Trường Mầm non Bảo Quyên, xã An Hiệp, Châu Thành.

Cô trò Trường Mầm non Bảo Quyên, xã An Hiệp, Châu Thành.

Một số khó khăn

Sau hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch XHH đầu tư phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh, hầu hết các huyện, thành phố đều có loại hình trường, lớp ngoài công lập (NCL), nhiều nhất là TP. Bến Tre và huyện Châu Thành. Toàn tỉnh phát triển thêm 5 trường, 29 nhóm trẻ. Hiện, tỉnh có 182 trường mầm non với 1.497 nhóm, lớp; 18 trường mầm non, mẫu giáo và 86 nhóm, lớp mầm non tư thục độc lập.

Trưởng phòng GDMN, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, các địa phương thực hiện khá tốt việc quản lý trường lớp NCL trên địa bàn, không có trường hợp cơ sở giáo dục NCL hoạt động không có giấy phép. Tỷ lệ trẻ tham gia tại các trường NCL được đánh giá phát triển đạt yêu cầu theo độ tuổi, đạt trên 98%. Đặc biệt, không xảy ra nạn bạo hành trẻ em trong các trường, nhóm, lớp NCL.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, mặc dù góp phần đáng kể về cơ sở vật chất để đảm bảo việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp nhưng XHH đầu tư phát triển GDMN đang bộc lộ những khó khăn. Thực tế, sự tham gia của nhà đầu tư vào việc xây dựng trường, lớp mầm non chủ yếu là cá nhân, phát triển với quy mô nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập ở khu vực các xã, thị trấn có kinh tế phát triển. Do đó, quy mô phát triển trường, lớp NCL chưa đều khắp.

Đơn cử, tại huyện Ba Tri còn 21/24 xã chưa có loại hình NCL, ở các xã có nhu cầu mở rộng quy mô thì không có đơn vị đầu tư. Mặt khác, tại hầu hết các địa phương, mức thu nhập của người dân ở mức trung bình nên điều kiện kinh tế để gửi trẻ vào cơ sở GDMN có mức học phí cao không nhiều, ít nhiều ảnh hưởng đến việc kêu gọi các tổ chức đầu tư trường chất lượng cao.

Thời gian qua, TP. Bến Tre đã đầu tư sửa chữa và xây mới nhiều trường mầm non và đã kêu gọi được sự đầu tư của tổ chức, cá nhân xây dựng được 2 trường mầm non tư thục theo chuẩn quốc tế với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Quy mô mở ra 2 trường mầm non có sức chứa khoảng 600 trẻ nhưng số trẻ tăng thêm có 115 trẻ. Nguyên nhân phần lớn phụ huynh cũng muốn cho trẻ theo học ở trường tư nhưng so sánh mức học phí trường công và tư họ e ngại chi phí nên không mạnh dạn gửi trẻ.

 Phó trưởng phòng GD&ĐT TP. Bến Tre Phạm Thị Như Mai cho hay, bên cạnh trẻ đang tham gia học tại các cơ sở GDMN, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 2.396 trẻ trong độ tuổi chưa đến trường. Trong đó, có 2.071 trẻ từ 0 - 2 tuổi và 225 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo 3 - 5 tuổi.

Cũng theo bà Như Mai, quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Ở các địa phương như xã Nhơn Thạnh, Sơn Đông, Phú Nhuận chỉ có một mô hình trường mẫu giáo huy động từ 3 - 5 tuổi, chưa huy động được trẻ từ 0 - 2 tuổi, do đó chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân và làm tăng áp lực cho các trường mầm non trên địa bàn.

 “Nạn bạo hành trẻ xảy ra ở số nhóm trẻ tư thục ngoài tỉnh ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của phụ huynh đối với hệ thống trường, lớp NCL, nhất là các nhóm trẻ độc lập. Đội ngũ giáo viên NCL thường không ổn định. theo thống kê, các nhóm trẻ trên địa bàn tỉnh thiếu 212 giáo viên, do có sự thay đổi định mức tăng thêm giáo viên và sự phát triển trường, lớp của hệ thống NCL nhưng không có nguồn tuyển dụng. Đây là yếu tố làm ảnh hưởng đến công tác XHH đầu tư phát triển GDMN”, bà Nguyễn Thị Thanh Bình cho hay.

Đẩy mạnh công tác XHH

Kết luận trong đợt giám sát việc thực hiện Kế hoạch XHH đầu tư phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười yêu cầu Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm đến các cơ sở GDMN NCL, tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các nhóm trẻ tư thục để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới. Đồng thời, mạnh dạn kêu gọi XHH đầu tư xây dựng cơ sở GDMN NCL; quan tâm bồi dưỡng công tác chuyên môn cho các giáo viên trường NCL; tiến hành quy hoạch đất để xây dựng và mở rộng cơ sở GDMN đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của nhân dân trên địa bàn.

Trẻ được chăm sóc, giáo dục tại Trường Mầm non Bảo Quyên.

Trẻ được chăm sóc, giáo dục tại Trường Mầm non Bảo Quyên.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, để đẩy mạnh công tác XHH đầu tư phát triển GDMN trên địa bàn tỉnh, ngành GD&ĐT tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xã hội về chủ trương XHH giáo dục. Bên cạnh đó, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chủ trương, chính sách về phát triển hệ thống trường lớp NCL đến người dân và cộng đồng.

Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ có bước rà soát và quy hoạch mạng lưới trường lớp NCL, trong đó đảm bảo đạt tỷ lệ 30% trẻ em trong độ tuổi mầm non đến trường lớp mầm non NCL vào năm 2025. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi một số cơ sở GDMN công lập thành NCL ở những nơi có khả năng XHH. Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các nội dung hiện còn vướng như: công bố đất quy hoạch và cơ sở cho thuê mướn; tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư xây dựng trường mầm non.

Bài, ảnh: Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích