Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt II

18/11/2013 - 08:15
Ông Phan Trung Nghĩa bên bản đồ dịch tễ. Ảnh: T.Lập

Ngày 6-11-2013, tại hai xã Tân Phú và Tân Thới (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, tỉnh này cũng đã công bố ổ dịch mới.

Ông Phan Trung Nghĩa - Chi cục phó Chi cục Thú y (Sở NN&PTNT tỉnh) cho biết, qua theo dõi bản đồ dịch tễ mùa Đông là thời điểm thích hợp để các dịch bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là cúm gia cầm. Tính từ tâm của ổ dịch (huyện Tân Phú Đông) ra bán kính 3km, thì tỉnh ta nằm trong vùng nguy cơ cao, cụ thể như xã Giao Hòa (Châu Thành) và các xã thuộc tiểu vùng I, II của huyện Bình Đại (từ Long Định đến Định Trung), có thể dịch bệnh sẽ lan sang.

Ngày 13-11-2013, Chi cục Thú y tỉnh có Công văn số 938 gởi Trạm thú y các huyện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cúm gia cầm và bản đồ dịch tễ từ phía tỉnh Tiền Giang. Công văn nêu rõ, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm của địa phương, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt II, tăng cường công tác kiểm dịch (đặc biệt việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm từ hai tỉnh Bình Phước, Tiền Giang, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trước khi mùa Đông đến, đặc biệt các xã nằm trong vùng nguy cơ cao cần tăng cường, siết chặt công tác kiểm dịch ở vùng giáp giới…

Ông Nghĩa cho biết thêm, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, công tác tiêm phòng đã kết thúc đợt I và hoàn thành tiêm phòng bổ sung đợt I, đang khẩn trương triển khai tiêm phòng đợt II. Không chỉ tiêm phòng vắc-xin cho các bệnh thường gặp ở mùa Đông như cúm gia cầm, lở mồm long móng, mà các bệnh khác như tai xanh ở heo cũng được tiêm phòng. Việc tiêm phòng đã hoàn tất trên các đàn gia súc (bò, trâu, heo con, heo nái, heo nọc) và gia cầm. Trên đàn gia cầm, các địa phương có qui mô chăn nuôi lớn như Ba Tri, Giồng Trôm đang khẩn trương tiêm phòng đủ và bắt buộc (đợt II) trên tổng đàn. Bên cạnh đó, vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại cũng được phát động đồng loạt (dung hóa chất Navecid); tăng cường và siết chặt hơn nữa công tác kiểm dịch, nhất là việc vận chuyển gia cầm, gia súc từ ngoài tỉnh vào (phà Cổ Chiên, phà Đình Khao, cầu Rạch Miễu). Mùa Đông là thời điểm dễ bùng phát dịch cúm bởi vào thời điểm này thời tiết lạnh - rất thích hợp và gia cầm mất sức đề kháng. Một vài bệnh thông thường khác như tụ huyết trùng, tiêu chảy, thương hàn, hô hấp… cũng hay xảy ra. Vì thế, trước khi mùa Đông đến, bà con cần vệ sinh tiêu độc chuồng trại, tiêm phòng vắc - xin cúm, thường xuyên quan sát những dấu hiệu bất thường của gia cầm, giữ ấm cho đàn… Thực tế, trong nhiều năm liền, công tác quản lý dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh khá tốt. Tuy nhiên, các địa phương và người dân không thể chủ quan, đặc biệt là ổ dịch ở huyện Tân Phú Đông rất gần, người chăn nuôi cần cảnh giác và phòng ngừa.

Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN