Đời sống tín ngưỡng của cư dân Bến Tre (kỳ 2)

22/07/2019 - 06:47

BDK - Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 18 đình được xếp hạng Di tích cấp tỉnh và 6 đình được xếp hạng Di tích quốc gia. Về nguồn gốc các vị thần, có thể nói đình làng Bến Tre là nơi tập hợp đối tượng thờ tự từ nhiều nguồn gốc khác nhau gồm: do Nhà nước phong kiến đưa xuống để dân thờ phụng hoặc do người dân tự đưa vào thờ phụng.

Ban Khánh tiết Lăng Ông Nam Hải tiến hành nghi thức nghinh Ông khi tàu ra đến cửa biển Cửa Đại. Ảnh: Thanh Đồng

Ban Khánh tiết Lăng Ông Nam Hải tiến hành nghi thức nghinh Ông khi tàu ra đến cửa biển Cửa Đại. Ảnh: Thanh Đồng

Hầu hết các ngôi đình ở tỉnh không có thần tích, thần phả nên bàn thờ chính điện chỉ thờ duy nhất bức đại tự khắc chữ Thần. Ngoài vị Thành hoàng bổn cảnh được thờ ở vị trí trung tâm, phần lớn các đình làng Bến Tre còn phối thờ nhiều vị thần khác như: Thần nông, Thổ địa, Thổ công; Thần hổ, Ngũ hành nương nương, Bà Chúa xứ, Bạch mã thái giám, Sơn quân (cọp), Lang lại đại tướng quân (rái cá)... Phần lớn các đình trong tỉnh đều có sắc phong thần nhưng do chiến tranh nên nhiều đình cũng như sắc phong bị phá hủy.

Hàng năm, các đình làng ở Bến Tre đều có tổ chức lễ Kỳ yên hay còn gọi là lễ Cầu an - một lễ hội dân gian tiêu biểu của người Việt ở Nam Bộ. Trong lễ Kỳ yên, phần lễ được tổ chức trang trọng, trình tự các nghi thức diễn ra nghiêm túc. Toàn bộ chương trình lễ cúng diễn ra trong khoảng thời gian hơn 1 giờ, gồm các bước: quán tẩy sở (rửa mặt), thuế cân (lau tay), khởi đại cổ, minh chinh, thái bình thanh, Nghinh thiên tiếp giá, chánh hội niệm hương, chánh tế tuần tự vái cúng và trao cho lễ phẩm. Những người tham gia vào lễ tế đều có vai trò, chức năng và tên gọi riêng. Ngoài ra, còn tổ chức nghi thức Xây chầu Đại bội và Hát Bội phục vụ bà con nhân dân.

Ở Bến Tre, bên cạnh việc phối thờ tại các đình thì các nữ thần hay còn được người dân địa phương tôn gọi là Bà cũng có cơ sở thờ tự và lễ tục riêng được tiến hành ở các miễu. Đối với người Việt, thường lập miễu để thờ các vị nữ thần như: Chúa xứ Thánh mẫu, Ngũ hành nương nương, Bà Hỏa, Bà Thủy, Thượng động Cố hỷ, Cửu vị thánh nương… Đặc biệt, ở xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, có ngôi miếu phối thờ Hai Bà Trưng, đó là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Còn đối với người hành nghề hạ bạc, mưu sinh trên sông nước thì thờ Bà Cậu. Mặt khác, Bến Tre còn là nơi tụ cư của cộng đồng người Hoa với những đặc trưng văn hóa. Người Hoa có đời sống tín ngưỡng với các đối tượng thờ tự phong phú được thờ phụng tại các miếu (đôi khi gọi là chùa), nghĩa từ. Có thể kể đến như: Ngọc Hoàng thượng đế (miếu Ngọc Hoàng, phường Phú Tân, TP. Bến Tre), Quan thánh Đế quân (chùa Ông, Phường 3, TP. Bến Tre; Thất phủ võ miếu, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri). Ngoài ra còn có các vị thần khác phối thờ như: Phúc Đức chính thần, Kim huê nương nương, Tài bạch tinh quân, Kim huê nương nương (mẹ sanh, mẹ độ)… Đặc biệt, có một vị nữ thần quyền năng mà cả người Hoa và người Việt đều tôn sùng, đó là Thiên hậu Thánh mẫu. Vị thần này được phối thờ trong các cơ sở thờ tự hoặc thờ riêng trong các ngôi miếu ở thị trấn Ba Tri và xã An Thủy, huyện Ba Tri. Mỗi năm, người dân tổ chức cúng miễu Bà 1 lần, thường không quá 2 ngày, tập trung vào các tháng 2 hoặc 3 âm lịch, có nơi cũng tổ chức vào tháng 5 hoặc 6. Nghi lễ thường được tổ chức theo 2 hình thức chính: các bà bóng múa bóng rỗi hoặc học trò dâng lễ vật.

 Bến Tre có đường bờ biển dài 65km, chạy qua 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trước biển cả mênh mông, trong quá trình mưu sinh, các ngư phủ cần có chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua sóng to, gió lớn; họ sùng bái và hóa thiêng cá Ông. Bởi trong tâm thức dân gian mà chủ yếu là những ngư dân trên biển thì hình ảnh cá Ông cứu người gặp nạn trên biển đã khắc sâu. Ở Bến Tre, tín ngưỡng này có mặt ở 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Nguyễn Duy Oanh cũng đã có nhắc đến tục thờ cá Ông ở Ba Tri: “Ở quận Ba Tri, dân chài lưới có lập một miếu thờ cá Ông ở vùng Bãi Ngao (nay thuộc xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri). Mỗi khi ra khơi, họ thường cúng vái. Nhiều lần họ được cá Ông giúp đỡ trong lúc biển động mạnh, ghe họ sắp chìm. Họ cầu cứu cá Ông, thì ít phút sau đó, cá Ông hiện đến. Cá Ông kề lưng đỡ thuyền họ lướt qua sóng gió hãi hùng”. Tác giả Lư Xuân Chí cho biết: “Qua kết quả tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre năm 2004, toàn tỉnh có 12 lăng ông chia ra: Huyện Ba Tri 4 lăng, huyện Thạnh Phú 4 lăng, huyện Bình Đại 4 lăng”. Đặc biệt, tại đình Tân Thạch (xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) có bài vị “Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Thần” ở gian võ quy. Lễ hội Nghinh Ông thường diễn ra trước mùa đánh bắt ở biển chủ yếu ở các xã Thới Thuận, xã Thừa Đức, xã Bình Thắng, huyện Bình Đại và xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri; trong đó, nơi tổ chức Lễ hội Nghinh Ông lớn nhất và tưng bừng nhất là xã Bình Thắng, huyện Bình Đại diễn ra trong 3 ngày 15, 16 và 17 tháng 6 âm lịch.

Từ năm 2007, cùng với các địa phương trong cả nước, Bến Tre tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch, diễn ra hầu hết ở các đình làng Bến Tre. Có thể kể đến như đình An Hội (TP. Bến Tre), đình Phú Thuận (huyện Bình Đại), đình Phú Ngãi (huyện Ba Tri), đình Tân Thạch (huyện Châu Thành), đình An Quy (huyện Thạnh Phú)… Lễ Giỗ tổ thực hiện theo nghi thức cúng đình truyền thống ở Nam Bộ.

Đối với các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật còn có hình thức thờ Tổ nghề. Tổ nghề còn được gọi là Tổ sư, là một hoặc nhiều người có công sáng lập hay truyền bá cho dân làng một nghề nào đó. Vì thế, Tổ nghề được các thế hệ sau suy tôn, thờ cúng; Tổ nghề thường là những người có thật trong lịch sử nhưng cũng có khi là những nhân vật được hư cấu theo truyền thuyết dân gian. Những người làm nghề hát bội, nhạc lễ, cải lương thì thờ Tổ sân khấu; làm mộc thì tôn Lỗ Ban làm Tổ nghề. Ngoài ra, ở Bến Tre còn các miếu, đền thờ tổ nghề như: miếu Kim Hoàn (Phường 4, TP. Bến Tre), đền thờ Ân sư tiền vãng (Phường 2, TP. Bến Tre). Hàng năm, các ngành nghề đều có tổ chức giỗ tổ, giỗ Tổ sân khấu diễn ra vào ngày 12-8 âm lịch.

Bến Tre là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh và tị địa của nhiều danh nhân nổi tiếng. Để bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, người dân và chính quyền đã lập nhiều ngôi đền, khu tưởng niệm phụng thờ. Có thể kể đến, ở huyện Ba Tri có Mộ và Khu lưu niệm Nhà thờ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (xã An Đức), đền thờ cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản (xã Bảo Thạnh), đền thờ Đốc binh Phan Ngọc Tòng (xã An Hiệp), đền thờ cụ Tán Kế (xã Mỹ Thạnh). Ở huyện Giồng Trôm có đền thờ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu (xã Hưng Nhượng), đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (xã Mỹ Thạnh), đền thờ nhà thơ Phan Văn Trị (xã Thạnh Phú Đông), khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa), đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống (xã Tân Hào). Hàng năm, tại các đền thờ, khu lưu niệm đều diễn ra lễ giỗ danh nhân với sự tham gia đông đảo của người dân địa phương.

Ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ, tỉnh Bến Tre có chủ trương xây dựng đền thờ liệt sĩ. Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có đền thờ liệt sĩ. Hàng năm, kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, chính quyền và nhân dân các cấp tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: khám bệnh, tặng quà, thăm hỏi gia đình liệt sĩ, trao tặng nhà tình nghĩa… được diễn ra với tinh thần “uống nước nhớ nguồn”.

(còn tiếp)

Thạc sĩ Bùi Hữu Nghĩa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN