Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực để phát triển

19/04/2019 - 07:37

BDK - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có dân số chiếm gần 20% của cả nước nhưng số doanh nghiệp (DN) hoạt động hiện chỉ chiếm 8% số DN cả nước. 13 tỉnh ĐBSCL thu hút FDI trong năm 2018 chưa bằng 1 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. ĐBSCL tự hào là vùng kinh tế và nông nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng xuất khẩu chưa bằng 1 tỉnh Đồng Nai. Ngồi chờ Trung ương hỗ trợ hay tự nỗ lực bứt phá là câu hỏi được đặt ra cho mỗi tỉnh, sau chỉ số PCI.

Tính năng động của Bến Tre được các DN đánh giá cao qua chỉ số PCI.

Tính năng động của Bến Tre được các DN đánh giá cao qua chỉ số PCI.

Nâng cao Chỉ số PCI

Sau 1 năm thực hiện khảo sát và đánh giá, dự án PCI của Phòng Thương  mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố kết quả chỉ số PCI - một chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp tỉnh tại Việt Nam.

Kết quả PCI năm 2018, một lần nữa ĐBSCL tiếp tục là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước (gồm: đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, duyên hải Miền Trung, ĐBSCL, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên), với 64,3 điểm, tăng 0,91 điểm so với 63,4 điểm bình quân năm 2017. Nổi bật là ĐBSCL có 3 tỉnh nằm trong tốp 5 đứng đầu, 4 tỉnh trong tốp 10; trong 10 chỉ số thành phần đo lường thì vùng ĐBSCL có 5 tỉnh có điểm số đứng đầu.

Thay đổi ấn tượng của ĐBSCL trong năm qua rõ nhất là: Tiếp cận đất đai tiếp tục duy trì và được đánh giá cao khi có 7 tỉnh trong tốp 10 cả nước; Chi phí thời gian được đánh giá rất tốt khi có 9 trong 15 tỉnh đứng đầu; Chi phí không chính thức là chỉ số nổi bật có 5 tỉnh đứng đầu cả nước là của ĐBSCL; Cạnh tranh bình đẳng như là một đặc trưng riêng của vùng, DN ở ĐBSCL cảm nhận dường như không thấy có sự phân biệt trong điều hành kinh tế ưu ái cho DN nhà nước hay DN FDI với DN tư nhân trong nước; Đào tạo lao động lần đầu có Cần Thơ vào tốp 15 cả nước, 4 tỉnh thoát ra 15 tỉnh cuối, mặc dù còn 8 tỉnh nằm trong tốp các tỉnh thấp nhất.

Đó là những gì mà DN ghi nhận về chính quyền các địa phương. Sự năng động, thay đổi, cải cách này đang tạo ra một thông điệp rất mạnh mẽ rằng, ĐBSCL sẽ luôn là nơi mong muốn cải cách nhất. Cả nước đều biết đến nhiều cách làm mới từ ĐBSCL như Cà phê doanh nhân vốn xuất phát từ Đồng Tháp, tiếp DN trong ngày đầu tuần từ Cần Thơ, đối thoại DN thường kỳ nhất tại Sóc Trăng, chính quyền năng động nhất như Vĩnh Long, Bến Tre hay An Giang đang có kế hoạch Cà phê doanh nhân ở cấp huyện...

Chia sẻ câu chuyện của Bến Tre, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: Từ vị trí xếp hạng thứ 12 năm 2016 về chỉ số PCI, Bến Tre đã tăng 7 hạng vượt lên vị trí thứ 5 vào năm 2017 và tiếp tục tiến lên vị trí thứ 4 năm 2018, thuộc nhóm điều hành tốt. Để thực hiện được nội dung quan trọng trên, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số PCI gắn với việc thực hiện có hiệu quả Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN - là một trong những chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của tỉnh, môi trường đầu tư được cải cách thông thoáng.

Thu hút đầu tư

Qua kết quả đánh giá chỉ số PCI cho thấy, các xu hướng tích cực qua thời gian như chi phí không chính thức giảm, đây là chỉ tiêu ít giảm nhất trong nhiều năm. Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến, thanh tra, kiểm tra giảm. Tuy nhiên, xu hướng đáng quan ngại là thủ tục hậu đăng ký vẫn là trở ngại lớn. Tính minh bạch của môi trường cấp tỉnh chưa cao, “có mối quan hệ rộng” cũng là một lợi thế. Số DN dự kiến giảm quy mô hoặc đóng cửa cao. 60% DN tư nhân khó khăn trong tìm kiếm khách hàng. Các DN FDI nhỏ cạnh tranh sẽ là đối thủ “đáng gờm” của DN tư nhân.

Với 24 DN/10 ngàn dân của ĐBSCL so với 84 DN/10 ngàn dân của đồng bằng sông Hồng, “chiếc bánh” đầu tư về mặt vốn FDI cho ĐBSCL rất nhỏ, số vốn FDI về ĐBSCL là không đáng kể, ở mức trung bình thấp. Trong PCI thì không có chỉ số đánh giá về hạ tầng, nhưng trong câu hỏi về các chỉ tiêu thì có. Điểm số về chất lượng cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL thuộc loại thấp nhất (chỉ hơn miền núi phía Bắc và Tây Nguyên), cao nhất là đồng bằng sông Hồng. ĐBSCL phải vận chuyển tốt, hạ tầng tốt thì mới cạnh tranh được. Cải thiện chất lượng lao động của ĐBSCL rất cần được quan tâm, nghiên cứu và có chương trình hỗ trợ trong thời gian tới, đặc biệt đối với những vị trí quản lý hay đòi hỏi kỹ năng cao.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI, ĐBSCL vẫn tiếp tục là một điểm sáng về cải cách chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh; nhưng thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển DN vùng ĐBSCL vẫn đang đi sau cả nước; chất lượng hạ tầng có thay đổi tích cực nhưng chậm hơn so với cả nước.

“ĐBSCL đang tụt hậu so với một số vùng khác trong cả nước, chúng ta sẽ không chỉ ngồi chờ Trung ương quan tâm mà phải nỗ lực để tạo những ấn tượng tốt nhất đối với DN trong tỉnh và từ bên ngoài để thuận lợi mở rộng kinh doanh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ nhấn mạnh.

UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội nghị môi trường đầu tư kinh doanh qua kết quả PCI năm 2018 khu vực ĐBSCL. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI; ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ; ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Ông Đậu Anh Tuấn trình bày về kết quả điều tra PCI năm 2018 và những xu hướng nổi bật, tình hình phát triển DN và thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL, chất lượng cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL qua PCI, môi trường kinh doanh của ĐBSCL qua kết quả điều tra PCI năm 2018.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN