Đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

27/03/2020 - 07:19

BDK - Bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt là các DN khởi nghiệp (KN). Trước tình hình này, các DN mong muốn được ngân hàng (NH) kéo dài thời gian thu nợ, miễn, giảm lãi suất, tiếp cận các gói vay mới. Ông Lê Công Thành - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bến Tre cho biết:

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Thạch Thảo

- Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, ngày 13-3-2020 của NHNN Việt Nam quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã khẳng định việc các NH được chủ động trong thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Bản thân các NH cũng là DN. Đây là động thái mà các NH muốn chia sẻ khó khăn với DN, hộ gia đình.

Đối với xem xét kéo dài thời hạn thu nợ, thì phần kéo dài tối đa không quá 1 lần vay trước. Theo Thông tư số 01, khách hàng được giữ nguyên nhóm nợ. Từng tổ chức tín dụng chủ động xây dựng quy chế miễn, giảm lãi suất gửi cho NHNN biết và căn cứ vào đó miễn, giảm lãi cho khách hàng và phải có hướng dẫn cụ thể, đưa ra trường hợp cụ thể để áp vô chứ không nói chung chung.

Về cho vay mới, ngành NH hiện cam kết bảo đảm đủ vốn để cho các DN vay, khôi phục sản suất, bảo đảm không thiếu vốn. NH sẽ ưu tiên xem xét cho vay đối với những DN thực sự khó khăn. Ngoài cho vay trực tiếp sản xuất, kinh doanh, NH cũng được lưu ý cho vay tiêu dùng để người dân không vướng vào “tín dụng đen”, trong lúc doanh thu, lợi nhuận kinh tế gia đình sụt giảm.

* Tiêu chí “thực sự khó khăn” ra sao, thưa ông?

- Dịch bệnh xảy ra hầu như ảnh hưởng đến tất cả các ngành nhưng DN thực sự khó khăn là DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 như các DN vận tải (gồm hàng không, xe, tàu bè), DN trong lĩnh vực du lịch, DN xuất khẩu nông sản.

Toàn tỉnh có 29 chi nhánh NH, 69 phòng giao dịch trực thuộc các NH, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô, 9 quỹ tín dụng nhân dân. Với số đơn vị này, NHNN đã yêu cầu các NH chủ động đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng chứ không ngồi đợi khách hàng tự tìm tới. Về việc chủ động đánh giá, chúng tôi cho rằng, hiện toàn tỉnh có khoảng 37 ngàn tỷ đồng dư nợ, trong đó dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do hạn mặn và dịch Covid-19 khoảng trên 10 ngàn tỷ đồng (riêng hạn mặn là gần 5 ngàn tỷ đồng).

* Có ý kiến phản ánh, mặc dù có tài sản thế chấp nhưng vẫn không được NH cho vay?

- Tôi có nghe một số DN nói như thế. Chúng tôi có vào cuộc và tìm hiểu. DN đã đầu tư thì phải chịu có rủi ro. Trong tình cảnh này, NH chỉ có thể chia sẻ với khách hàng khi gặp khó khăn. DN không thể đòi NH hỗ trợ kép như vừa cơ cấu lại nợ, giảm nợ… Không có NH nào mong muốn xử lý tài sản thế chấp của DN, vì thủ tục rất rườm rà, phức tạp, mất thời gian. Mục đích cho vay của các NH là cho vay dự án khả thi, để DN có thể trả gốc và lãi ổn định.

* DN KN đang rất cần vốn duy trì sản xuất, hoạt động, vậy họ có được ưu tiên vốn vay?

- DN KN cũng là DN. NH hiện không có cơ chế vốn ưu tiên cho DN KN. DN KN hiện mong muốn được vay tín chấp, không bảo đảm bằng tài sản, trong Nghị định số 55 vẫn có cơ chế cho DN vay tín chấp, nhưng NH không dám cho vay tín chấp. Bởi, các DN KN phải có quá trình quan hệ tín dụng từ nhỏ đến lớn, có dự án tốt; là DN hoạt động có hiệu quả và được NH xếp loại tốt, thì khi thiếu vốn sẽ được NH cho vay tín chấp. Còn DN KN mới, NH không biết hiệu quả hoạt động, dự án chưa hẳn hiệu quả thì NH rất dè dặt khi đưa vốn cho vay, mặc dù là vốn tín dụng hay thế chấp tài sản.

Tuy nhiên, từ trước đến nay tại tỉnh ta, một số NH vẫn sắp xếp nguồn vốn để các DN KN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường là 1%/năm. Đồng thời, phía Trung tâm Xúc tiến đầu tư đã giới thiệu đến NHNN các dự án KN để NHNN giới thiệu đến từng ngân hàng thương mại (NHTM). Trong thời điểm này, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ DN KN với tinh thần khẩn cấp hơn như giải quyết nhanh các thủ tục cho vay chẳng hạn.

* Về gói tín dụng gần 300 ngàn tỷ đồng như thế nào?

- Đây là gói tín dụng hệ thống NHTM trong toàn quốc cam kết hỗ trợ DN trong thời điểm dịch Covid-19.

Nhưng để nguồn vốn này đi vào thực tế thì cần xem các DN có khả năng hấp thụ vốn này hay không. Có nghĩa là DN có kế hoạch, dự án tốt và có khả năng trả gốc và lãi. Đừng hiểu lầm là có khó khăn thì NH lo hết. Qua cơn dịch bệnh này, uy tín của các NHTM cũng sẽ được sáng tỏ trong việc chia sẻ, đồng hành với khách hàng của mình.

* Xin cảm ơn ông!

Thạch Thảo (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN