Giải pháp khắc phục hạn mặn

10/06/2020 - 07:14

BDK - Những cơn mưa đầu mùa đã góp phần hạ nhiệt tình trạng hạn mặn tại tỉnh nói chung và huyện Mỏ Cày Bắc nói riêng. Tuy nhiên, theo nhận định, xâm nhập mặn, hạn hán vẫn còn là thách thức cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tiếp theo. Trước thực trạng đó, huyện Mỏ Cày Bắc đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục ảnh hưởng hạn mặn trong thời gian tới.

Lực lượng hỗ trợ cấp nước cho người dân trên địa bàn huyện. Ảnh: Đăng Thạch

Lực lượng hỗ trợ cấp nước cho người dân trên địa bàn huyện. Ảnh: Đăng Thạch

Hạn chế thiệt hại

Đợt hạn mặn 2019-2020, độ mặn 4%o đã xâm nhập gần toàn bộ các xã của huyện. Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân, huyện chỉ đạo khẩn trương triển khai các giải pháp phòng chống và ứng phó xâm nhập mặn.

Cụ thể, huyện đã đắp đập tạm Bến Bè để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ cho khoảng 305ha cây ăn trái và cây giống của xã Hưng Khánh Trung A, Phước Mỹ Trung; xây dựng cống ngăn mặn Phước Khánh - Phước Lý, xã Phước Mỹ Trung. Đồng thời, trang bị 19 nắp cống phi 100 cho xã Tân Thanh Tây, Thanh Tân, Tân Thành Bình, Nhuận Phú Tân.

Bên cạnh đó, huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi vận hành cống Giồng Keo, xã Tân Bình và Tân Thanh Tây phục vụ 600ha; cống Bà Chơn, xã Tân Thành Bình phục vụ 210ha; khắc phục sạt lở cống Chim Đậu, xã Thành An; cống Hai Hùng, Cây Me, xã Thạnh Ngãi; cống Rạch Dưới (vàm Mỹ Sơn), xã Phú Mỹ; sửa chữa, gia cố nhiều bờ bao phục vụ trên 1.250ha cây ăn trái và cây giống...

Ngoài trưng dụng bể chứa nước của chùa Kỳ Viên, xã Thanh Tân, các hồ bơi di động tại xã Thành An, Tân Thành Bình, huyện còn chủ động các giải pháp cung cấp nước ngọt dùng sinh hoạt cho người dân, đảm bảo tối thiểu mỗi người dân được cấp 20 lít nước/ngày. Các ban, ngành tỉnh, huyện đã vận động mạnh thường quân ủng hộ gần 22 ngàn mét khối nước ngọt cho 10 xã trên địa bàn huyện.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Bắc Mai Văn Cang cho biết: Khoảng tháng 8-2019, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành liên quan và nhận định của Đài Khí tượng thủy văn, huyện kịp thời xây dựng kế hoạch phòng chống hạn mặn; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đắp bờ bao cục bộ, trữ nước trong mương vườn. Khi độ mặn 4%o xâm nhập khắp huyện, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch cấp nước cho hộ dân.

Từ ảnh hưởng của đợt hạn mặn năm 2015-2016, trong công tác quản lý nhà nước và người dân trực tiếp sản xuất đã rút kinh nghiệm hơn. Theo ông Mai Văn Cang, ngay khi Đài Khí tượng thủy văn có thông báo về diễn biến mặn xâm nhập, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức đo độ mặn hàng ngày tại một số nhánh sông chính và nhiều điểm quan trọng trên địa bàn; đồng thời, thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh huyện, xã để người dân biết, chủ động ứng phó.

Người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Một số hộ trồng cây giống và chăn nuôi trữ nước trong túi nylon, mương vườn. “Nhờ có sự chủ động từ trước nên năm 2019-2020, mặc dù mặn xâm nhập sâu nhưng thiệt hại của người dân ít hơn năm 2015-2016. Tính đến ngày 20-5-2020, xâm nhập mặn làm thiệt hại 55,3ha cây giống, gần 82ha cây ăn quả, trên 2,8ha thủy sản nước ngọt. Tổng giá trị thiệt hại trên 54 tỷ đồng”, ông Mai Văn Cang cho biết thêm.

Giải pháp lâu dài

Đợt hạn mặn năm 2019-2020, huyện cơ bản phòng chống hiệu quả nhưng các giải pháp đã thực hiện còn mang tính tạm thời, chưa bền vững. Mặt khác, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trong đó có Mỏ Cày Bắc chưa khép kín sẽ là thách thức trong công tác phòng chống hạn mặn. Vấn đề của huyện hiện nay là việc trữ nước lâu dài trong dân không đủ, chỉ đáp ứng cục bộ, không đạt 100% nước ngọt trong suốt thời gian hạn mặn.

Theo Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Văn Cang, để đảm bảo về lâu dài, hàng năm, phòng sẽ phối hợp với xã theo dõi và gia cố những công trình thủy lợi như: đê bao, bờ bao, cống được các ngành cấp trên đầu tư hỗ trợ. Tiếp tục tuyên truyền trong dân chủ động và tích cực trữ nước ngọt, nước mưa. Riêng trong mùa khô năm 2020-2021, huyện đề xuất xây dựng đê bao Gia Phước, bờ bao Tân Nhơn giai đoạn 2 (Hưng Khánh Trung A), bờ bao Phước Hậu - Phước Trung (Phước Mỹ Trung), bờ bao Kinh Gãy (xã Phú Mỹ), bờ bao Tân Thông 2 - Tân Thông 3 (xã Thanh Tân) giai đoạn 1. Khi các đê bao hoàn thiện đảm bảo nước ngọt toàn huyện.

Huyện đề xuất tỉnh quan tâm đầu tư 2 cống ở 2 đầu sông Cái Cấm, khi mặn xâm nhập sẽ đóng hai cống trên sông Cái Cấm và biến nơi đây thành hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thiên Di

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN