Giáo dục giới tính - không nên cứng nhắc

22/03/2019 - 07:27

BDK - Với lối truyền thông mới lạ, hài hước, TS Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (TP. Hồ Chí Minh) đã đưa vấn đề giáo dục giới tính (GDGT) đến với học sinh Trường THPT An Thới (Mỏ Cày Nam) một cách tự nhiên và được đánh giá là thiết thực, hiệu quả.

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (bên phải) đặt câu hỏi về giáo dục giới tính tương tác với học sinh.

TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (bên phải) đặt câu hỏi về giáo dục giới tính tương tác với học sinh.

Giáo dục không gò ép

GDGT là cụm từ không ít học sinh ửng mặt khi nhắc đến, thậm chí phụ huynh và giáo viên cũng hạn chế đề cập với lứa tuổi này vì cho rằng vấn đề nhạy cảm. Thế nhưng tham gia chương trình giáo dục kỹ năng sống với chủ đề “Cùng GREEN LIGHT+” vững bước vào đời do Câu lạc bộ kỹ năng sống “GREEN LIGHT+” tổ chức ngày 17-3-2019, 400 học sinh Trường THPT An Thới đã nhập cuộc một cách hào hứng với sự dẫn dắt khéo léo của TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Bằng những trò chơi, câu hỏi tương tác với ngôn từ tuổi teen, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đưa các bạn học sinh đến chuyên đề 3T: tình bạn - tình yêu - tình dục rất tự nhiên nhưng mang hàm lượng giáo dục sâu sắc. Cụ thể, TS ví von việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục như đi xe máy phải đội bảo hiểm để bảo vệ cái đầu và giảm nhẹ chấn thương khi có sự cố xảy ra. Hay như cách hướng dẫn học sinh đối phó với một kẻ muốn “a-b-c-…y-z” (cách nói của tuổi teen về việc xâm hại tình dục), TS nói: “Nếu các em không thể chọn lựa phương án hét to và bỏ chạy thì hãy dùng “mỹ nhân kế”. Giả vờ đồng thuận theo hắn, rồi từ từ kéo quần hắn xuống đến khỏi đầu gối. Giờ đây, chiếc quần đang trói chân hắn, hãy đưa chân đá vào “chỗ hiểm” của hắn rồi bỏ chạy”.

 Nhờ cách diễn thuyết tự nhiên pha thêm động tác cử chỉ tay chân, các học sinh bị cuốn hút và mạnh dạn chia sẻ hiểu biết của mình về phòng tránh thai, quy trình cho một tình yêu lành mạnh, phòng và ứng phó khi có tình huống xâm hại tình dục… Từ đó, TS điều chỉnh những nhìn nhận chưa đúng và hướng dẫn các em điểm dừng cho tình bạn ở lứa tuổi học sinh THPT. Nhân - học sinh lớp 10C chia sẻ: “Cách thầy Hiếu giảng bài rất dí dỏm, em và các bạn tiếp cận thông tin mà không gượng ép, ai nấy thoải mái bày tỏ. Qua đó, em được củng cố kiến thức và nắm thêm những kiến thức về giới, tình dục để hướng đến tình bạn, tình yêu bền vững trong tương lai”.

“TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu làm chúng tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Những từ diễn đạt vấn đề tế nhị trong GDGT được truyền tải một cách vui tươi, sinh động, hài hước mà ai cũng có thể nghe. Đây là cách giáo dục mới có hiệu quả cao. Biểu hiện cụ thể là các em học sinh hào hứng và tập trung theo dõi đến giờ chót”, một giáo viên tham gia chương trình đánh giá.

Giáo dục phải hấp dẫn và thiết thực

Hiện nay, hầu hết trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh đã đưa GDGT vào trong học đường. Tuy nhiên, cách tiếp cận vấn đề giới tính hiện chưa hấp dẫn và vẫn mang nặng kiến thức khoa học nhiều hơn là tâm lý. Học sinh hiểu một cách “nửa vời”, vì thế các em càng học thì càng tò mò. Có lần T. - cô bạn làm giáo viên than phiền học sinh bây giờ ghê lắm, sau khi dạy “quá trình tinh trùng kết hợp với trứng được gọi là sự thụ tinh. Trứng đã được thụ tinh gọi là hợp tử”, các em thắc mắc tiếp: “Làm thế nào để tinh trùng gặp được trứng?”. T. ngại ngùng và lờ đi chuyện khác. Không chỉ riêng cô T. mà do đặc trưng văn hóa và nhận thức của nhiều người còn hạn chế, nên vấn đề GDGT được xem là tế nhị nên thường lảng tránh và không đề cập công khai.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình Đỗ Thị Kiên Trinh, học sinh cần kiến thức khoa học nhưng chỉ vừa phải. Quan trọng hơn là phải giúp các em sẵn sàng với biến đổi cơ thể, biết tôn trọng bạn khác giới, đặc biệt là có kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Tiếc rằng, những điều này sách giáo khoa chưa nhắc tới. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc mỗi năm tại Việt Nam trung bình có khoảng 300 ngàn ca nạo phá thai, tỷ lệ nạo phá thai cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 5 trên thế giới. Điều đáng buồn, tỷ lệ nạo phá thai lại rơi chủ yếu vào lứa tuổi vị thành niên.

Trên địa bàn tỉnh, việc mang thai ở tuổi vị thành niên chưa được thống kê cụ thể nhưng thực tế có những hệ lụy và hậu quả nặng nề do các bà mẹ còn quá trẻ, thể chất và tinh thần chưa phát triển để sẵn sàng làm mẹ. Nhiều trẻ ở lứa tuổi 14 - 15, còn cắp sách đến trường, chưa có kinh nghiệm về cuộc sống gia đình nhưng đã phải làm cha mẹ do thiếu hiểu biết về tình dục. Hay những cái chết thương tâm bởi bản thân vướng vào con đường tình yêu, tình dục quá sớm. Đó là hệ quả tất yếu từ việc xem nhẹ chương trình GDGT và sức khỏe sinh sản.

“Với nhiều bậc phụ huynh, GDGT hầu như chưa bao giờ được đặt ra, chưa hiểu được rằng nhu cầu tìm hiểu về giới tính của con cái là điều tự nhiên, cần thiết và tất yếu nên không giáo dục cho con về vấn đề này. Phụ huynh, nhà trường phải thay đổi quan điểm, quan tâm xem việc GDGT cho các em là hết sức cần thiết vì đây là cách để bảo vệ thế hệ tương lai, gìn giữ chất lượng dân số của tỉnh nhà”, bà Đỗ Thị Kiên Trinh cho biết.

Bài, ảnh: Ph. Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích