Hai hoàn cảnh thật đáng thương

06/09/2020 - 07:36

BDK.VN - Đầu năm 2019, khúc cua cuộc đời đã ập vào Nguyễn Văn Liền, ấp Giồng Lớn, xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối đang làm anh tài xế tuổi 30 kiệt sức, oằn gánh người vợ trẻ cùng hai con thơ dại.

Gia đình anh Nguyễn Văn Liền. Ảnh: Lệ Đề

Gia đình anh Nguyễn Văn Liền. Ảnh: Lệ Đề

10 năn trước, chàng trai Bến Tre nên duyên cùng cô gái Nguyễn Thị Cẩm Chi, sinh năm 1989, quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Gặp nhau độ tuổi thanh xuân, chồng làm tài xế, vợ làm công nhân may, trên TP. Hồ Chí Minh, kinh tế tạm ổn, cuộc sống bình dị, hạnh phúc ngập tràn. Đầu năm 2011, Nguyễn Nhật Tiền chào đời trong hân hoan của đôi vợ chồng trẻ. Khi con lên ba, chị Chi về Ba Tri sinh sống, buôn bán quần áo trẻ em, trông con nhỏ. Anh Liền làm tài xế cho một doanh nghiệp tư nhân sắt, thép ở Long An. Đến năm 2017, đứa con thứ 2 Nguyễn Tấn Phát chào đời, cùng với đó là căn nhà mơ ước được hoàn thành từ sự tích góp của vợ chồng, hỗ trợ của người thân, hàng xóm. Cuộc sống bình dị của đôi vợ chồng trẻ cứ tưởng sẽ mãi hạnh phúc.

Qua Tết năm 2019, biến cố đến với gia đình, anh mắc phải căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Từ đây, người phụ nữ nhỏ nhắn Cẩm Chi phải mạnh mẽ để chu toàn tất cả, đưa con đi học, chăm sóc chồng, cùng hành trình chạy thận nhân tạo. Chị ngẹn ngào chia sẻ: Nửa năm trước, anh Liền nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, khi có máy trống mình mới được chạy thận. Gần đây, anh chuyển về Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để điều trị, tình hình ổn định hơn, được chạy theo định kỳ, buổi chiều, các ngày lẻ trong tuần. Chi phí do bảo hiểm thanh toán theo diện hộ nghèo. Những ngày không chạy thận, anh Liền luôn trong tình trạng thở gấp, xanh xao. Những cơn đau lồng ngực, niềm trăn trở hoàn cảnh, anh không thể nào ngủ được. Trong mệt mỏi, anh Liền cố gượng: Tôi không ăn uống được nhiều, nghĩ về vợ con nên cố gắng, chứ mỗi lần đi là thêm một lần đau. Cánh tay phải của anh Liền chằn chịt những u nần do chạy thận, chỗ phù nơi chai do ba ngày chạy thận mỗi tuần. Dù nắng hay mưa, đầu giờ trưa định kì, chị lại đèo anh trên chiếc xe máy với quãng đường đi về gần 100km, đôi khi phải “nhốt” các con trong nhà vì  không gửi được ai. Hiện tại, Nhật Tiền đang học lớp 4, còn Tấn Phát học Mầm non (3 tuổi). Từ ngày anh bệnh, chị không còn buôn bán nữa. Kinh tế gia đình đã kiệt quệ, chủ yếu nhờ sự trợ giúp của cộng đồng, người thân. Hành trình chạy thận không chỉ thoáng qua, dài và kéo dài hơn thế, cần lắm những tấm lòng nhân đạo của mọi người giúp gia đình anh Liền và chị Chi giảm đi phần nào khó khăn vượt qua bệnh tật.   

“Năm ngoái, ấp tham gia bình xét hộ nghèo cho gia đình Liền và Chi để có bảo hiểm điều trị bệnh. Góc độ địa phương còn khó khăn, chỉ biết động viên gia đình, kêu gọi sự hợp lực từ cộng đồng, tấm lòng nhân đạo gần xa đồng hành cùng cháu vượt qua bệnh tật”, ông Mai Văn Thọ - Trưởng ấp Giồng Lớn cho biết.

Chồng bướu ác tính, vợ câm điếc bẩm sinh, nuôi ba con nhỏ

Giữa tháng 6-2020, bà Lê Thị Thu, sinh năm 1964, ấp An Phú 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, chết lặng khi nhận được thông tin con rễ thứ hai mắc căn bệnh ung thư quái ác, đang xạ trị tại Bệnh Viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.

Gia đình Võ Văn Quới. Ảnh: Lệ Đề.

Gia đình Võ Văn Quới. Ảnh: Lệ Đề.

Anh Võ Văn Quới, sinh năm 1989, quê Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, hiền lành, chân chất. Hơn 11 năm ở  rể, anh luôn được sự tin yêu từ phía gia đình vợ. Năm 2019, Quới gặp chị Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1984, bị câm điếc bẩm sinh, rồi về sống chung ở An Hòa Tây. Anh làm nghề công nhân nuôi thủy sản. Chị không lanh lẹ nên làm những việc lặt vặt, bán vé số dạo gần nhà. Thu nhập chủ yếu từ anh Quới, cùng hỗ trợ của người thân. Thương vợ, anh chăm chỉ làm ăn, nhưng cái nghèo khó vẫn cứ bám díu. Ba đứa con lần lượt chào đời: Võ Thị Yến Linh (sinh năm 2011), Võ Thị Cẩm Tú (sinh năm 2016), Võ Minh Lâm (sinh năm 2017), khó khăn gấp bội.

Bảy năm trước, được sự hậu thuẩn bên vợ, giúp đỡ của địa phương, cần mẫn lao động, anh xây dựng được ngôi nhà nhỏ che nắng, che mưa cho vợ con. Cứ ngỡ cuộc sống rồi sẽ ổn định nhưng tự nhiên anh Quới thấy sức khỏe yếu đi. Ba tháng trước, đi khám bệnh, anh phát hiện mình bị  u tuyến mang tai.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Ấn, 59 tuổi, cha ruột chị Yến, vừa mất vì căn bệnh K phổi. Bà Thu cũng trải qua phẩu thuật cột sống  năm 2016. Và đến năm 2019 mổ sỏi thận, nay thêm bệnh bướu lành. Khi còn sức khỏe, bà làm phụ giúp vợ chồng anh Quới. Nay bệnh tật hoành hành, chồng mất, bà không còn đủ sức để giúp 2 con.

Bà tâm sự: Ngày xưa, vợ chồng tôi đi cào nghêu, gánh cát, gánh đất để lo phụ nó, chỉ ăn cơm nguội, cá heo kho mà thôi. Giờ, tôi bệnh, nó cũng bệnh, không biết cuộc sống sẽ về đâu. Hiện tại, bà Lan thu nhập ít ỏi từ tiệm tạp hóa nhỏ, mỗi ngày chưa tới 50 ngàn đồng, phải nuôi 6 người. Còn công việc bán vé số của chị Yến chỉ mang tính chất minh họa, bán nhiều lỗ nhiều. Khoảng 2 tuần nay, anh Quới phải mướn nơi trọ (50 ngàn đồng/ngày) để thực hiện quá trình xạ trị, đã được 8 lần/33 lần chỉ định. Để giảm chi phí, anh thường xin cơm từ thiện, hay cơm chay trong chùa. Cả bên vợ lẫn bên anh, đều đông con, anh em cũng không khá giả, nên chỉ giúp đỡ được trong giới hạn. Chi phí điều trị, sinh hoạt, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ địa phương, từ thiện, chủ doanh nghiệp ngày xưa anh làm công.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó chủ tịch UBND xã An Hòa Tây cho biết: Xã đã xác nhận hoàn cảnh khó khăn cho hộ anh Võ Văn Quới, tiếp tục động viên gia đình, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, vận động mạnh thường quân giúp sức để có chi phí chữa bệnh, cũng như hỗ trợ phần nào cuộc sống hiện tại của gia đình Quới.

Quá trình xạ trị, Hội đồng y khoa Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh sẽ có quyết định cụ thể, ngưng hoặc chuyển sang hóa trị. Con đường đấu tranh bệnh tật còn dài, cần lắm sự ủng hộ thiện nguyện của cộng đồng, tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhân và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau của gia đình.

Lê Đệ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN