Hào khí Đồng khởi trong ký ức nhà báo cách mạng lão thành

17/01/2020 - 22:05

BDK.VN - Ngày 17-1-1960, người dân Bến Tre đã đồng loạt nổi dậy làm nên cuộc Đồng khởi, giải phóng nhiều xã, ấp trên địa bàn tỉnh. Lịch sử đã ghi lại rất nhiều về phong trào Đồng khởi của quân, dân Bến Tre. Đến nay, hào khí bất tận của Đồng khởi 1960 vẫn còn âm vang mãi.

Ông Lê Chí Nhân - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, cựu nhà báo cách mạng lão thành.

Ông Lê Chí Nhân - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, cựu nhà báo cách mạng lão thành.

“Đồng loạt, đồng lòng khởi nghĩa”

Đến giờ, ông Lê Chí Nhân (Tư Chí Nhân) - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, cựu nhà báo cách mạng lão thành vẫn còn khắc sâu hình ảnh sôi động của những tháng ngày lịch sử. Ông Chí Nhân kể, những năm 1954 - 1955, Tỉnh ủy Bến Tre chủ trương đấu tranh chính trị và đã gây cho địch nhiều hoang mang. Địch muốn dập tắt phong trào cách mạng, chúng ra sức bắt bớ, tù đày rất nhiều cán bộ và nhân dân. Bến Tre có hơn 17 ngàn người bị địch bắt giết hoặc nhốt ở các đồn bót và các đình: đình Bình Hòa (Giồng Trôm), đình Đầu Trâu (Bình Đại), Khám Lá (thị xã Bến Tre)…

Sau Hiệp định Geneve, nhiều cán bộ, đảng viên Bến Tre tập kết ra Bắc, còn lại khoảng 2 ngàn đảng viên thì đã bị bắt và giết chết, chỉ còn 162 đảng viên. Riêng tại Chi bộ Lộc Thuận (Bình Đại) sinh hoạt bất hợp pháp thì chỉ còn một mình ông Chí Nhân. Trước tình hình này, ông đã tổ chức Chi bộ B (hoạt động hợp pháp) nhưng trong tình thế rất căng, phải luôn đối phó với địch và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và hy sinh.

Cuối năm 1959, bà Nguyễn Thị Định (bấy giờ là Phó bí thư Tỉnh ủy) đi dự hội nghị ở Khu ủy Trung ương. Trước lúc bà lên đường, Tỉnh ủy đã có cuộc họp với tinh thần khẩn trương - chuẩn bị sẵn sàng, chú trọng công tác nội tuyến để lấy đồn bót địch.

Tỉnh ủy chủ trương thử lấy một bót địch. Thời điểm này, các đồng chí lãnh đạo ở các huyện đều nôn nao và ai cũng muốn “ra tay” lấy đồn bót địch trước. Sau đó, ông Mười Thi - Bí thư Huyện ủy Bình Đại được chỉ định lấy bót xã Lộc Thuận. Nhận nhiệm vụ, ông Mười Thi tổ chức họp bàn kế hoạch rất chu đáo với quyết tâm cao, bằng mọi cách phải lấy được bót giặc thật suôn sẻ. Ông Chí Nhân đã “cài” được ông Cây (một người dân địa phương) làm nội tuyến trong lòng địch. “Ngày 19-12-1959, lực lượng ta giả làm tổng đoàn dân vệ (được trang bị 5 cây súng giả). Thừa lúc địch đang mải mê đánh banh ở bên ngoài, ta kéo tới bót. Lúc này, ông Cây (nội tuyến) đã mở cửa cho lực lượng cách mạng tiến vào lấy bót giặc một cách êm xuôi. Sau đó, địch tổ chức phản công đánh chiếm lại bót, ta chống trả quyết liệt khiến cho địch thất bại. Trận ra quân đầu tiên, ta đã giành thắng lợi, tạo thêm nhiều niềm tin của nhân dân đối với cách mạng”, ông Chí Nhân nhớ lại. 

Sau khi dự hội nghị ở Khu ủy Trung ương về, bà Ba Định đã tổ chức họp phổ biến về chủ trương đồng loạt, đồng lòng khởi nghĩa. Cuộc họp đã thống nhất chọn ngày 17-1-1960 là ngày “đồng loạt, đồng lòng khởi nghĩa” (sau này được đổi tên là Đồng Khởi).

Sáng mãi hào khí Đồng khởi 1960

Tại Mỏ Cày, lực lượng khởi nghĩa nắm được tình hình tên Đội Tý - chỉ huy tổng đoàn dân vệ đã tới xã Định Thủy. Sáng 17-1-1960, lực lượng ta giả dạng làm người đi tảo mộ ở khu vực gần đình Rắn. Lúc này, tên Đội Tý đang ngồi uống cà phê tại quán với một tên cận vệ thì bị lực lượng ta bất ngờ ập vào giết chết 2 tên này. Sau đó, ta phát động nhân dân nổi dậy chiếm chính quyền rồi đến xã Phước Hiệp, xã Bình Khánh…

Tại Thạnh Phú, khoảng 4 - 5 giờ chiều ngày 17-1-1960, lực lượng cách mạng giả làm tổng đoàn dân vệ, khi đi có áp giải một cán bộ cách mạng (có tiếng tăm) rồi kéo tới bót địch ở xã An Qui. Tới nơi, “lính” tổng đoàn dân vệ lớn tiếng kêu mở cửa ra tiếp nhận “tù binh”. Bọn địch vui mừng hả hê và chúng bị trúng kế. Lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng lấy được bót An Qui.

Cùng ngày 17-1-1960, Đồng khởi đã diễn ra ở nhiều nơi khác trong tỉnh, lấy được nhiều bót địch ở nhiều xã. Tối 17-1-1960, ta lấy được bót xã Phước Thạnh (huyện Châu Thành) và bót xã Bình Hòa (huyện Giồng Trôm)...

“Lúc đi lấy bót địch, lực lượng ta chỉ có vài cây súng với mấy viên đạn. Ta ngụy trang thêm súng giả làm bằng bập dừa, đem theo nhiều dao mác để phô trương thanh thế làm cho bọn địch cuống cuồng hoảng sợ”, ông Chí Nhân kể.

Sau khi lấy được một số bót địch, ta tịch thu súng và thành lập 2 đội võ trang tuyên truyền. Ngày 19-1-1960, đội võ trang tuyên truyền do ông Chí Nhân phụ trách đã đột nhập vào thị trấn An Hóa. Hay tin, người dân hưởng ứng rất đông nhưng lực lượng ta chỉ có 4 khẩu súng trường, một số người khác cầm dao, mác vót, gậy gộc. Dọc đường, ta đã dùng bập dừa nước giả làm súng rồi tiến về trụ sở thị trấn. Lực lượng ta bắt được tên Ngát (một ác ôn nổi tiếng), mời gia đình tên này ra chứng kiến, đọc bản luận tội (đã soạn sẵn trước đó) rồi tuyên bố xử tử trước mặt đông đảo quần chúng nhân dân. 

Lực lượng khởi nghĩa đã giương cao băng rôn với khẩu hiệu “Diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ” kéo tới nhà của những tên Việt gian, ác bá có nhiều tội lỗi với nhân dân, trừng trị bọn chúng và được quần chúng hoan nghênh hưởng ứng. “Trong lúc lực lượng ta tiêu diệt ác bá, không phải muốn xử tử tên nào là làm tùy tiện mà phải xin ý kiến của nhân dân, lấy dân làm gốc. Đây cũng là điều đặc biệt trong lúc khởi nghĩa”, ông Tư Chí Nhân cho biết.

Theo ông Lê Chí Nhân, trong năm Đồng khởi 1960, lực lượng cách mạng đã tịch thu hơn 80 ngàn ha đất của bọn Việt gian, địa chủ, ác ôn và đã trao trả lại cho nông dân. Từ thời điểm này, người dân đã thực sự làm chủ được bản thân, làm chủ mảnh đất, làm chủ chính quyền... Do đó, đã tạo nên sức mạnh bất diệt, người dân đoàn kết một lòng cùng cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN