Hậu quả khôn lường vay “tín dụng đen”

24/07/2019 - 07:07

BDK - Hiện nay, những mẩu quảng cáo, tờ rơi kiểu vay không cần thế chấp, chỉ cần một trong các loại giấy tờ như: giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe, hóa đơn tiền điện... được treo, dán, phát tán nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn. Thực chất đây là một kiểu cho vay nặng lãi, với lãi suất dao động từ 15 - 60%/tháng.

Thu giữ tang vật của một nhóm cho vay nặng lãi trên địa bàn TP. Bến Tre.

Thu giữ tang vật của một nhóm cho vay nặng lãi trên địa bàn TP. Bến Tre.

Lãi suất “cắt cổ”

Với mức lãi suất “cắt cổ”, người vay tiền cứ nai lưng ra đóng lãi, trong khi tiền nợ gốc vẫn còn nguyên. Nếu không có tiền đóng lãi thì tiền lãi cộng vào tiền gốc rồi tiếp tục tính lãi tăng lên.

Những kẻ cho vay nặng lãi có rất nhiều thủ đoạn để ràng buộc người vay, đến khi người vay mất khả năng chi trả thì bọn chúng sẽ hành xử theo kiểu xã hội đen để cưỡng đoạt tài sản của người vay hoặc sử dụng các giấy tờ thế chấp đã buộc người vay ký trước đó để chiếm đoạt tài sản một cách hợp pháp. Một trong những thủ đoạn bọn cho vay nặng lãi thường sử dụng là buộc người vay tiền phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất để thế chấp, với thỏa thuận khi nào trả hết nợ cả gốc lẫn lãi sẽ hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng và trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất cho người vay. Với số tiền vay lớn, lãi suất cao, người vay không thể trả nổi, những kẻ cho vay sẽ buộc người vay bán nhà, đất lấy tiền trả nợ hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu cho chúng, mặc dù giá trị thực tế của tài sản lớn hơn rất nhiều so với số tiền đã vay.

Có trường hợp đối tượng cho vay lập hợp đồng cho mượn tiền trong thời hạn ngắn nhưng số tiền ghi trong hợp đồng bao gồm luôn cả tiền gốc và tiền lãi, sau đó công chứng tại các phòng công chứng tư. Khi xảy ra tranh chấp, người cho vay khởi kiện ra tòa án và nắm chắc phần thắng về mình.

Về mặt pháp lý trong thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay, Luật sư Trần Nhật Long Huy - Đoàn Luật sư tỉnh cho biết: “Với kiểu thỏa thuận như trên, người vay luôn phải chịu bất lợi về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp. Khi khởi kiện ra tòa thì pháp luật không thể bảo vệ được quyền lợi của người vay vì tất cả giấy tờ giao kèo, hợp đồng vay mượn đều có lợi đối với bên cho vay”.

Đối với những đối tượng cho vay tại các chợ hay khu công nghiệp thì số tiền cho vay không lớn, thường chỉ dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng nhưng lãi suất rất cao, có khi lên đến 60%. Những kẻ cho vay có thể thu tiền lãi hàng tháng hoặc góp mỗi ngày. Người vay không có tiền trả lãi thì tiền lãi sẽ cộng vào tiền gốc và tính lãi cho tháng hoặc ngày tiếp theo. Khi người vay không còn khả năng trả nợ thì những kẻ cho vay sẽ đe dọa, hành hung, khủng bố tinh thần để xiết nợ.

Nhiều thủ đoạn “xiết nợ”

Tại những tụ điểm cờ bạc, các con bạc thua với số tiền lớn thường vay nóng với lãi suất rất cao. Khi không có khả năng chi trả, bên cho vay sẽ dùng mọi thủ đoạn để gây sức ép buộc gia đình những người vay phải trả nợ thay.

Vào ngày 10-4-2019, Công an tỉnh đã giải cứu thành công chị T.T.N.T. (sinh năm 1973, ngụ TP. Hồ Chí Minh) và anh Đ.Q.C. (sinh năm 1970, ngụ TP. Hà Nội) bị một nhóm đối tượng khống chế, giam giữ trong một nhà nghỉ trên địa bàn TP. Bến Tre, nhằm tạo áp lực buộc gia đình trả số tiền do cả hai vay để đánh bạc tại Campuchia. Theo lời khai của anh C., trước khi đưa về Bến Tre, nhóm đối tượng này đã giam giữ hai người tại Campuchia và dùng cây, dây thắt lưng để đánh đập, gây nhiều thương tích.

Thượng tá Lê Quang Minh - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh khuyến cáo: “Từ các vụ việc đã xảy ra, bà con cần vốn nên tiếp cận nguồn vốn hợp pháp, lãi suất thấp từ các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, không vay tiền từ các tổ chức không có chức năng kinh doanh tài chính và những cá nhân hay băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen”.

Cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức, bóc lột người vay với mức lãi suất rất cao. Khi người vay không còn khả năng trả nợ, bọn cho vay sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để xiết nợ. Do vậy, mỗi người khi có nhu cầu vay vốn cần phải cảnh giác, cân nhắc với hình thức vay nặng lãi, vay nóng để không trở thành nạn nhân của vấn nạn này.

“Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đề nghị mọi người cần phải mạnh dạn tố giác, hợp tác với cơ quan Công an để đấu tranh, xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi và đòi nợ theo kiểu xã hội đen, góp phần đẩy lùi vấn nạn nguy hiểm này ra khỏi đời sống xã hội” - Thượng tá Lê Quang Minh đề nghị.

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN