Hãy nuôi con bằng sữa mẹ

14/08/2012 - 15:49

Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (từ ngày 1 đến 7-8) được hơn 170 quốc gia trên thế giới tổ chức nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM).

“Thấu hiểu quá khứ, xây dựng kế hoạch cho tương lai - Kỷ niệm 20 năm Tuần lễ Thế giới NCBSM - Kỷ niệm 10 năm Chiến lược toàn cầu của WHO/UNICEF về nuôi dưỡng trẻ nhỏ” là chủ đề của Tuần lễ Thế giới NCBSM năm 2012. Để hưởng ứng hoạt động có ý nghĩa này, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo về việc triển khai Tuần lễ Thế giới NCBSM đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước bằng nhiều hoạt động truyền thông, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tư vấn NCBSM tại cơ sở y tế và cộng đồng…

NCBSM là một biện pháp tự nhiên nhưng kinh tế và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Các nhà khoa học đã chứng minh sữa non là món quà vô cùng quý giá mà mẹ dành cho trẻ mà không gì có thể thay thế được. Sữa non là sữa được tiết ra trong vài ngày đầu sau sinh nở. Nó giúp bảo vệ cơ thể trẻ chống nhiễm khuẩn và dị ứng, có tác dụng chống vàng da ở trẻ sơ sinh. Các yếu tố phát triển trong sữa non giúp bộ máy tiêu hóa trưởng thành, chống dị ứng và không dung nạp các thức ăn khác. Trong sữa non còn có nhiều vitamin A giúp trẻ chống nhiễm khuẩn và bệnh hô hấp. Theo Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ như sau: sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ, dễ hấp thu và tiêu hóa, bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, giúp trẻ phát triển trí thông minh. Đối với bà mẹ, việc NCBSM cũng có nhiều lợi ích mà nhiều bà mẹ có thể chưa biết như: tăng cường mối quan hệ gần gũi, yêu thương, gắn bó tình cảm giữa mẹ và con, giúp bà mẹ chậm có thai, bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ, giảm nguy cơ chảy máu sau đẻ cũng như ung thư vú và buồng trứng...

Làm thế nào để NCBSM đúng cách? Các chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ: Nên cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau đẻ, bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu. Cần chú ý bú mẹ hoàn toàn là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho trẻ bất cứ đồ ăn hoặc thức uống nào kể cả nước trắng tráng miệng, trừ trường hợp phải uống bổ sung vitamin hoặc thuốc theo chỉ định của thầy thuốc. Tiếp tục cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Cho trẻ bú đúng tư thế còn là một kiến thức không nên xem nhẹ, vì cho trẻ bú sai tư thế sẽ gây một số hậu quả khiến mẹ và bé mỏi, trẻ không thoải mái…, cách ngậm bắt vú sai còn làm cho bà mẹ đau và dễ nứt núm vú, trẻ hay khóc vì không bú đủ sữa, vú tạo sữa ít đi, dẫn đến trẻ tăng cân kém. Cách cho trẻ bú đúng là: đầu và thân trẻ ở trên cùng một đường thẳng, mặt trẻ đối diện với vú và miệng trẻ mở rộng ngậm bắt vú mẹ sao cho nhìn thấy quầng vú phía trên nhiều hơn phía dưới, thân trẻ sát với mẹ, đỡ phía dưới mông trẻ (nếu là trẻ sơ sinh).

Một số bà mẹ gặp khó khăn trong quá trình NCBSM đã nản chí và cho con thôi bú rất sớm. Các chuyên gia Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản khuyên các bà mẹ nên tìm nguyên nhân khiến trẻ không chịu bú từ đó có biện pháp khắc phục. Có hai nguyên nhân cơ bản, một là do trẻ bị bệnh hoặc trẻ bị đau và nguyên nhân thứ hai ở chỗ các bà mẹ đã cho con bú bình với đầu vú cao su trước đó, trẻ ngậm bắt vú không đúng cách, khó khăn do mẹ gây ra như mẹ rung vú, vú mẹ quá căng sữa, mẹ hạn chế số lần bú và thời gian cho con bú, sự ngăn cách với mẹ… Bà mẹ cũng cần nhớ không để vú “nghỉ”, nghĩa là phải luôn hút sữa ra. Nếu trẻ không bú được, bà mẹ vắt sữa và cho trẻ ăn bằng ly, muỗng. Khi gặp phải khó khăn trong quá trình cho con bú, các bà mẹ nên có niềm tin, luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm có thể cho trẻ bú một cách thoải mái trở lại và cần quan tâm một số việc: luôn gần gũi trẻ, cho trẻ bú bất cứ lúc nào trẻ muốn, giúp trẻ ngậm bắt vú đúng, không sử dụng chai và đầu vú nhân tạo.

Hãy cho trẻ một khởi đầu tốt đẹp bằng việc NCBSM và các bà mẹ cũng cần trang bị cho mình một số kiến thức để NCBSM được diễn ra một cách tốt đẹp cho cả mẹ và bé.

T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích