Hẹn nhau đi nhặt rác

05/04/2019 - 08:55

BDK - “Em không ngờ là rác nhiều đến như vậy!!!”, cậu bạn Minh Tuấn nói với tôi. Sáng thứ Sáu và Chủ nhật tuần cuối tháng 3-2019, nhóm tình nguyện CFC Bến Tre của Minh Tuấn và nhiều bạn trẻ của TP. Bến Tre đã hẹn nhau đi nhặt rác ven bờ sông Bến Tre đoạn qua công viên Mỹ Hóa và Tượng đài Chiến thắng trên sông. Hoạt động này đã thu hút sự chú ý của người dân, tạo hiệu ứng lan tỏa đến lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. Bến Tre.

Các bạn trẻ tham gia dọn rác ven bờ sông Bến Tre. Ảnh: CTV

Các bạn trẻ tham gia dọn rác ven bờ sông Bến Tre. Ảnh: CTV

Hiệu ứng từ một phong trào

Challenge For Change (CFC) là một phong trào dạo gần đây đang nổi lên khắp nơi trên thế giới và được cộng đồng ủng hộ bởi khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường, tinh thần tình nguyện vì cộng đồng. Nội dung chính của phong trào là “Thách thức dọn rác”. Mà theo đó, để thực hiện “thách thức” này, bạn phải dọn sạch rác ở một địa điểm nào đó bất kỳ và chụp lại hình ảnh làm minh chứng cho việc làm đó, so sánh hình ảnh hiện trường lúc trước và sau khi dọn rác. Trên địa bàn tỉnh, Challenge For Change được lực lượng đoàn viên, thanh niên các địa phương hưởng ứng với rất nhiều hình thức. Giữa tháng 3-2019, Đoàn thanh niên huyện Chợ Lách đã chia sẻ câu chuyện cũng như những hình ảnh rất đẹp về các em học sinh Trường THPT Trần Văn Kiết và học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Chợ Lách dọn rác ứ đọng ở khu vực cầu Chợ Lách cũ (Khu phố 2, thị trấn Chợ Lách). Hành động của các em học sinh đã truyền cảm hứng đến rất nhiều người.

Trở lại với CFC Bến Tre, nhóm tập hợp lực lượng là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên sống trên địa bàn TP. Bến Tre. Nòng cốt trong nhóm gồm 12 bạn, có bạn là cán bộ đoàn, có bạn chỉ là thanh niên đang đi làm, kinh doanh, có bạn còn là học sinh phổ thông, sinh viên cao đẳng… Đại diện nhóm, bạn Diếp Minh Tuấn kể về lý do “ra đời” CFC Bến Tre: “Tình cờ đi dạo ở công viên ven bờ sông, em và các bạn bắt gặp hình ảnh từng mảng rác dập dềnh trên mặt nước, lẫn vào lục bình tụ lại ven bờ sông rất mất mỹ quan. Nhóm em mới rủ nhau, tập hợp được hơn 10 người, quyết định hẹn nhau đi nhặt rác”.

Hai ngày ra quân trên đoạn bờ sông gần 100m, mỗi ngày làm chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ từ 5h30 sáng đến tầm 7h thì kết thúc nhưng số lượng rác mà nhóm thu gom khiến cho chúng ta phải suy nghĩ: Tại sao lại có quá nhiều rác bị thải xuống dòng sông đến như vậy? “Chủ yếu là rác nhựa như chai lọ, hộp xốp, thùng mút, vỏ bao trái cây, túi nilon, thậm chí có cả các thiết bị điện tử hư hỏng và xác động vật chết… Chúng em chỉ gom rác nhựa, hộp xốp nhưng từ hôm bắt đầu làm tới nay đã gom được hơn 30 bao tải lớn nhỏ”, một bạn học sinh trong nhóm cho biết.

Không chỉ là nhặt rác

Bạn Minh Tuấn kể lại: “Trước khi tiến hành, chúng em có chia sẻ ý tưởng này với các anh chị là cán bộ Tỉnh Đoàn cũng như liên hệ với chính quyền và Đoàn thanh niên Phường 5, TP. Bến Tre để được hướng dẫn các bước thực hiện về thu gom rác cũng như phân loại, xử lý rác sau khi thu gom. Hiện tại, nhóm tập trung thu gom rác nhựa, hộp xốp, nilon trôi nổi ven bờ. Sau khi gom thành từng bao thì tập kết lại vị trí mà chính quyền Phường 5 hướng dẫn để xe rác của bên xử lý rác đến chở đi vào cuối ngày”.

Các bạn trẻ tham gia dọn rác ven bờ sông Bến Tre. Ảnh: CTV

Các bạn trẻ tham gia dọn rác ven bờ sông Bến Tre. Ảnh: CTV

Vì là hoạt động ven bờ sông nên nhóm rất quan tâm yếu tố an toàn cho mọi người. Được biết, lý do chọn khung giờ từ 5h30 đến 7h là vì canh con nước lên xuống để đảm bảo an toàn trong công việc. “Nhóm có mượn được 15 áo phao của Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh để các bạn mặc khi xuống bờ sông nhặt rác. Trong quá trình làm, tất cả đều mang bao tay, mang ủng nhựa hoặc giày thể thao; cùng để ý nhau, đảm bảo không ai tự ý làm riêng lẻ một mình. Tất cả tự quy ước với nhau: an toàn là trên hết”, anh Nguyễn Thanh Phong, cùng tham gia nhóm tình nguyện CFC Bến Tre cho biết.

Sau khi chia sẻ hình ảnh hoạt động trên mạng xã hội, nhóm đã nhận được nhiều lời động viên, ủng hộ cũng như hưởng ứng của cộng đồng. Anh Thanh Phong cho biết: “Mỗi người trong nhóm cùng ra sức làm một cách nhiệt tình và vui vẻ. Qua việc làm này, nhóm mình muốn tác động chủ yếu đến học sinh, sinh viên. Thông qua chia sẻ hình ảnh hoạt động trên mạng xã hội, cũng như các bạn truyền tai nhau, sau 2 lần diễn ra thì đã có trên 20 bạn, chủ yếu là học sinh, sinh viên đến cùng làm với nhóm. Điều này rất đáng quý”.

Bắt đầu từ việc hưởng ứng một phong trào trên mạng xã hội, thế nhưng, hiệu quả mà Challenge For Change mang lại cho cộng đồng lại vô cùng thiết thực. “Em thấy mình cần làm không chỉ là nhặt rác mà còn phải làm cho người dân ở khu vực này nhìn thấy việc chúng em làm và thay đổi nhận thức, cùng giữ gìn môi trường sạch đẹp. Phải cùng hành động để thay đổi và trở nên tốt hơn. Mục đích chính của hoạt động Challenge For Change chính là như vậy”, Minh Tuấn nói.

“Ban đầu mục tiêu của nhóm là khu vực Tượng đài Chiến thắng trên sông (tượng đài Hoàng Lam) vì nhận thấy rác tụ vào đây rất nhiều. Nhưng do không có đủ phương tiện thu gom rác chuyên dụng nên nhóm không dám tổ chức cho các bạn xuống gom rác. Chúng tôi hy vọng ngành chức năng và chính quyền địa phương sẽ có giải pháp hỗ trợ để có thể giải quyết tình trạng tụ rác ở khu vực chân tượng đài. Trước mắt là thu gom, xử lý rác ở khu vực này để tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp”, anh Nguyễn Thanh Phong - nhóm CFC Bến Tre kiến nghị.

Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN