Hoạt động sản xuất ngành dừa đang gặp khó

21/02/2020 - 07:18

BDK - Thời điểm này, mặn đã xâm nhập bao trùm trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các nhà máy nước cung cấp phục vụ sinh hoạt và sản xuất cũng đã mặn toàn bộ, không thể phục vụ cho hoạt động sản xuất. Nhiều nơi bị thiệt hại do không kịp xử lý tình huống mặn đến nhanh. Cùng với đó là dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra đã tác động kép khiến hoạt động sản xuất, thương mại của nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN ngành dừa đang rất khó khăn.

Cơ sở sản xuất thương mại Trần Minh Tâm giảm công suất sản xuất đáng kể.

Cơ sở sản xuất thương mại Trần Minh Tâm giảm công suất sản xuất đáng kể.

Bà Lê Thị Bê - Chủ cơ sở sản xuất thương mại Trần Minh Tâm, Phường 6, TP. Bến Tre cho biết: Đợt mặn năm nay đến sớm khiến DN không kịp “trở tay”. Mới đây, lô sản phẩm được sản xuất từ thạch dừa xuất khẩu đi Nhật Bản đã hư do nước mặn. Để tiếp tục sản xuất, cơ sở đã mua nước uống đóng thùng (loại bình 21 lít) sử dụng.

Việc chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19, không thể xuất khẩu hàng vào thị trường Trung Quốc, cộng với yếu tố nước mặn đã khiến các DN, cơ sở sản xuất thạch dừa chịu thiệt hại kép.

“Mặc dù cơ sở không còn xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc trong 2 năm nay, tuy nhiên, tác động gián tiếp là không tránh khỏi. Các nước nhập khẩu hàng của Cơ sở Minh Tâm vì không xuất khẩu sang thị trường này được nên cũng đã tạm ngưng nhập khẩu hàng của cơ sở từ khoảng 1 tháng nay, khiến cơ sở phải giảm công suất, giảm lao động. Thậm chí, cơ sở phải tháo dỡ thiết bị máy móc ở nhiều công đoạn để vệ sinh lại và tạm thời cất đi, tránh hư hỏng vì ảnh hưởng của nước mặn”, bà Lê Thị Bê cho biết thêm.

Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre (Beinco), xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc cũng rơi vào tình trạng khó khăn trên. Ông Trần Văn Đức - Tổng giám đốc Beinco cho biết,  DN sử dụng khoảng 300m3 nước để sản xuất mỗi ngày. Tuy nhiên, từ tháng 12-2019 đến nay, DN không đủ nước ngọt để sử dụng, nước máy thường xuyên ghi nhận độ mặn cao, từ 3 - 4‰. Giải pháp của Beinco là sử dụng hệ thống lọc nước RO. Việc đầu tư hệ thống lọc nước tốn nhiều chi phí. Mặt khác, hoạt động xử lý bằng hệ thống nước này cũng gây tốn kém. Cụ thể, chi phí lọc mặn 1m3 nước từ 40 ngàn đồng (nếu là nước máy thủy cục) đến hơn 60 ngàn đồng (nếu khai thác nước mặt).

“Cùng với việc giá dừa nguyên liệu tăng cao, việc xử lý nước mặn đã đẩy giá thành sản xuất 1 tấn cơm dừa nạo sấy lên trên 60 triệu đồng, trong khi giá thế giới chào bán ra thị trường hiện chỉ hơn 40 triệu đồng/tấn. Trong bối cảnh đầu vào cho sản xuất cao hơn giá thành, Beinco hoạt động khoảng 10% công suất nhà máy”, ông Trần Văn Đức cho hay.

Tại cuộc làm việc của UBND tỉnh với Sở Công Thương và các DN tiêu biểu mới đây, nhiều DN cho biết phải tạm dừng nhiều dây chuyền sản xuất, thậm chí tạm ngừng sản xuất do thiếu nước ngọt.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường phòng chống, ứng phó xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020. Trước mắt, sẽ triển khai nhiều công trình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mặn xâm nhập sâu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập chỉ đạo Sở Công Thương cần theo dõi, kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp linh hoạt hỗ trợ DN gặp khó khăn do tác động của mặn xâm nhập và dịch bệnh Covid-19.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN