Hội nghị kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019

08/10/2019 - 19:50

BDK - Chiều 8-10-2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập - Trưởng ban Chỉ đạo kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 chủ trì hội nghị kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.

Đại biểu Sở Lao động Thương binh và Xã hội thắc mắc về quy định kiểm kê đất đai đối Cơ sở cai nghiện ma túy (BaTri) do sở quản lý. Ảnh: Phan Hân

Đại biểu Sở Lao động Thương binh và Xã hội thắc mắc về quy định kiểm kê đất đai đối Cơ sở cai nghiện ma túy (BaTri) do sở quản lý. Ảnh: Phan Hân

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Văn Chinh thông tin về kinh phí thực hiện kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Tài chính phân bổ cho các huyện trong năm 2020 để thực hiện, mỗi huyện/thành phố trên 1 tỷ đồng. Sở TN&MT đang có tờ trình tổng dự toán trong phương án thực hiện của tỉnh lên Bộ TN&MT.

Theo quy định, đơn vị có thẩm quyền (UBND huyện, UBND xã) có quyền chọn hình thức để lựa chọn đơn vị tư vấn. Cụ thể, có quyền đặt hàng; giao nhiệm vụ; tổ chức đấu thầu chọn đơn vị tư vấn thực hiện kiểm kê. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn để được cung cấp tài liệu thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất đảm bảo theo thời gian quy định. Thời gian thực hiện kỳ kiểm kê đến năm 2020.

Hội nghị thông qua các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND tỉnh về quy định và hướng dẫn trong thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

Công tác kiểm kê đất, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất là hoạt động thực hiện định kỳ 5 năm/lần để xác định và đánh giá đúng hiện trạng đất từ đó có quy hoạch, sử dụng phù hợp.

* Trước đó, Sở TN&MT đã công bố kết quả đánh giá thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh. Toàn tỉnh có 44.364/182.301ha đất điều tra bị thoái hóa, bao gồm đất: sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, nông nghiệp khác và đất chưa sử dụng.

 Phần lớn đất thoái hóa có mục đích sử dụng là sản xuất nông nghiệp. Có 3 mức độ thoái hóa: nhẹ, trung bình, nặng; mức độ nặng chiếm gần 69% diện tích đất thoái hóa. Theo kết quả điều tra và phân tích, có nhiều hình thức thoái hóa: đất bị suy giảm độ phì, bị mặn hóa, bị khô hạn, bị phèn hóa. Theo ông Nguyễn Khắc Phương - Chuyên viên Phòng Quy hoạch và Quản lý đất đai thuộc Chi cục Quản lý đất tỉnh, nếu tình trạng thoái hóa không được can thiệp sẽ ảnh hưởng đến cấu tạo của đất và hiệu quả sản xuất cũng như môi trường sống của cộng đồng.

Ngành tài nguyên và môi trường, các đơn vị thi công, chuyên gia và ngành liên quan đã đề xuất giải pháp chống thoái hóa đất. Cụ thể, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thích hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tai; quan tâm đến vấn đề bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái ven biển nhạy cảm. Tích cực trồng cây chắn sóng ven sông, biển. Triển khai các dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn; triển khai giải pháp về kỹ thuật và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất…

Dự án Điều tra thoái hóa đất kỳ đầu của tỉnh do Trung tâm Điều tra và Quy hoạch đất đai, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật tài nguyên môi trường tỉnh An Giang phối hợp thi công từ năm 2018.

Thiên Di

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN