Hùng “đinh lăng” đạt giải thưởng Lương Định Của

17/10/2018 - 07:06

Anh Cao Thanh Hùng bên cây đinh lăng. Ảnh: T.Lập

Anh Cao Thanh Hùng bên cây đinh lăng. Ảnh: T.Lập

Đầu năm 2017, anh và một người bạn ở địa phương được Công ty dược Sóc Trăng ký hợp đồng trồng cây đinh lăng làm nguyên liệu cho công ty này. Với 1,5 công đất vườn bưởi chưa cho trái, anh đã trồng xen 2.000 cây đinh lăng và bước đầu cho lợi nhuận khá cao. Từ hiệu quả này, anh mạnh dạn nhân rộng cho các hộ nghèo trên địa bàn xã. Tháng 3-2017, Tổ hợp tác (THT) Đinh lăng xã Tân Phú (Châu Thành) được thành lập với 11 thành viên. Đó là câu chuyện của anh Cao Thanh Hùng, sinh năm 1986, ngụ ấp Tân Bắc, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, hiện là Bí thư Xã Đoàn Tân Phú.

Tháng 7-2017, hưởng ứng cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp” do Tỉnh Đoàn phát động, anh đăng ký và đạt giải I. Với tiền thưởng 50 triệu đồng và 28 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh, anh Hùng đã xây dựng thương hiệu rượu đinh lăng và gối đinh lăng cho THT và bán ra thị trường. Tháng 4-2018, Quỹ CFAC - Dự án AMD tỉnh hỗ trợ cho ý tưởng khởi nghiệp của anh với nguồn vốn 840 triệu đồng, anh Hùng đã mở rộng quy mô sản xuất và thành viên THT tăng lên 59 thành viên, nâng tổng số thành viên THT 60 người, với diện tích trồng xen hơn 3ha, 120 ngàn cây đinh lăng nguyên liệu. “Với giá bán nhánh 40 ngàn đồng/kg, lá bán 3.000 đồng/kg, từ tháng 3-2017 đến nay, anh và các thành viên trong THT đã thu về 926 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn thực lãi 300 triệu đồng. Mô hình đã giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên (cao điểm thu hoạch có 20 lao động)” - anh Hùng cho biết.

Theo anh Hùng, cây đinh lăng thích hợp với điều kiện của mọi vùng đất trên địa bàn tỉnh, thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Là loại cây trồng xen có hiệu quả kinh tế khá cao, hiện anh đã nhân rộng và xây dựng vùng nguyên liệu cho THT của mình sang hộ nghèo các huyện trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích hơn 8ha. “Cây đinh lăng trồng sau 8 tháng là có thu hoạch (nhánh và lá). Riêng phần rễ có giá trị kinh tế còn cao hơn nữa, thời gian thu hoạch phải từ 2,5 - 3 năm sau khi trồng. Hiện nay, một củ đinh lăng ngâm rượu được bán với giá 1,5 triệu đồng. Nguyên liệu từ cây đinh lăng trên thị trường rất hút hàng, ngoài Công ty Dược Sóc Trăng, các cơ sở thuốc Nam trên địa bàn tỉnh cũng đặt hàng từ THT” - anh Hùng cho biết thêm.

Ngoài mô hình trên, anh Hùng còn tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng 2 mô hình hỗ trợ thanh niên, hộ nghèo trên địa bàn làm sinh kế, thoát nghèo. Đó là mô hình nuôi thỏ và heo rừng do Bí thư Chi đoàn ấp Tân Đông Lê Hoàng Tuấn và đoàn viên Phan Văn Phát làm Trưởng nhóm với 25 hộ nuôi thỏ và 20 hộ nuôi heo rừng cũng đang mang lại hiệu quả. Cả hai mô hình này được Dự án AMD tỉnh hỗ trợ nguồn vốn 825 triệu đồng.

“Từ mô hình nuôi thỏ, tôi và các bạn đoàn viên đã hình thành ý tưởng xây dựng mô hình “Nuôi thỏ dược liệu”. Ý tưởng này đã đăng ký tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2018. Nếu thuyết phục được Hội đồng thì mô hình này cũng sẽ tiến tới thành lập THT và quy mô chăn nuôi cũng được mở rộng hơn cho các bạn đoàn viên, hội viên, thanh niên trên địa bàn xã”- anh Hùng cho biết thêm.

Với những thành tích trên và cùng với thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn tại địa phương, anh Hùng đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Đoàn các cấp (năm 2013 và 2015 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen). Năm 2018, anh Hùng là cán bộ Đoàn duy nhất của tỉnh đạt giải thưởng Lương Định Của -  đây là giải thưởng danh giá của Trung ương Đoàn xét tặng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên có thành tích xuất sắc.

Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN