Kết quả 3 năm thực hiện Chương trình dừa và giải pháp phát triển

29/05/2019 - 07:04

BDK - Thời gian qua, để cây dừa phát triển ổn định và bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020 và thành lập Ban Điều phối giao cho Sở Công Thương là cơ quan thường trực triển khai thực hiện. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, với 8 sản phẩm chủ lực, trong đó có dừa.

Giới thiệu sản phảm dừa tại Hội chợ công nghiệp Bến Tre. Ảnh: Thu Huyền

Giới thiệu sản phảm dừa tại Hội chợ công nghiệp Bến Tre. Ảnh: Thu Huyền

Phát triển diện tích dừa hữu cơ

Theo Sở Công Thương, hiện diện tích dừa trong tỉnh khoảng 72 ngàn ha; năng suất 9.500 trái/ha, sản lượng 612.500 trái/năm. Ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển khá nhanh và phong phú về các mặt hàng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Hiện có gần 2.000 cơ sở chế biến dừa với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, có khả năng chế biến hết sản lượng dừa của đồng bằng sông Cửu Long. Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2018 đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 12,3% giá trị sản xuất công nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2018 ước đạt 215,34 triệu USD, chiếm 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu chính hiện nay như: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng lon/hộp, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa, thạch dừa, bột sữa dừa, dầu dừa... Thị trường xuất khẩu dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng, đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đã hình thành được 37 tổ hợp tác (THT), 11 tổ liên kết và 9 hợp tác xã (HTX) với quy mô 1.882ha và 2.511 thành viên. Hiện tại đã có 2 trong 9 HTX tổ chức sơ chế bán cơm dừa trắ́ng cho doanh nghiệp (DN) để nâng cao giá trị trái dừa và 5/9 HTX đã tổ chức sản xuất, kinh doanh thu mua dừa trái của các thành viên bán cho các DN.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, hiện tổng diện tích dừa đang chuyển đổi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và được chứng nhận trên 4.137ha với 2.447 hộ, trong đó diện tích đạt chứng nhận 2.014,36ha.

Liên kết sản xuất

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện các hoạt động của chương trình và hơn 2 năm thực hiện chương trình theo chuỗi giá trị đã có một số tác động tích cực đến hoạt động trồng, chế biến dừa của tỉnh. Đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng trong việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết tạo chuỗi giá trị. Từ đó, hình thành một số vùng dừa tập trung tạo sản lượng đáp ứng nhu cầu của DN. Bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết tạo chuỗi khá phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Hoạt động thu mua của DN, THT và HTX đã hình thành và đi vào hoạt động. Nhiều dự án chế biến dừa quy mô lớn đi vào hoạt động, nhiều sản phẩm mới từ dừa được thương mại hóa với quy mô lớn, sản lượng các sản phẩm mới có sự tăng trưởng khá.

Để cây dừa tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Xây dựng Dự án Liên kết xây dựng vùng sản xuất dừa theo hướng an toàn, chất lượng cao ở các tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long - Tiền Giang - Trà Vinh. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, chuyển giao kỹ thuật thâm canh tổng hợp, phòng trừ sâu bệnh theo hướng sinh học, góp phần nâng cao năng suất vườn dừa.

Tiếp tục triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa người trồng dừa với các DN. Nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân từ nguồn nguyên liệu dầu dừa; quy trình sản xuất giấy cao cấp, giấy trang trí từ nguồn nguyên liệu cây dừa. Xây dựng mô hình quản lý và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm dừa xiêm xanh. Triển khai mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Bến Tre cho sản phẩm dừa xiêm xanh vào thực tiễn. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, mở rộng thị trường tiêu thụ…

C.Thương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN