Khẩn cấp ứng phó sạt lở bờ biển tại tỉnh

02/10/2019 - 07:31

BDK - Thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ biển tại tỉnh diễn biến rất phức tạp, đe dọa cuộc sống của người dân và gây thiệt hại đáng kể các cánh rừng. Theo thống kê của Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh, trong 3 năm qua, sạt lở gây thiệt hại hơn 70 héc-ta rừng đước, phi lao, mắm ở ven biển. Trong đó, huyện Thạnh Phú bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 50 héc-ta.

Người dân ven biển phải dùng cừ tràm ngăn sạt lở.

Người dân ven biển phải dùng cừ tràm ngăn sạt lở.

Mất nhà, mất đất của người dân

Gần một tuần nay, người dân khu vực cồn Ngoài (ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri) mất ăn mất ngủ khi gió chướng thổi về mạnh, sóng biển cao đánh vào bờ gây sạt lở. Gia đình ông Trần Văn Dũng sống cạnh bờ biển phải dùng mọi giải pháp thủ công như: dùng bao chứa cát làm bờ đê, mua cừ tràm đóng dọc bờ biển để bảo vệ căn nhà của mình. Mấy năm trước, từ nhà ông ra bãi biển khoảng 120m nhưng giờ bị sạt lở vô sát căn nhà. Toàn bộ diện tích gần 2.000m2 đất giồng cát được gia đình trồng dưa hấu, dưa gang, ngô... đã bị sóng cuốn ra biển. Ông Dũng cho biết: “Bây giờ chỉ còn căn nhà và thửa đất nhỏ phía sau nên ráng giữ được ngày nào hay ngày nấy vì không còn đất để di dời. Năm nào cũng vậy, cứ cuối tháng 8 (âm lịch) đến qua Tết năm sau, gió thổi mạnh, sóng to gây sạt lở bờ biển. Dù cố gắng dùng mọi giải pháp che chắn nhưng vẫn bị mất đất dần dần đến sát bên nhà. Người dân ở đây chỉ mong nhà nước quan tâm đầu tư xây bờ kè bê-tông mới mong bảo vệ được đất ở ven biển”.

Gia đình ông Huỳnh Văn Ngoạt, ở gần đó đã bị sóng biển cuốn trôi mất căn nhà cách đây hơn một năm giờ phải ở tạm nhà người thân để làm thuê kiếm sống. Một số hộ dân ở ven biển giờ tìm mọi cách chống chọi bằng thủ công nhằm giữ đất, giữ nhà do không còn chỗ khác để di dời.

Tỉnh có có 65km bờ biển, nhiều đoạn đang bị sạt lở đe dọa, gây thiệt hại nhiều diện tích đất, rừng phòng hộ, hoa màu của người dân. Hiện toàn tỉnh có 8 điểm sạt lở bờ biển, tổng chiều dài khoảng 19km. Theo thống kê của UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, trên địa bàn xã có 5km bờ biển thì sạt lở đã chiếm 2,6km với mức độ xâm thực từ 10 - 15m mỗi năm. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, diện tích bị ảnh hưởng do sạt lở gần 50 héc-ta. Trong đó, diện tích rừng phòng hộ bị mất 10 héc-ta, hoa màu 30 héc-ta, ngư trường 10 héc-ta.

Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận Lâm Văn Ô cho biết: “Cách đây 2 năm, địa phương được đầu tư 6 tỷ đồng để xây dựng bờ kè dài 200m nhằm bảo vệ cây cầu bê-tông dẫn ra bãi biển. Hiện tại, công trình đầu tư xây dựng bờ kè dài 800m đang được đầu tư nối liền với tuyến kè cũ để bảo vệ bờ biển. Tuy vậy, hiện còn nhiều đoạn đang sạt lở nghiêm trọng đang cần được đầu tư, xây dựng để bảo vệ đất sản xuất của người dân và diện tích rừng phòng hộ. Khi chưa được đầu tư, người dân tự đắp bờ đê, dùng cừ tràm để tự bảo vệ đất sản xuất của mình nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, hiệu quả không cao”.

Tại bờ biển xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú; xã Thừa Đức, huyện Bình Đại cũng xảy ra tình cảnh tương tự khi sạt lở bờ biển làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân và rừng phòng hộ. Từ năm 2013 đến nay, sạt lở bờ biển xã Thạnh Hải đã xóa sổ 110 héc-ta đất sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5km với 97 hộ dân đang sinh sống. Nhiều hộ dân bị mất đất, mất nhà do sạt lở bờ biển gây ra.

Khẩn cấp ứng phó

Tại các địa phương có sạt lở đã khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn, vận động người dân dùng các giải pháp tạm để che chắn, ngăn sạt lở nhằm bảo vệ đất sản xuất, tài sản. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú Lê Văn Tiến cho biết: Chiều dài bờ biển của địa phương khoảng 18,5km có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cồn Bửng, cồn Lợi. Trong thời gian qua, địa phương được đầu tư đoạn kè khoảng 850m dọc bờ biển để bảo vệ Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển, xây dựng một đoạn kè liền kề tại cồn Bửng giáp với xã Thạnh Phong. Đồng thời, 6 hộ dân hoạt động du lịch ven biển tại cồn Bửng đầu tư xây bờ kè với kinh phí gần 30 tỷ đồng để bảo vệ bờ biển. Còn lại nhiều đoạn bờ biển bị sạt lở người dân dùng bờ kè tạm bằng bao cát, cừ tràm nhưng hiệu quả không cao, sạt lở hàng năm tiếp tục lấn sâu vào đất liền gây thiệt hại lớn. Hiện tại, địa phương đã báo cáo về trên để xin ý kiến nhằm tìm giải pháp, bố trí vốn xây dựng đoạn kè khoảng 1,5km tại khu vực cồn Lợi đang bị sạt lở nghiêm trọng”.

Để thực hiện tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng yêu cầu UBND các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và TP. Bến Tre khẩn trương vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đồng thời giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, trình thẩm định và phê duyệt phương án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân trong khu vực sạt lở.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng vừa ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh có 4 khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7.000m bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Cụ thể, sạt lở bờ biển khu vực cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri chiều dài khoảng 1.200m; khu vực cồn Lợi, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú chiều dài khoảng 1.500m; khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại chiều dài khoảng 3.000m và sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre với chiều dài khoảng 1.200m.

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích