Khi người lao động trở về quê

23/12/2019 - 06:54

BDK - Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở Bến Tre ngày càng nhiều, chủ yếu là lao động ở độ tuổi từ 25 - 40 đối với cả nam và nữ. Điều gì khiến các lao động trong độ tuổi lao động được cho là “chín mùi” về tay nghề, nghiệp vụ lại bị thất nghiệp và trở về quê?

Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre.

Người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre.

Tự bỏ việc, bị sa thải

Các vấn đề như sức khỏe, chăm sóc con cái, gia đình đang khiến người lao động phải chọn lựa nghỉ việc. Ðại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre - nơi tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp - chia sẻ những trường hợp thường gặp nhất: “Khi mà bạn ở độ tuổi 35 - 40 làm việc ngành may mặc, điện tử trong điều kiện dây chuyền công nghiệp bạn dễ chán nản, tự bỏ việc, hoặc sẽ bị sa thải. Ở tuổi này, mắt bạn bắt đầu kém, tay không còn độ nhanh nhạy bằng tuổi đôi mươi, năng suất sản phẩm thấp, kéo sản lượng của cả tổ sản xuất không đạt chỉ tiêu giao, lại thêm tăng ca, làm đêm thì dễ bị rối loạn tiền đình… và thế là bạn chán. Thêm nữa, độ tuổi này cả nam và nữ thường có con học tiểu học, THCS, họ phải đưa đón con nên nghỉ việc”.

Hiện tỉnh chưa có một báo cáo chi tiết hay mở một cuộc điều tra xã hội học phân tích vấn đề lao động thất nghiệp ở Bến Tre. Tuy nhiên, từ những dữ liệu của Báo cáo giai đoạn 1 Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và số liệu, đánh giá của ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh, có thể thấy những mối liên hệ; đáng chú ý nhất là tỉnh đang đối mặt với vấn đề lao động lớn tuổi thất nghiệp trở về quê ngày càng nhiều.

Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 9 ngàn người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, cao gấp 4,5 lần so với năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ di cư (chủ yếu là đi làm việc ngoài tỉnh) ngày càng được cải thiện, năm 2018 tỷ lệ này bằng 1/3 năm 2010.

Ðánh giá kết quả thực hiện chính sách BHTN thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Số lao động làm việc ở một số doanh nghiệp (DN) hoạt động lĩnh vực may mặc, điện, điện tử, chế biến thủy sản nghỉ việc nộp hồ sơ hưởng BHTN nhiều hơn so với số lao động làm việc ở các DN hoạt động các lĩnh vực khác (đa phần số lao động này làm việc ở các DN trong các khu công nghiệp). Mức bình quân hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2,7 triệu đồng/người/tháng.

Đào tạo nghề cho người thất nghiệp

10 năm qua, trong số hàng chục ngàn người thất nghiệp, thì số người được hỗ trợ học nghề là 281 người, với số tiền hỗ trợ là 509 triệu đồng, số người chấm dứt hưởng BHTN do có việc làm mới là 766 người. Hàng chục ngàn người thất nghiệp (có hồ sơ) họ đã làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình? Hiện tỉnh chưa có một thống kê nào giải đáp câu hỏi này.

Ở góc độ lãnh đạo huyện, một số người đã nhìn thấy vấn đề lao động lớn tuổi đang trở về địa phương ngày càng nhiều. Quá trình đi cơ sở đã giúp bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam quan sát và nhận thấy: “Người trẻ thì muốn đi xa để có cuộc sống mới, học tập kỹ năng mới. Nhưng gần đây, chúng tôi nhận ra có sự chuyển dịch về lao động, tức là những người độ tuổi từ 35 - 40 tuổi trở đi có xu hướng quay về nông thôn. DN có xu hướng dùng máy móc thay thế nhân công, chúng tôi thấy rằng sắp tới, huyện sẽ còn đón những đợt lao động lớn tuổi trở về quê sinh sống”.

Tại xưởng cơ khí Văn Liêm, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam có hai tốp thợ đang miệt mài làm việc. Anh Lê Văn Liêm, chủ xưởng cho biết, những người đàn ông lớn tuổi đến xưởng làm việc đa số là làm trong các khu công nghiệp không nổi nữa nên họ về quê. Khi vô xưởng làm việc thì họ không có tay nghề, mình phải đào tạo họ lại từ đầu - những người này vì phải gánh vác cả một gia đình - nên họ rất cần cù, chịu khó học, những công việc cần sự tỉ mỉ như thực hiện chi tiết khó, hay đòi hỏi kiên nhẫn như sửa máy thì họ làm rất tốt.

Công tác đào tạo nghề cho người thất nghiệp hiện nay trên địa bàn tỉnh được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra một số nguyên nhân như: Do một số ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu tuyển dụng của DN nên người lao động sau khi học nghề không tìm được việc làm tại các DN. Mặt khác, kinh phí hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp theo quy định vẫn còn thấp so với mức thu học phí của một số ngành nghề tại trung tâm và các cơ sở dạy nghề nên chưa thu hút người lao động thất nghiệp tham gia học nghề.

Bức tranh lao động thất nghiệp trở về quê không quá ảm đạm như nhiều người vẫn nghĩ, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Nam bày tỏ lạc quan: “Bây giờ xây dựng nông thôn mới ở tỉnh rất tốt, đường sá được mở mang, đi lại thuận tiện; chương trình Ðồng khởi khởi nghiệp và phát triển DN được tập trung, thế nên người lao động trở về quê vẫn có thể tiếp cận đồng vốn để khởi nghiệp”.

“Việc cần kíp của huyện sẽ là đào tạo nghề - những nghề thực sự cần để người lao động làm việc tại quê hương gắn với công tác tư vấn, định hướng giúp người lao động xác định sẽ ở quê hay đi xa kiếm việc”, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung nói thêm.

Qua 10 năm (từ 2009 - 2019) thực hiện chính sách BHTN, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN là 56,8 ngàn người (trong tỉnh 30,7 ngàn người, ngoài tỉnh 26,1 ngàn người). Tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp là hơn 126 tỷ đồng. Trong hơn 8,7 ngàn người có quyết định nhận BHTN năm 2018 thì có đến 6,1 ngàn người ở độ tuổi từ 25 - 40 tuổi, còn lại là người hơn 40 tuổi và nhỏ hơn hoặc bằng 24 tuổi.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN