Khoa học và công nghệ là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội

17/05/2018 - 22:16

Lãnh đạo tỉnh dán tem chỉ dẫn địa lý cho bưởi da xanh Bến Tre.

Lãnh đạo tỉnh dán tem chỉ dẫn địa lý cho bưởi da xanh Bến Tre.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững tất yếu chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển dựa vào khoa học và công nghệ (KH&CN), nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế tri thức. Đây là 3 đột phá chiến lược và là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Gia tăng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm

Thực hiện 3 đột phá chiến lược trên, năm 2017, ngành KH&CN tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 2,2%, thủy sản 5,3% và công nghiệp 9,3%. Đặc biệt, KH&CN đã thúc đẩy việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thông qua hoạt động nghiên cứu, đổi mới ứng dụng công nghệ đã tạo ra những dòng sản phẩm cao cấp, có bước chuẩn hóa tốt về mặt chất lượng, chủng loại và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến từ dừa xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Minh chứng rõ hơn, sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái, bột sữa dừa có giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy, sản phẩm dầu dừa tinh luyện có giá trị cao gấp 2 lần so với dầu dừa thô, dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 4 lần dầu dừa tinh luyện và gấp 10 lần dầu dừa thô, nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống.

KH&CN không những làm gia tăng giá trị sản phẩm mà còn trực tiếp hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm như xây dựng, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm bò Ba Tri; nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trái chôm chôm và trái măng cụt Chợ Lách, lúa sạch Thạnh Phú và hoa kiểng Cái Mơn. Điều đó đã làm cho tỷ trọng gia tăng của sản phẩm được tiếp tục nâng cao, điển hình là nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú cùng có sự tham gia ký kết hợp đồng đầu vào và đầu ra với các doanh nghiệp kết hợp đầu tư hệ thống thiết bị sấy lúa, tách màu gạo công suất 80 tấn/mẻ đã mang lại lợi nhuận 26 triệu đồng/ha, tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước đây chỉ đạt 17 triệu đồng/ha. Số lượng cơ sở chăn nuôi trên địa bàn có xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch tăng gấp 2 lần so với năm 2013, góp phần cải thiện cuộc sống cho dân cư nông thôn.

Hiện toàn tỉnh có 52 tổ chức và cá nhân sản xuất nông, lâm, thủy sản được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương. Trong đó, 20 tổ chức và cá nhân sản xuất cây ăn trái với quy mô diện tích 280 ha được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP; 1 cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn VietGAHP  và 31 cơ sở và hợp tác xã thủy sản đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, AquaGAP và MSC.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Hàm lượng KH&CN và năng lực hấp thụ công nghệ trong nền kinh tế đang có xu hướng tăng dần, tỷ lệ sáng chế đăng ký bảo hộ đạt 100% so với chỉ tiêu kế hoạch; tốc độ đổi mới công nghệ đạt 14,3%, tăng 3,57%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 26,2%, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng lên nhờ vào việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như Halal, ISO 14001, ISO 9001, HACCP… phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Mặt khác, KH&CN góp phần nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh, trong việc triển khai, xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của UBND 45 xã, phường, thị trấn của huyện Chợ Lách, Giồng Trôm và Mỏ Cày Bắc.

Năm 2018, ngành KH&CN tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính như: lựa chọn đối tác và triển khai thí điểm mô hình hợp tác công tư về thực hiện nhiệm vụ KH&CN; phối hợp với các ngành tham mưu đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ Trung tâm dừa Đồng Gò thành Trung tâm Nghiên cứu dừa mang tầm quốc gia; tổ chức xây dựng, công bố chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh, bưởi da xanh, sầu riêng Chợ Lách; triển khai mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu đã được chứng nhận.

Tiếp tục triển khai Đề án hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN thực hiện liên kết ABCD và tiểu vùng duyên hải sông Tiền. Nghiên cứu cơ sở khoa học, mô hình hệ thống và lộ trình phát triển bền vững đô thị thông minh cho TP. Bến Tre. Phối hợp với các tập đoàn viễn thông xây dựng lộ trình áp dụng việc truy xuất nguồn gốc lần lượt cho 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh bằng tem QR.

LV.Tân - Đ.V.Cử

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN