Khoảng 30 - 40% diện tích lúa thiệt hại do hạn mặn

08/03/2020 - 20:46

BDK - Mùa khô năm 2019-2020, mặn tiếp tục xâm nhập sâu và gay gắt. Các cơ quan chức năng huyện Giồng Trôm đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng chống. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hạn mặn đã ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là lúa.

Cánh đồng lúa của anh Nguyễn Văn Phong ở ấp Bình Lợi, xã Bình Thành.

Cánh đồng lúa của anh Nguyễn Văn Phong ở ấp Bình Lợi, xã Bình Thành.

Những tháng cuối năm 2019, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai đến các xã, thị trấn về công tác ứng phó với hạn mặn. Phòng đã phối hợp với Trạm Thủy nông số 1 vận hành đóng, mở các cống đầu mối. Khi độ mặn vượt 1%o thì tổ chức khép kín để tránh mặn xâm nhập vào nội đồng. Bên cạnh đó, phòng cũng có kế hoạch kiểm tra, hỗ trợ các xã trong công tác phòng chống hạn mặn và ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong mùa hạn mặn.

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nguyễn Vũ Phong cho biết: Qua khảo sát một số xã trọng điểm trên địa bàn huyện, hiện mặn đã ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt đối với cây lúa. Tỉnh, huyện có khuyến cáo liên quan đến gieo sạ lúa vụ 3. Tuy nhiên, các hộ dân gieo sạ tự phát khoảng 857ha, tập trung chủ yếu ở 2 xã Bình Thành và Tân Thanh. Đến thời điểm này, một số diện tích đã bị ảnh hưởng. Người dân ngừng chăm sóc lúa, không bơm nước, rải phân.

 Anh Nguyễn Văn Phong, ở ấp Bình Lợi, xã Bình Thành, có 5 công đất. Anh thuê thêm 8 công để trồng lúa. Anh Phong chia sẻ: Do kinh tế chính của gia đình là trồng lúa. Vì tiếc đất nên mặc dù đã nghe dự báo tình hình mặn xâm nhập nhưng vẫn ráng xuống giống vụ Đông Xuân. Lúa xuống giống được 10 ngày tuổi thì bắt đầu không phát triển. Chi phí đầu tư giống, phân, thuốc, bơm nước khoảng 1 triệu đồng/công đất. Hiện tại, cây lúa đã chết, không cứu được nữa.

Hiện hạn mặn đã ảnh hưởng trực tiếp khoảng 30 - 40% diện tích lúa. Diện tích còn lại dự báo cũng không còn khả năng thu hoạch. Nhiều nông dân xót lúa đã bơm nước mặn vào đồng, dù biết rằng lúa khó chống chịu được.

Ông Nguyễn Vũ Phong cho biết thêm: Hướng tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các ban, ngành, các hội, đoàn thể tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân; quan tâm chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi mùa hạn mặn. Đồng thời, phòng linh hoạt phối hợp với Trạm Thủy nông số 1 vận hành các công trình, cống đầu mối đảm bảo phục vụ tốt nước cho sinh hoạt.

Tin, ảnh: Kim Phụng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích